Mô hình kinh tế tổng hợp - hướng đi mới của đồng bào vùng cao Hà Giang

Mô hình kinh tế tổng hợp - hướng đi mới của đồng bào vùng cao Hà Giang
Sình Mí Cơ, ở thôn Má Trề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang) chăm sóc vườn lê của gia đình. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
Sình Mí Cơ, ở thôn Má Trề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang) chăm sóc vườn lê của gia đình. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Xã Sính Lủng hiện có 740 hộ với khoảng 6.400 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Xã Sính Lủng có tổng diện tích trên 2.000 ha nhưng chỉ có hơn 300 ha đất canh tác, còn lại là núi đá, không thể gieo trồng. Toàn xã có 20% số hộ tham gia mô hình phát triển kinh tế tổng hợp.

Ông Trần Đăng Khoa - Bí thư Đảng ủy xã Sính Lủng cho biết, diện tích đất canh tác của xã rất ít, chủ yếu trồng ngô đan xen cây hoa màu khác, vì thế đời sống của bà con trước đây rất khó khăn. Vài năm trở lại đây, cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước, chúng tôi đã hướng dẫn bà con vay vốn, áp dụng kỹ thuật nuôi trồng, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, trong đó tập trung phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Đến thăm mô hình nuôi bò, dê, chim bồ câu và trồng cây ăn quả của gia đình anh Sình Mí Cơ, ở thôn Má Trề, xã Sính Lủng mới thấy được nỗ lực của người dân vùng cao bám đất, bám bản, quyết chí làm giàu. Anh Cơ chia sẻ, đất vùng này chủ yếu là đá, trồng cây gì cũng khó, do chỉ có một ít diện tích trồng ngô và cây hoa màu xen canh nên những năm trước đây làm cũng chỉ đủ ăn, cuộc sống rất khó khăn, nhiều người phải đi làm thuê nơi khác. 

Năm 2016, anh Sình Mí Cơ đã mạnh dạn đầu tư hơn chục triệu đồng mua 1 con bò về nuôi vỗ béo. Sau 6 tháng bò xuất chuồng thu lãi hơn chục triệu đồng, anh Cơ tiếp tục đầu tư nuôi dê, lợn nái, chim bồ câu và trồng 60 gốc lê. Năm 2017, nhận thấy mô hình kinh tế tổng hợp đạt hiệu quả, anh làm thủ tục vay hai đợt với tổng số tiền là 80 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách để nuôi bò vỗ béo. “Nuôi bò vỗ béo chỉ từ 3 - 6 tháng, mỗi con lãi khoảng 10 triệu đồng. Hiện mỗi năm gia đình tôi xuất chuồng 8 con bò, thu về khoảng 80 triệu đồng. Tính cả bò, dê, lợn và chim bồ câu, cây ăn quả, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng” – anh Cơ cho biết.

Lầu Sính Sủng, thôn Sà Tủng Chứ, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
Lầu Sính Sủng, thôn Sà Tủng Chứ, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Cũng thành công với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, gia đình anh Lầu Sính Sủng, ở thôn Sà Tủng Chứ, xã Sính Lủng, từ nguồn vốn chính sách, đầu tư nuôi bò vỗ béo, mỗi năm xuất 3 lứa, mỗi lứa 3 con, thu nhập khoảng 90 triệu đồng/năm. “Mua bò to thì càng được nhanh xuất chuồng, xoay vòng nhanh hơn nuôi bò bé. Trước kia chỉ trồng ngô, nuôi con lợn, con gà để gia đình ăn, không có nguồn thu nào khác, toàn phải đi làm mướn ở nơi xa. Nay được Đảng và Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn, hướng dẫn trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, nuôi lợn nái, chim bồ câu và trồng cây ăn quả, nhờ thế mà kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Tổng thu nhập từ nuôi bò, lợn nái, dê và chim bồ câu mỗi năm thu khoảng 135 triệu đồng” - anh Sủng phấn khởi nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Sính Lủng Lầu Mí Chơ, năm 2017 tỉ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 96%. Sau khi triển khai quyết liệt các mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là mô hình kinh tế tổng hợp, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm nhiều. Tính đến tháng 6/2019, tỉ lệ hộ nghèo của xã Sính Lủng còn gần 61%.

Anh Sình Mí Cơ (thôn Má Trề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
Anh Sình Mí Cơ (thôn Má Trề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Ông Dinh Chí Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết, để triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, huyện Đồng Văn đã triển khai lồng ghép các cơ chế, chính sách đang áp dụng trên địa bàn như: Chương trình 30a, 135; Chương trình xây dựng nông thôn mới; các chính sách tín dụng ưu đãi. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên; phổ biến quán triệt các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh đang áp dụng và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nắm bắt và tiếp cận chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi.

“Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy chính quyền từ huyện đến cơ sở, trên địa bàn huyện có một số mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu được nhân rộng và có sức lan tỏa mạnh trong nhân dân. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục rà soát, đánh giá các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để quảng bá, giới thiệu và nhân rộng trên địa bàn huyện; thường xuyên tổ chức các chương trình, diễn đàn, đối thoại giữa lãnh đạo huyện với các hợp tác xã, hộ kinh doanh để tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Dinh Chí Thành nhấn mạnh.
Nguyễn Chiến

Có thể bạn quan tâm