Mảng - phương tiện gắn bó với người dân thượng nguồn sông Gâm

Mảng - phương tiện gắn bó với người dân thượng nguồn sông Gâm
Người dân lưu vực sông Gâm ở Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng) dùng mảng để làm phương tiện bắt cá.
Người dân lưu vực sông Gâm ở Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng)
dùng mảng để làm phương tiện bắt cá.
Tôi đến gặp ông Nông Văn Phúc, 91 tuổi, ở tổ dân phố 2, thị trấn Bảo Lạc (Bảo Lạc), nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc - người hiểu biết rộng về văn hóa, lịch sử ở vùng này để tìm hiểu, vì sao ở khu vực này chiếc mảng lại được người dân sử dụng nhiều đến vậy. Trên đường tôi đi từ huyện Bảo Lâm theo quốc lộ 34, hình ảnh bắt gặp nhiều nhất dọc sông Gâm là mảng được người dân sử dụng làm phương tiện chở củi, chở người sang sông. Phía xa xa là những chiếc mảng được người dân dùng để đánh chài hay giăng lưới, tuyệt nhiên không thấy họ dùng đến thuyền độc mộc hay các loại thuyền khác. Đem băn khăn này trao đổi với ông Phúc, tôi được ông Phúc lý giải: Mảng không biết có từ lúc nào nhưng nó đã gắn bó với người dân, nó là một phần trong cuộc sống không thể tách rời của người dân hai bên bờ sông Gâm của Bảo Lạc, Bảo Lâm.

Cách đây khoảng 20 năm, nhà nào cũng có một chiếc mảng để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Người dân lợi dụng sức nước để đưa những chuyến hàng về xuôi bằng mảng, đi theo đường sông an toàn hơn; là phương tiện vừa chở được nhiều hàng vừa tốn ít sức lực, điều khiển một chiếc mảng to để chở hàng chỉ cần có hai đến ba người. Dùng mảng chở có xuống thác, ghềnh bị lật mảng cũng không bao giờ bị chìm vì trong các ống tre đó vốn đã có một khoảng trống. Nếu gặp thác ghềnh quá cao thì có thể tháo rời ra, đem xuống chân thác đóng lại được, nếu là thuyền độc mộc, hay loại khác thì sau khi bị lật sẽ chìm, hay vỡ tan. Đầu nguồn sông Gâm có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh nên sử dụng mảng làm phương tiện chuyên chở là ưu thế hơn cả. Ngoài dùng để chuyên chở hàng hóa, mảng còn là phương tiện đi lại của người dân, mà là phương tiện duy nhất chở người sang sông ở khu vực này. Hiện nay, việc vận chuyển đã có các phương tiện vận tải nhưng khó có phương tiện có thể thay thế mảng trong việc vận chuyển sang sông.

Đặc biệt, mảng còn là phương tiện kiếm sống đối với những người làm nghề chài, lưới. Ông Sùng A Dẻ ở xóm Nặm Miòng, xã Quảng Lâm (Bảo Lâm) cho biết: Nhà tôi ở bên kia sông cách thị trấn 3 km, trong xóm có cây cầu treo bắc qua sông, từ đầu cầu treo đến nhà tôi không có đường xe máy, chỉ có con đường mòn nên những hộ ở đầu xóm trên này đều sử dụng mảng để đi lại, nước lũ to không sang được thì tôi mới đi xuống dưới kia đi qua cầu. Nếu đi qua cầu để đến chợ chúng tôi phải đi quãng đường gấp đôi. Đi bán ngô, khoai, lợn, gà..., hay khi mua những thứ thiết yếu, như: phibrô xi măng để lợp nhà, chuồng bò, chuồng lợn, xi măng để láng nền nhà..., xe ô tô chỉ việc dừng trên đường gần bến đò ngang là chúng tôi chuyển qua sông bằng mảng không mất nhiều thời gian và công sức. 
Ông Nông Văn Yên, khu 3, thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm) có kinh nghiệm trong việc lựa chọn cây và đóng mảng, nói: Nhìn mảng đơn giản thế thôi nhưng để đóng được như ý thì yêu cầu cũng kỳ công không kém tạc một cái tượng.
Ông Nông Văn Yên, khu 3, thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm) đang bóc tách lớp vỏ già của cây tre để chuẩn bị đóng mảng mới.
Ông Nông Văn Yên, khu 3, thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm) đang bóc tách lớp vỏ già của cây tre để chuẩn bị đóng mảng mới.

Để có một chiếc mảng vừa đẹp vừa nhẹ nhàng, di chuyển cơ động, linh hoạt, phải kỳ công từ khâu lựa chọn đầu tiên là chọn cây trong bụi tre, cây nào to, thân đến ngọn thẳng đều. Để đóng được một chiếc mảng ít nhất cũng 5 cây, bình thường là 6 cây. Quy cách chọn là đoạn cách gốc khoảng 2 m phải cong như uốn, đoạn cong này chỉ dài từ 67 - 70 cm, đoạn gốc phải chặt bỏ vì các dóng cây thường nhỏ và đặc, đường kính phải đạt ít nhất 14 cm trở lên. Chiều dài của mảng quyết định sự chắc chắn và linh hoạt, nếu ngắn quá sẽ không chắc chắn mảng dễ bị chòng chành, dài quá thì di chuyển kém linh hoạt, thường thì dài khoảng 6 m.

Sau khi cắt chiều dài xong mới đến bóc vỏ, khâu này cần phải đặt cây làm sao cho phần gốc hếch lên trời, bóc mỏng phần trên, phần dưới thì bóc ít, bóc làm sao ống tre vỏ không quá dày và cũng không quá mỏng. Bóc xong tùy theo ý của người làm đục lỗ vuông hay tròn ở đầu hếch nhưng đường kính chỉ to nhất là 5 cm, sau đó tìm chỗ râm, thoáng để phơi cho cây khô, thời gian khoảng 15 - 20 ngày, không được phơi ngoài nắng. Phần đóng mảng là phần cuối để hình thành chiếc mảng nhưng cũng yêu cầu từng nấc bước kỳ công không kém các công đoạn trước. Lấy một  cây vuông hay tròn tùy theo lỗ đục ở đầu cây tre, đường kính của cây khoảng 5 cm và dài khoảng 80 cm để xuyên cố định liên kết các cây lại với nhau, để khi đóng mảng làm sao có các cây đều hếch phần đầu lên cao và đều, dùng các thanh ngang (thang mảng) buộc làm sao để các cây ép lên cây ngang bằng nhau, rồi ép các thân cây sát vào nhau, các thân cây càng ép sát kín vào nhau càng tốt.
Các công đoạn cho phần đóng mảng đều phải thực hiện ở trên mặt nước. Mảng đánh cá cần 5 - 6 cây, còn mảng để chở người qua sông hay vận chuyển thì phải 10 cây trở lên mới có thể chở được nhiều. Lựa chọn làm mảng vận chuyển thì yêu cầu không kỳ công bằng mảng đánh cá vì mảng đánh cá cần nhẹ, khi lướt trên mặt nước, ngược thác sẽ nhẹ nhàng, linh hoạt hơn.

Có thể nói, dù thời xưa hay thời nay thì mảng vẫn là một phương tiện không thể thiếu đối với người dân vùng thượng nguồn sông Gâm.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm