Màu xanh Nam Yết

Màu xanh Nam Yết
Cây xanh trên đường tuần tra ven biển
Cây xanh trên đường tuần tra ven biển
Khi còn cách Nam Yết khoảng gần 10 hải lý, đoàn phóng viên chúng tôi ai cũng háo hức lên boong tàu ngắm Nam Yết từ xa. Đảo nổi lên như dải lụa mang màu xanh cây lá giữa màu xanh thăm thẳm của trời mây, biển nước. 
Không như những gì mà người ta nhắc đến trước đây, rằng biển đảo chỉ có nắng đến rát mặt và gió mặn đến khô người. Nam Yết như miệt vườn ở miền Tây Nam bộ nổi lên giữa biển cả bao la. Cách đất liền hàng trăm hải lý, đặt chân lên Nam Yết, một cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng như được trở về nhà. Màu xanh nối tiếp màu xanh: Xanh của nước biển, xanh của hàng phong ba tiên phong chắn sóng, xanh của bão táp, bàng vuông, phi lao như hàng rào phòng thủ vững chắc của đảo và trong cùng là những dừa, đu đủ, chuối, rau xanh, hoa, cây cảnh...; tiếng chim hót xôn xao.
Nam Yết sẽ gây bất ngờ cho bất cứ ai lần đầu tới đây bởi hàng trăm cây dừa xanh mát tựa những bóng dáng dịu dàng trên đảo. Giữa nơi đầy nắng gió ấy, vẫn có ly nước dừa làm vợi đi cơn khát nơi đảo xa, có chiếc gáo dừa bên lu nước gợi đâu đây hình bóng chốn quê nhà. Dừa ở đây không tươi tốt cao vút như ở đất liền, chỉ cao chừng 2 - 3m, song rất sai quả. Nơi hòn đảo cách đất liền 320 hải lý ấy có gần 300 cây dừa lớn nhỏ khác nhau. Thiếu tá Ngô Gia Thế - Phó Chỉ huy trưởng, Cụm chiến đấu 1, đảo Nam Yết, nói: “Bao nhiêu cây dừa trên đảo là bấy nhiêu công sức, tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ hải quân ra đây làm nhiệm vụ. Chẳng nhớ rõ ai là người mang dừa ra Nam Yết đầu tiên, nhưng chắc rằng để chăm cho quả khô nảy mầm, trồng và chăm sóc cho cây lớn lên giữa nắng, gió của biển quả thật là điều không dễ. Thế hệ sau lại tiếp nối và phát huy công sức, thành quả của những thế hệ trước, tiếp tục trồng và nhân rộng dừa cũng như nhiều loài cây khác trên đảo, để Nam Yết mãi xanh”. Có tận mắt chứng kiến cái nắng, cái gió của Trường Sa, tận mắt nhìn các chiến sỹ chắt chiu từng ca nước tưới vào những khay, thùng composite trồng rau nơi sóng gió mới cảm nhận hết sự thiêng liêng của màu xanh, cây trái và cũng cảm nhận hết sự ngọt ngào của nước dừa Nam Yết. Tôi đã ghé và uống nước dừa ở nhiều miền trong cả nước, nhưng có lẽ không đâu đặc biệt bằng nước dừa trên đảo Nam Yết, Trường Sa. Nước trong vắt, thơm lừng, uống tới đâu người như bừng tỉnh tới đấy. Phải chăng vì dừa mọc lên giữa biển cả bao la, rễ dừa đã thấm đẫm sự mặn mòi của biển, thân dừa cũng nhỏ đi như để thêm sự dẻo dai, lá dừa cũng bạc đi bởi nắng và gió để cho đời, cho cán bộ, chiến sỹ và cho những người khách đến với Nam Yết như tôi, thứ nước ngọt lành ấy. Nhưng ở đây thỉnh thoảng vào các dịp sinh nhật đồng đội, hay lễ, tết dừa mới được hái xuống, bởi một lượng lớn dừa ở Nam Yết còn được dành để ươm và nhân giống đi các đảo khác.
