Mai này ai hát sử thi?

Mai này ai hát sử thi?
Hát sử thi của người M'Nông tại Liên hoan dân ca Việt Nam lần thứ IV, khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Ngọc Tâm
Hát sử thi của người M'Nông tại Liên hoan dân ca Việt Nam lần thứ IV,
khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Ngọc Tâm
KHO SỬ THI ĐỒ SỘ BẬC NHẤT TÂY NGUYÊN

Ót N’drong là một thể loại tự sự dân gian truyền miệng, được lưu giữ trong trí nhớ của người dân và thường được diễn xướng trong các dịp sinh hoạt cộng đồng. Năm 1988, lần đầu tiên Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam phối hợp ngành văn hóa Đắk Lắk tổ chức điều tra, sưu tầm văn hóa dân gian các dân tộc trong tỉnh, trong đó sử thi là một mục tiêu quan trọng. Nhóm điều tra, sưu tầm đã phát hiện hệ thống đồ sộ sử thi của người M’Nông, mà từ đó đến nay, vẫn chưa xác định được thật chính xác số lượng tác phẩm của hệ thống sử thi này.

Dự án Điều tra sưu tầm, bảo quản, biên dịch, sản xuất và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên đã được Chính phủ giao cho Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên thực hiện việc tổng điều tra toàn bộ trữ lượng sử thi các tộc người bản địa sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên và kề cận.

Qua sưu tầm các sử thi đang được các nghệ nhân lưu giữ trong trí nhớ và truyền miệng, thì biên dịch và xuất bản thành 75 tác phẩm sách sử thi của các tộc người dưới hình thức song ngữ tiếng dân tộc và tiếng phổ thông. Việc bảo quản kho tàng sử thi Tây Nguyên dưới dạng băng tiếng, băng hình, văn bản... cũng được thực hiện.

Ót N'drong được tạo nên từ hàng nghìn câu văn có vần điệu, một thể loại văn học truyền miệng với những câu chuyện mang đậm nét thần thoại về các hiện tượng tự nhiên, nhân vật lịch sử tiêu biểu của dân tộc... Sử thi là sự hòa trộn của ngôn ngữ với giai điệu của thơ ca, chứa đựng nhiều hình ảnh mang tính biểu cảm sâu sắc. Hát kể sử thi đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người M’Nông. Trong đó, nghệ nhân có thể nhớ tới hàng vạn câu sử thi, họ có giọng hát hay và tài diễn tấu độc đáo để lưu truyền hát kể sử thi cho con cháu nghe.

Kho sử thi đã được in thành sách lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Nông.
Kho sử thi đã được in thành sách lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Nông.
Sử thi M’Nông còn được xem là cuốn bách khoa tri thức của người M’Nông. Trong đó chứa đựng từng hơi thở về cuộc sống phong tục, tập quán, luật tục, văn hóa truyền thống... Từng trường đoạn gắn với từng không gian, môi trường, từ công việc nhổ cỏ, giết con thú trên rừng như thế nào, đến việc gieo trồng, chăm bón cây cối ra làm sao, kinh nghiệm sống, tâm tư tình cảm giữa anh với em, giữa bon trên, bon dưới đều có trong từng câu hát của sử thi. Những bài học về kinh nghiệm sống của các thế hệ trong cộng đồng người M’nông được đúc kết và chuyển tải thành những câu văn vần dễ nhớ, dễ thuộc. Chính vì thế, sử thi được người xưa hát trong  mọi sinh hoạt văn hóa, hoạt động hằng ngày.

Người hát kể sử thi và người nghe có thể ngồi thâu đêm suốt sáng bên cạnh bếp lửa lung linh, ấm áp. Thông qua đó, người nghe nhận biết được quan niệm về sự ra đời của đất, trời, của con người, tín ngưỡng, mối quan hệ trong cộng đồng, phong tục, tập quán, sự hình thành và phát triển đời sống xã hội.

LẶNG LẼ SỐNG CÙNG SỬ THI

Chính đặc thù tự sự dân gian truyền miệng, được lưu giữ trong trí nhớ của người dân mà việc lưu giữ di sản Ót N’drong đang đặt ra nhiều thử thách. Sử thi được truyền qua hình thức truyền miệng và được lưu giữ trong trí nhớ của con người, mà trí nhớ thì sẽ giảm dần theo tuổi tác. Không hát thì theo thời gian nhớ nhiều thành nhớ ít, rồi sử thi sẽ tồn tại trên giấy và trở thành tư liệu tham khảo, lưu trữ, chứ không phát triển được nữa.

Tuy nhiên, giữa bộn bề cuộc sống, có những nghệ nhân vẫn lặng lẽ lưu giữ sử thi. Già Y Kai (SN 1941) ở bon Yun Yúh, xã Đức Minh (Đắk Mil) là một trong những người như thế. Khi hỏi về sử thi, già kể về những quãng thời gian học và hát sử thi với ánh mắt ánh lên niềm tự hào. Bắt đầu học sử thi từ hồi 15 tuổi và đến năm 40 tuổi, già đã thuộc khoảng 40 bài sử thi truyền thống dân tộc. Ngày xưa chỉ học sử thi bằng cách truyền miệng, già cũng không được học hành nhiều nên chỉ biết đọc nhưng không biết viết.

Nghệ nhân Y Kai, tuổi đã cao vẫn say sưa hát sử thi.
Nghệ nhân Y Kai, tuổi đã cao vẫn say sưa hát sử thi.
Già Y Kai tâm sự: “Để có thể hát được sử thi thì cái may mắn của già là được sống trong môi trường sử thi. Ngày xưa, cuộc sống chủ yếu trên rẫy, nên già được nghe, được học, được giải thích về những câu, những lời hát từ người già trong bon làng. Cái khó của ngày xưa là chỉ có nghe và nhớ nên đòi hỏi người học phải thực sự tâm huyết, nghe và nhớ ngay thì mới có thể hát được sử thi”.

Già Y Kai thể hiện cho tôi nghe những câu hát sử thi mà trong lúc hát già như trải lòng mình với cuộc đời, ở những câu dài thì xem ra “đuối sức”. Già giải thích “Có tuổi rồi, không còn được như ngày xưa nữa, hơi cũng yếu rồi, cũng quên đi một số câu hát rồi. Đi cùng với sức khỏe là những câu hát sử thi đang dần bị lãng quên là điều đương nhiên thôi mà”.

Già Y K’rang (SN 1907), ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) được xem là “báu vật sống” của người M’nông về nhạc cụ, dân ca, sử thi. Bây giờ, ở cái tuổi “nhớ nhớ quên quên”, nhưng sự trăn trở về sử thi, về văn hóa truyền thống dân tộc mình như đi vào tiềm thức của già. Già vẫn thường nói với con, với cháu: “Mấy cháu không chịu học, không chịu tiếp thu mai này ông  mất không còn ai tiếp nối và lưu giữ văn hóa truyền thống nữa”.

Giữa cái nắng của những ngày đầu mùa khô, trong căn nhà mái tôn, thưng ván xung quanh, già Y K’rang nói say sưa về sử thi, về văn hóa truyền thống dân tộc M’Nông…Cái nhà phải có cái bếp lửa mới được nên già không ở trong ngôi nhà xây mà luôn xuống ngôi nhà mái tôn có vẻ tạm bợ này để sống. Sử thi cũng như bếp lửa ở giữa nhà ngày ngày vẫn sưởi ấm và sẵn sàng bùng cháy khi có dịp. Trong cái không gian của bếp lửa, cách bố trí dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày luôn gợi nhớ, tạo chất xúc tác để già nhớ và hát kể sử thi.

Anh Y Nhép, con trai già Y K’rang tâm sự: “Bố lưu giữ được nhiều, nhưng con cháu và đồng bào trong bon làng không học theo được cái gì. Đó mới là điều đáng tiếc và đáng buồn. Gia đình có 4 người con nhưng không ai bắt chước được bố. Do mình học kém, dạy được một ít, ông thấy chán nên thôi không dạy nữa. Học sử thi khó lắm chứ đâu phải như học chữ đâu, có những cái chữ trong sử thi sâu sắc quá mình không hiểu. Tôi muốn học nhưng không theo được. Thấy bố biết nhiều về văn hóa truyền thống mà mình không học hỏi được gì, tiếc lắm. Ngày trước, các sinh hoạt văn hóa truyền thống, ngày nào cũng hát, cũng nghe thì sẽ dễ tiếp thu, chứ như bây giờ không thấy ai hát nữa, lễ hội cũng ít dần và cũng không hát nên không ai nhớ”.

Mong muốn truyền lại cho thế hệ sau, nên mỗi khi gia đình có dịp sum vầy, quây quần bên nhau, già Y K’rai ở bon Yun Yúh xã Đức Minh (Đắk Mil) đều hát sử thi cho con cháu nghe như một cách để tìm kiếm, khơi gợi tình yêu sử thi. Nhưng khi hỏi về việc truyền dạy sử thi, già Y K’rai lắc đầu kèm với câu nói buồn bã: “Gia đình già có 3 người con, gần 20 người cháu nhưng hiện nay, không ai có “khiếu”, không có đứa nào chịu theo học sử thi cả. Chúng nó kêu khó nhớ, khó thuộc nên không chịu học”.

Một nghệ nhân không còn hát sử thi nữa thì như “một kho tàng bị chặn lối vào”. Biết đó là kho báu quý giá nhưng không ai khám phá được.
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm