Mô hình "Doanh nghiệp, doanh nhân với an ninh trật tự"- cách làm hay ở Đắk Lắk:

Mô hình "Doanh nghiệp, doanh nhân với an ninh trật tự"- cách làm hay ở Đắk Lắk:

Mô hình mang ý nghĩa nhân văn

Xã Ea Ô từng được biết đến là điểm nóng về ANTT của huyện Ea Kar. Những năm trước đây, trên địa bàn xã có nhiều đối tượng là thanh thiếu-niên vướng vòng lao lý và phải trả giá sau song sắt nhà tù. Sau khi chấp hành xong án phạt, nhiều người trở về địa phương, mặc dù đã được xóa án tích song với quá khứ “bất hảo” vẫn bị kỳ thị, có người đã phải bỏ đi nơi khác làm ăn, có người “ngựa quen đường cũ” để rồi lại vào tù lần nữa. Toàn xã Ea Ô hiện có trên 60 đối tượng từng có quá khứ lầm lỗi, đa số có hoàn cảnh khó khăn, rất cần được vay vốn để làm ăn sinh sống. Đứng trước thực tế đó và mong muốn giúp đỡ những người từng lầm lỗi làm lại cuộc đời, tháng 10-2014 Công an xã đã tham mưu cho UBND xã xây dựng mô hình “Doanh nghiệp, doanh nhân với ANTT”. Ngay sau khi mô hình được triển khai, Công an xã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xã đóng góp tài chính, vật chất thành lập “Quỹ doanh nhân” để cho người lầm lỗi có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Sau một năm thành lập, đến nay mô hình đã vận động được số tiền 75 triệu đồng, hỗ trợ cho 2 trường hợp vay vốn phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Công an xã còn đứng ra bảo lãnh để Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xã giải ngân số tiền gần 500 triệu đồng cho 15 hộ là người hoàn lương vay vốn, góp phần giúp họ vươn lên thoát nghèo và tái hòa nhập cộng đồng. Mỗi trường hợp được vay tối thiểu là 30 triệu đồng và tối đa 50 triệu đồng, lãi suất 0,5%/năm, thời hạn vay 36 tháng (3 năm).

Anh Bùi Trọng Lực, Trưởng Công an xã Ea Ô cho biết: “Việc giúp đỡ những người từng một thời lầm lỡ vượt qua mặc cảm, trở thành người có ích cho xã hội là một quá trình với vô vàn khó khăn. Thực tế, nhiều trường hợp sau khi trở lại cộng đồng đã bị chính người thân và những người xung quanh phân biệt, kỳ thị; có trường hợp đi xin việc đã bị từ chối khi mới xem qua hồ sơ… Bước đầu mô hình "Doanh nghiệp, doanh nhân với ANTT" đã giúp nhiều người vượt qua mặc cảm, chí thú làm ăn. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là nguồn quỹ của mô hình còn hạn chế, chưa được nhiều cá nhân, doanh nghiệp quan tâm, ủng hộ”.


 

Anh Nguyễn Văn Hiệp chăm sóc vườn cà phê của gia đình.
Anh Nguyễn Văn Hiệp chăm sóc vườn cà phê của gia đình.


Giúp người lầm lỗi hoàn lương

Từ ngày thành lập đến nay, mô hình “Doanh nghiệp, doanh nhân với ANTT” đã cho vay và bảo lãnh cho nhiều đối tượng vay vốn làm ăn, từ đó nhiều trường hợp đã làm ăn có hiệu quả, ổn định cuộc sống. Chẳng hạn như trường hợp của anh Nguyễn Văn Hiệp (SN 1976, thôn 2A). Nhìn cơ ngơi khang trang của gia đình anh không ai nghĩ rằng anh đã đi lên từ 2 bàn tay trắng cùng một quá khứ lầm lỗi, nhiều nước mắt. Cách đây gần chục năm, với bản tính bồng bột của tuổi trẻ, anh theo đám bạn xấu đi cướp để lấy tiền tiêu xài và phải trả giá bằng 7 năm tù giam với tội danh “Cướp tài sản”. Năm 2010, trở về với 2 bàn tay trắng, anh cảm thấy bi quan, chán nản trước ánh mắt kỳ thị của mọi người xung quanh. Trong lúc buồn bã, không kiếm được việc làm thì được Công an xã đến nhà thăm hỏi, động viên, đồng thời tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn “Quỹ doanh nhân” và anh được vay 50 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Từ số vốn này, anh mua 2 con bò sinh sản, sau một năm cặp bò này đã cho ra đời 2 con bê. Khi đã tạo được lòng tin ở mọi người xung quanh, anh vay mượn thêm bạn bè, người thân để mua thêm 4 con và mới đây, anh đã xây được căn nhà trị giá gần 400 triệu đồng.

Tương tự, hiểu được khó khăn mà anh Nguyễn Trọng Dũng (SN 1984, thôn 8) gặp phải sau khi mãn hạn tù, Công an xã đã đứng ra bảo lãnh cho anh vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Anh Dũng đã từng chịu án 7 năm tù với tội danh “Cố ý gây thương tích” đến năm 2007 được trả tự do. Ngày trở về địa phương, anh luôn mặc cảm tội lỗi, tránh tiếp xúc với mọi người xung quanh, tuy nhiên được sự động viên của gia đình và sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương nên anh quyết tâm làm lại từ đầu. Khi được hỗ trợ nguồn vốn ban đầu 50 triệu đồng anh đã mua 3 con bò và dùng số tiền còn lại để đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, gia đình anh đã có một đàn bò 5 con, 1 ha cà phê và gần 300 gốc tiêu mới trồng. Trao đổi với chúng tôi, anh Dũng chia sẻ: “Khi mới đi tù về tôi rất mặc cảm, tự ti nhưng nhờ chính quyền địa phương động viên và tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn nên tôi luôn tự nhủ phải cố gắng phấn đấu vươn lên làm lại cuộc đời, phát triển kinh tế để không phụ lòng tin tưởng của gia đình và mọi người". Ngoài ra, trên địa bàn xã Ea Ô còn có nhiều người sau khi ra tù trở về địa phương, được các cấp quan tâm, giúp đỡ đã vươn lên hòa nhập, tu chí làm ăn như trường hợp của anh Bế Văn Trình (dân tộc Tày, ở thôn 3A, xã Ea Ô) được xét cho vay 30 triệu đồng để chăn nuôi gia súc, đến nay gia đình anh đã không còn phải chạy ăn từng bữa, kinh tế gia đình cũng bắt đầu khấm khá hơn…

Mô hình “Doanh nghiệp, doanh nhân với ANTT” đã và đang phát huy hiệu quả hết sức thiết thực, rất cần được nhân rộng. Từ những đồng vốn ít ỏi nhưng với quyết tâm làm lại cuộc đời, biết sử dụng đồng tiền hiệu quả cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương đã mở ra cuộc sống mới tốt đẹp, đầy ý nghĩa và có ích cho những người hoàn lương. Tuy nhiên, để mô hình ngày càng hiệu quả thì ngoài sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền địa phương rất cần sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm…

Báo Đắk Lắk điện tử

Có thể bạn quan tâm