Thượng úy Vũ Bá Thiện - Phân đội trưởng phân đội 1, Cụm chiến đấu 1, đảo Nam Yết là người “mát tay” trong việc ươm dừa, cho biết: “Những trái dừa già sẽ được anh em để vào chỗ râm mát. Cán bộ, chiến sỹ đều tận dụng nguồn nước ngọt mỗi khi tắm xong để tưới cây. Bất cứ khi nào có tàu ghé, cây dừa nào đã đủ độ để trồng đều chuyển xuống tàu để mang đi các đảo. Còn những lúc không có tàu, dừa lại được anh em tiếp tục trồng thêm trên đảo. Nhờ thế mà Nam Yết vẫn giữ được thương hiệu “đảo dừa”. 
Cán bộ, chiến sỹ ươm dừa trên đảo
Cán bộ, chiến sỹ ươm dừa trên đảo
Và không chỉ có dừa, Nam Yết còn xanh bởi những loài cây đặc trưng ở biển. Trung úy chuyên nghiệp, Thái Viết Nhị - Trưởng xe tăng ở đảo Nam Yết là người chuyên “chiết cây” trên đảo. Anh nói: “Các chiến sĩ lên đây làm nhiệm vụ, lúc ra về thường trồng một cây xanh trên đảo để làm kỷ niệm. Ngoài ra, đây cũng là nhiệm vụ thi đua thường niên được đảo giao xuống cho các cụm, phân đội và từng CBCS. Bởi thế, cứ đến mùa mưa, chúng tôi lại chiết cây. Lấy xơ dừa trộn với đất, sau đó dùng bao tải đựng gạo cắt nhỏ và bọc ở ngoài cành chiết sẽ nhanh ra rễ mới. Cứ một người lên nhận nhiệm vụ trên đảo sẽ trồng một cây và chăm sóc nó cùng với cây của những người đi trước”. Từng là chỉ huy đảo Nam Yết, Đại tá Bùi Hải Phước vẫn nhớ như in đợt dừa trên đảo bị dịch năm 2008, cả đảo, cả Vùng 4 hải quân và xứ dừa Bến Tre cùng góp sức để “đảo dừa” vẫn vươn lên xanh tốt. Cây phi lao ông trồng ở cột mốc trên đảo giờ đã vươn xanh. Với ông, cây xanh trên đảo không chỉ mang tính kế thừa mà còn có sự phát huy khi cây cũ vẫn xanh tươi bên cạnh rất nhiều những cây mới. Mỗi cây xanh lớn lên trên đảo là dấu ấn của nhiều con người và nhiều câu chuyện, nhiều tình cảm khác nhau. Nhưng tất cả đều chung lòng vì màu xanh của đảo.
Đặc biệt, ở Nam Yết còn có rất nhiều những cây mù u cổ thụ. Thân mù u to lớn, vỏ xù xì. Đó như là vết tích của sự chống chọi dẻo dai của loài cây đậm chất Nam Bộ này với sự khắc nghiệt của biển cả. Nghe nói nhiều đoàn công tác phía Nam khi đặt chân tới đảo đã ngồi và cất lên câu hò Nam Bộ ngay dưới gốc những cây mù u. Những bông hoa mù u trắng tinh khôi rụng đầy trên lối đi huấn luyện của chiến sỹ, trên bể dự trữ nước ngọt và tỏa hương thơm nhẹ nhàng trong đêm, đẹp và lãng mạn vô cùng. Cảnh sắc ấy gợi cho tôi nghĩ về con đường đầy hoa Ban nơi xứ hoa Đà Lạt những ngày đông. 
Ngày cũng như đêm, dưới những bóng dừa ấy, trong hương thơm của hoa mù u nơi đảo Nam Yết - những người chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng luôn không ngừng học tập, luyện tập, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm