Mê Linh phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Từ một huyện có xuất phát điểm thấp và khó khăn, đến nay diện mạo nông thôn huyện Mê Linh (Hà Nội) đã đổi thay nhiều với cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao và điều đáng mừng là người dân hài lòng với kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới…

Me Linh phat trien nong nghiep gan voi xay dung nong thon moi hinh anh 1Những năm vừa qua, huyện Mê Linh (Hà Nội) đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, bước đầu xây dựng được một số thương hiệu nông sản có sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội nhớ lại thời điểm năm 2010, huyện Mê Linh xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp (chỉ có 1 tiêu chí là an ninh trật tự đạt trên tổng số 19 tiêu chí). Thế nhưng, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, toàn huyện có 16/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.

Để đạt kết quả này, giai đoạn 2010 - 2020, Mê Linh đã tập trung tối đa nguồn lực đầu tư, bố trí trên 4.011 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn. Các lĩnh vực như giao thông, điện, viễn thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp; an ninh, trật tự được giữ vững; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với chương trình xây dựng nông thôn mới đạt gần như 100%.

Mê Linh chú trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, bước đầu xây dựng được một số thương hiệu nông sản có sức cạnh tranh trên thị trường. Ở lĩnh vực trồng trọt, huyện đã quy hoạch được vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô 30 ha, vùng hoa 20 ha, vùng rau an toàn 20 ha và vùng cây ăn quả 20 ha. Tại các vùng chuyên canh tập trung, năng suất và chất lượng nông sản cao hơn so với phương thức canh tác truyền thống. Ở lĩnh vực chăn nuôi, huyện đã hình thành được trên 150 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô trên 100 con, chăn nuôi gia cầm từ 1.000 - 5.000 con, chăn nuôi trâu, bò quy mô trên 10 con. Không ít trang trại, gia trại đã từng bước đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động chăn nuôi như: hệ thống làm mát, sưởi ấm, phối trộn và cho ăn - uống nước tự động…

Chủ tịch huyện Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn thông tin, huyện sẽ phấn đấu từ nay đến năm 2025 duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững. Trong đó, kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng hiện đại; môi trường sinh thái trong lành; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Toàn huyện sẽ có từ 6 - 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 - 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất nông nghiệp và thủy sản hàng năm đạt từ 2,5 - 3%; phấn đấu thu nhập bình quân đạt trên 65 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%…

Huyện đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ, nhất là cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đặc biệt, hoàn thiện về cơ chế, chính sách nhằm mở rộng sản xuất, liên kết chuỗi giá trị cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã…, hỗ trợ chủ thể OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của địa phương kết nối tiêu thụ sản phẩm vào hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố cũng như cả nước.

Ngày 8/6/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký quyết định số 690/QĐ-TTg công nhận huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Quyết định giao Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/6/2022.

Thanh Tuyền

Tin liên quan

Tạo không gian phát triển mới cho khu vực nông thôn

Thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ), các địa phương trên cả nước sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa, môi trường sinh thái...


Nông thôn Hà Nội khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân khu vực ngoại thành Hà Nội không ngừng được cải thiện và nâng cao. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2022 thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 65 triệu đồng/người/năm…


Phúc Thọ xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Sáng 3/8, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 200 năm thành lập huyện (1822 - 2022); công bố và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận "Huyện Phúc Thọ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020"…


Hà Nội phấn đấu trong năm 2022 có 100% số huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Chiều 8/7, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" tổ chức Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo về kết quả thực hiện chương trình đến hết quý II, triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022...



Đề xuất