Màu xanh sinh sôi nơi "rốn lũ" Lào Cai

Màu xanh sinh sôi nơi "rốn lũ" Lào Cai
* Cơ hội tái cơ cấu nông nghiệp 

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và số 3, từ ngày 27/7 tới 10/8, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, kèm theo dông lốc, sét đánh, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người, tài sản và sản xuất nông nghiệp, tập trung phần lớn ở các huyện Bát Xát, Sa Pa và TP.Lào Cai...; trong đó, nông nghiệp có 10.150ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, mất trắng 393ha, 273ha phải cải tạo chuyển đổi sang cây trồng khác, 1.127ha ao hồ nuôi thủy sản bị ngập vỡ, mất trắng 230ha, ngoài ra thiệt hại về chăn nuôi bò, lợn, gà... cũng rất lớn. 

Vùng "rốn lũ" Lào Cai đã từng bị ngập trong bùn đất gây thiệt hại lớn về cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Internet
Vùng "rốn lũ" Lào Cai đã từng bị ngập trong bùn đất gây thiệt hại lớn về cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Internet

Huyện Bát Xát có 5 xã chịu nhiều thiệt hại về nông nghiệp là Quang Kim, Cốc San, Phìn Ngan, Mường Vi, Bản Qua; trong đó 2 xã Quang Kim và Cốc San thiệt hại rất nặng với 29,2 ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng (30%), có 133,2ha đất lúa (Quang Kim 84,2ha và Cốc San 49ha) phải chuyển đổi sang cây trồng khác. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: "Đây là một phép thử về phòng chống bão lũ trước biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, đặc biệt là nhìn lại đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Do vậy các địa phương, ngành nông nghiệp đã rà soát lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp để sớm có kế hoạch chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản, vùng cao chuyển sang trồng cây ăn quả hay trồng màu đảm bảo điều hòa nước kể cả khi mùa lũ".

Một tháng sau cơn bão, từ trung tuần tháng 9/2016, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Lào Cai bàn giao 10.000 con gà giống, 30.000 cá giống cho 2 xã Quang Kim và Cốc San nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Con giống sẽ được chia đều cho 50 hộ trong 2 xã.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai đã thống nhất kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất tại 2 xã Quang Kim và Cốc San: Cung cấp 100% giống và 50% phân bón đối với diện tích cây màu chuyển đổi sản xuất, cấp phát 1.000 kg hạt giống ngô LVN 885 do Viện Nghiên cứu ngô Việt Nam hỗ trợ cho 187 hộ, 800kg phân bón DAP do công ty cổ phần DAP số 2 Vinachem Lào Cai hỗ trợ cho 21 hộ nông dân có diện tích ruộng lúa nước bị vùi lấp, mất trắng để tổ chức khôi phục sản xuất ngay trong vụ Thu Đông năm 2016.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã tổ chức 18 lớp tập huấn kỹ thuật hướng dẫn nông dân các biện pháp xử lý môi trường và khắc phục thiệt hại sản xuất nông nghiệp sau bão lũ, kỹ thuật chuyển đổi sang trồng một số cây màu, kỹ thuật phòng chống rét cho gia súc, biện pháp nhân rộng mô hình nuôi gà, cá trên địa bàn cho 703 người nông dân của 18 thôn thuộc 2 xã Quang Kim, Cốc San. Thông qua lớp tập huấn, 100% nông dân đã nắm kiến thức và vận dụng thực hành sản xuất tại đồng ruộng.

* Niềm vui khi cái Tết cận kề 

Ngắm nhìn cánh đồng xanh mướt mắt, ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quang Kim phấn khởi cho biết: "Sau cơn lũ, nhờ chuyển đổi cơ cấu hợp lý và kịp thời, thu nhập của người dân tham gia mô hình tăng 4 lần so với trồng lúa. Sau cơn bão, người dân Quang Kim thường trực nỗi lo lắng tết này sẽ mất vui vì thiệt hại quá nặng nề, tuy nhiên bây giờ nhà nhà đều vui mừng khi thấy thành quả trước mắt sau nỗ lực không biết mệt mỏi của cả chính quyền và mỗi gia đình". "Sau khi cơn bão số 2 xảy ra, gia đình tôi đã bị vùi lấp 11 sào lúa. Cải tạo đất cần 3, 4 vụ mới trở lại như cũ. Gia đình được tham gia mô hình trồng Ngô lai 885 của Viện Nghiên cứu ngô. Cây ngô sinh trưởng và phát triển rất tốt đến nay chuẩn bị cho thu hoạch, dự kiến thu được 50 triệu đồng/ha ngô nếp và 20 triệu đồng/ha ngô tẻ, vậy là không còn lăn tăn nhiều về cái Tết Nguyên đán sắp tới nữa", ông Vùi A Lủi, thôn Làng Kim 2 xã Quang Kim, huyện Bát Xát cho biết.

Mô hình sản xuất khoai lang vụ Thu Đông 2016 trên đất pha cát do Trung tâm nghiên cứu cây có củ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Lào Cai thực hiện tại xã Quang Kim. Mô hình dự kiến đạt trên 300 tấn củ trên diện tích 24 ha ước đạt giá trị thu hoạch xấp xỉ 1,9 tỷ đồng sau 3 tháng sinh trưởng phát triển. Toàn bộ sản lượng khoai lang củ được hợp tác xã Vàng Xanh có trụ sở tại Sa Pa tham gia ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm cho các hộ nông dân tham gia mô hình. Đây chỉ là 2 trong 4 mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất trên diện tích ruộng lúa bị vùi lấp đối với cây ngô, khoai lang, gà thả vườn và nuôi trồng thủy sản trên diện tích ao hồ bị tràn lấp được triển khai tại Bát Xát từ tháng 9/2016. Với tổng giá trị thu hoạch đạt gần 3 tỷ đồng/200 hộ dân, 4 mô hình này là kết quả bước đầu tạo đà cho việc khôi phục phát triển sản xuất tại vùng lũ Lào Cai trong thời gian tới. 

Giờ đây, màu xanh bao trùm những cánh đồng su su, khoai lang, ngô thương phẩm ngút ngàn thay cho khung cảnh bùn đất tang thương trước đó
Giờ đây, màu xanh bao trùm những cánh đồng su su, khoai lang, ngô thương phẩm ngút ngàn thay cho khung cảnh bùn đất tang thương trước đó

Phát biểu tại hội nghị, bà Hạ Thúy Hạnh nhấn mạnh: “Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ là cầu nối giữa người nông dân, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, để làm sao nông dân nhận được sự hỗ trợ tốt nhất về mặt con giống, kỹ thuật để vực lại sản xuất. Bão lũ còn tiếp diễn và sẽ ngày một trở nên phức tạp, khó dự đoán hơn, vì vậy chúng ta phải tìm cách phòng chứ không chỉ chống đỡ nữa. Giải pháp là chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tập trung chăn nuôi, thay trồng lúa bằng trồng các loại cây như ngô, khoai”.

Ông Đoàn Anh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi vì nhận được sự quan tâm của các ban ngành Trung ương, đặc biệt là Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã cung cấp con giống, mở lớp khuyến nông giúp người dân khắc phục khó khăn sau bão lũ. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi thay đổi phương pháp sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, tập trung sản xuất và phát triển chăn nuôi tập thể, sử dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp”. Ngoài việc kịp thời hỗ trợ nông dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống khi tết đã cận kề, kết quả các mô hình đã góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới tạo hướng đi đúng trong đối phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Lào Cai./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm