Mô hình sấy cỏ kết hợp năng lượng mặt trời, thân thiện với môi trường

Mô hình sấy cỏ kết hợp năng lượng mặt trời, thân thiện với môi trường

Thích hợp với quy mô chăn nuôi nhỏ nhằm nâng cao chất lượng thức ăn và giải phóng sức lao động cho người dân, nhóm thí sinh tại Hà Nội gồm: Lê Thị Thanh Huyền, lớp 11 D2, Nguyễn Quỳnh Hương Ly, lớp 12 D1 Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy; Lê Minh Hiếu, lớp 9A1 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Pascal; Trịnh Hà Phương, lớp 7A3 Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển; Nguyễn Hương Minh Trang, lớp 7A2, Trường Trung học cơ sở Giảng Võ đã thực hiện thành công Đề tài "Mô hình hệ thống thiết bị cắt, băm, sấy cỏ, ngô kết hợp năng lượng mặt trời và đóng báo ủ chua làm thức ăn cho gia súc".

Đề tài này đã giành giải Nhất tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 năm 2020 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức.

Mô hình sấy cỏ kết hợp năng lượng mặt trời, thân thiện với môi trường ảnh 1Mô hình hệ thống thiết bị cắt - băm, sấy cỏ, ngô kết hợp năng lượng mặt trời và đóng bao ủ chua làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: NVCC/tietkiemnangluong.evn.com.vn

Theo Tiến sỹ Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Phó trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi, mô hình hệ thống thiết bị cắt - băm, sấy cỏ, ngô kết hợp năng lượng mặt trời và đóng bao ủ chua làm thức ăn cho gia súc của nhóm học sinh Hà Nội nói riêng và các mô hình tham gia cuộc thi nói chung đều có tính sáng tạo, tính mới và khả năng ứng dụng rộng rãi trong điều kiện của nước ta.

Hệ thống thiết bị gồm 3 cụm máy chính: Cụm cắt băm; cụm nhà sấy kết hợp năng lượng mặt trời; cụm phun men vi sinh, ép đóng bao ủ chua. Trong đó, cụm cắt băm bao gồm: Máng nạp nguyên liệu (cỏ, ngô tươi thu hoạch ngoài đồng) và dao cắt băm có tốc độ quay 1.400 vòng/phút được quay bằng động cơ điện. Kích thước lát cắt khoảng 3-6 cm và có thể điều chỉnh để phù hợp yêu cầu ủ đối với từng đối tượng sử dụng.

Cụm nhà sấy kết hợp năng lượng mặt trời bao gồm khung được thiết kế theo hình bán cầu, lợp mái tấm sáng để hấp thụ ánh sáng mặt trời một cách tốt nhất. Dưới tác dụng của hiệu ứng nhà kính, nhiệt trong nhà sấy sẽ tăng lên để sấy sản phẩm. Khi nhiệt tăng sẽ làm chênh lệch áp suất giữa trong và ngoài khiến quả cầu trên nhà quay làm cho không khí trong nhà được lưu thông, tăng nhanh tốc độ sấy sản phẩm.

Cụm phun men vi sinh, ép đóng bao ủ chua là một băng chuyền kết hợp với máy ép đóng bao và vòi phun men vi sinh. Khi độ ẩm sản phẩm trong nhà sấy nằm ở khoảng 65%-70% sẽ được cho chạy trên băng chuyền. Tại đây, thông qua vòi phun, men vi sinh sẽ được phun và trộn đều với sản phẩm, sau đó, sản phẩm theo băng chuyền vào máy ép đóng bao. Không khí trong bao sẽ được ép hết ra ngoài để quá trình lên men chua yếm khí được diễn ra thuận lợi. Sản phẩm sau đó sẽ được chuyển vào nhà sấy để ủ và sau 21 ngày sẽ được dùng làm thức ăn cho vật nuôi.

Đại diện nhóm tác giả, em Lê Thị Thanh Huyền lớp 11D2, Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, em đã từng được đọc một bài báo về công dụng của ủ chua thức ăn cho gia súc và nhận thấy việc ủ chua vừa đảm bảo được dinh dưỡng thức ăn cho gia súc, lại vừa tiết kiệm được chi phí, hiệu quả cao, gia súc cũng tăng trọng nhanh hơn. Vì thế nhóm đã quyết định thực hiện đề tài, góp phần giúp người chăn nuôi dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị thức ăn cho gia súc.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện đề tài, em Lê Thị Thanh Huyền cho biết, trong quá trình lên ý tưởng và thực hiện đề tài, nhóm gặp khó khăn về kinh phí trong xây dựng mô hình, thiếu kiến thức, không có kinh nghiệm.

Nhưng nhờ có sự giúp đỡ của thầy cô, các chuyên viên kỹ thuật của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại nông sản thực phẩm Trí Việt (TRIVIE), việc triển khai thực hiện thành công đề tài. " Với mô hình này, việc chăn nuôi sẽ trở nên dễ dàng, vật nuôi được cung cấp thức ăn giàu dinh dưỡng và an toàn về chất lượng, tăng năng suất, mang lại lợi ích cao cho người chăn nuôi. Thời gian tới, nhóm sẽ kết hợp ủ chua với các bước khác như: sấy, cắt băm, đóng gói, triển khai đến các hộ chăn nuôi, giúp người nông dân không còn vất vả khi chăn nuôi." em Lê Thị Thanh Huyền nói.

Đánh giá về đề tài của nhóm học sinh, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Kim Chi (Viện Khoa học công nghệ và Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, đây là ý tưởng mới, cơ động và sáng tạo. Đáng chú ý là việc sấy kết hợp với năng lượng mặt trời sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường. Các em đã ghép ba công đoạn của quy trình công nghệ ủ chua thức ăn cho gia súc: Cắt - băm; phơi sấy; phun men vi sinh, ép nén và đóng bao ủ chua trên cùng một hệ thống, bảo đảm sản xuất khép kín theo hướng sản xuất công nghiệp. Trên hệ thống thiết bị này, nguyên liệu cỏ, ngô thu hoạch và cắt băm bằng máy chuyên dùng ở ngoài đồng cũng có thể chuyển trực tiếp vào nhà sấy kết hợp năng lượng mặt trời và thực hiện các khâu tiếp theo. Khi đó máy cắt băm không cần hoạt động. Trong trường hợp không có ánh nắng mặt trời (ban đêm hoặc trời mưa), nếu mất điện, có thể mở các cửa thông gió dưới chân nhà lưới để quá trình sấy thông gió tự nhiên được thực hiện và sản phẩm không bị hỏng do chất đống. Nguyên vật liệu để chế tạo hệ thống thiết bị này có sẵn trong nước, dễ mua, dễ thiết kế, chế tạo và lắp ráp.


Lý Thanh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm