Mắm tôm Lê Gia - Từ sản phẩm truyền thống đến OCOP 5 sao quốc gia​

Mắm tôm Lê Gia - Từ sản phẩm truyền thống đến OCOP 5 sao quốc gia​

Theo kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp quốc gia năm 2020, tỉnh Thanh Hóa có sản phẩm "Mắm tôm Lê Gia" của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (Công ty Lê Gia) xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao.

Mắm tôm Lê Gia - Từ sản phẩm truyền thống đến OCOP 5 sao quốc gia​ ảnh 1Sản phẩm mắm tôm Lê Gia được đóng trong hũ thủy tinh, chai nhựa PET, hũ thủy tinh, can 2,3,5kg phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Từ những con moi biển tươi xanh (nhiều nơi vẫn gọi là con ruốc, tép biển) trộn với muối hạt tinh khiết, ủ lên men tự nhiên trong thùng gỗ theo phương pháp nén gài truyền thống Công ty Lê Gia đã mang những tinh túy nhất từ biển quê hương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Theo anh Lê Anh, Giám đốc Công ty Lê Gia, điều quyết định của một mẻ mắm tôm chất lượng chính là ở khâu chọn nguyên liệu. Moi thường được đánh bắt vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Đây là thời điểm chính vụ moi, nên sẽ là những mẻ moi tươi nhất, dày thịt, vỏ mỏng, sau khi được ngư dân vớt lên từ biển sẽ được nhặt sạch tạp chất, để ráo nước rồi tiến hành ủ muối ngay khi lên bờ để đảm bảo cho ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

Muối mà Lê Gia dùng ủ mắm lấy từ vùng muối Bà Rịa và Ninh Thuận, nơi làm ra những hạt muối trắng tinh, có độ mặn thuần khiết và lưu kho trong 2 năm cho chảy hết thành phần gây ra mùi vị bất lợi (đắng, chát...). Moi sẽ được trộn với muối theo tỉ lệ vàng 4/1, đem xay nhuyễn và phơi nắng cho bốc hết hơi nước trong 5-7 ngày.

Tiếp theo Công ty Lê Gia sẽ ủ hỗn hợp này trong thùng, náo đảo, phơi nắng với thời gian tối thiểu 12 tháng. Việc ủ mắm tôm trong thùng gỗ Bời Lời cũng là điểm độc đáo của mắm Lê Gia, bởi gỗ Bời Lời có đặc tính chịu mặn rất cao, là môi trường tuyệt vời cho enzyme phát triển tự nhiên. Những chiếc thùng gỗ ủ mắm này được đặt trong nhà tôn kín, không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn giúp cho quá trình lên men sản phẩm được diễn ra tự nhiên và ổn định dưới nhiệt độ không chênh lệch giữa ngày và đêm.

Sau 12 tháng, được chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận, những mẻ mắm tôm thơm dịu, vị thanh, màu sim chín hoàn toàn tự nhiên cộng với những điều kiện tự nhiên đặc trưng riêng của vùng biển Hoằng Phụ, Thanh Hóa tạo thành sản phẩm mắm tôm Lê Gia.

Mắm tôm Lê Gia - Từ sản phẩm truyền thống đến OCOP 5 sao quốc gia​ ảnh 2Sau 12 tháng được chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận, những mẻ mắm tôm thơm dịu, vị thanh, màu sim chín cộng với những điều kiện tự nhiên đặc trưng riêng của vùng biển Hoằng Phụ, Thanh Hóa tạo thành sản phẩm mắm tôm Lê Gia. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Toàn bộ quy trình được kiểm soát theo hệ thống khép kín, đạt chuẩn HACCP (TCVN 5603:2008) và kiểm định lô sản phẩm định kỳ trước khi tiến hành đóng chai. Sản phẩm mắm tôm Lê Gia được đóng trong hũ thủy tinh, chai nhựa PET, hũ thủy tinh, can 5kg, 23kg phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng.

Sản phẩm mắm tôm Lê Gia cũng là sản phẩm đầu tiên trong chuỗi các sản phẩm mắm và nước mắm của Lê Gia được "đứng chân" trong các chuỗi bán lẻ hiện đại như: BigC, hệ thống VinMart, VinMart+.... Sản phẩm mắm tôm Lê Gia được nhiều hệ thống các nhà hàng Bún đậu, Chả cá ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước sử dụng như: Chả cá Anh Vũ, Ngư Ông, Gia Nguyễn; Bún đậu Phất Lộc, An Khánh, Mẹt…

Sau nhiều năm nỗ lực tìm tòi, hoàn thiện và đáp ứng điều kiện khắt khe, hiện mắm tôm Lê Gia cùng các sản phẩm từ mắm của Lê Gia (mắm tép, nước mắm) đã được xuất khẩu chính ngạch và ổn định đi nhiều thị trường "khó tính" như: Nhật Bản, Nga, Nam Phi, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Đầu năm 2020, các sản phẩm mắm và nước mắm của Lê Gia đã có mặt tại thị trường Nhật Bản. Hiện, Lê Anh đang xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm truyền thống của địa phương mình đến với thị trường Hoa Kỳ và các nước EU.

Hiện, chàng trai trẻ Lê Anh đã có một cơ ngơi bề thế với hệ thống nhà xưởng sản xuất, nhà kho khép kín, có năng lực sản xuất và phân phối năm 2020 đạt 260 tấn mắm tôm, mắm tép và 650.000 lít nước nắm. Công ty Lê Gia đang tạo công ăn việc làm chính thức cho gần 20 lao động địa phương với thu nhập trung bình từ 8-15 triệu đồng/tháng và hơn 10 lao động thời vụ. Bên cạnh đó, mỗi năm xưởng sản xuất của Công ty tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa còn tiêu thụ cho bà con ngư dân khoảng 200 tấn cá biển, moi biển và hơn 100 tấn muối…

Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá khẳng định: Trải qua nhiều vòng đánh giá nghiêm ngặt, khách quan, công tâm từ phân loại, thẩm định hồ sơ, khảo sảt thực tế, chấm điểm… sản phẩm Mắm tôm Lê Gia đã được vinh dự đứng trong danh sách 20 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Có thể khẳng định, đây là sản phẩm truyền thống được chủ thể sản xuất vận dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến để sản xuất, đảm bảo tính đặc sắc bản địa, chủ thể gắn bó với cộng đồng địa phương, có đầu tư mạnh mẽ vào nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm này còn có nhiều tiềm năng để xuất khẩu ra các thị trường khó tính khác.

Từ thành công của sản phẩm “Mắm tôm Lê Gia”, Thanh Hóa đang đặt ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 sẽ có thêm từ 2 đến 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao quốc gia.

Để đạt được mục tiêu này, Thanh Hóa đã phối hợp với các địa phương rà soát, xác định, lựa chọn được 110 sản phẩm tiềm năng, thế mạnh thuộc các nhóm ngành khác nhau.

Thời gian tới, Văn phòng điều phối chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa sẽ phối hợp với các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể sản xuất đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất bảo đảm các tiêu chuẩn, chất lượng được quy định của chương trình OCOP.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước và quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các chủ thể sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, phát triển giao thương.

Chia sẻ những dự định trong tương lai, Lê Anh cho biết: Với quyết tâm giữ gìn và phát triển nghề truyền thống cha ông, phát triển cùng quê hương và nhất là cộng hưởng cùng du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa - tỉnh Thanh Hóa), công ty đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công xây dựng nhà máy mới quy mô sản xuất gấp 3 công suất hiện tại kết hợp với mô hình trải nghiệm du lịch làng nghề sản xuất các sản phẩm mắm, nước mắm truyền thống. Từ đó, góp phần nâng tầm giá trị bản sắc của quê hương.

Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và hướng đến thị trường xuất khẩu, hiện, Công ty Lê Gia đang cập nhật nhận diện trên thiết kế của sản phẩm Mắm tôm Lê Gia; đồng thời, trình bày bằng hình thức song ngữ để phục vụ nhu cầu của khách hàng quốc tế.

Hoa Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm