Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

* Làm tốt an sinh xã hội là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế

 

Đọc tham luận với chủ đề "Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội", đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong quá trình lãnh đạo đất nước, là chính sách cơ bản để giảm nghèo, bảo đảm đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh.

Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: TTXVN
Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình bày tham luận tại Đại hội.
Ảnh: TTXVN

Trong những năm qua, dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước vẫn giành sự quan tâm đặc biệt đối với các chính sách xã hội. Giai đoạn 2012-2015 đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội của nước ta. Hệ thống chính sách, pháp luật tiếp tục mở rộng hơn quyền hưởng và mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội và an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt trong lĩnh vực việc làm, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thể chế hóa quan điểm của Đảng và thực hiện Hiến pháp năm 2013, việc bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân được thực hiện đồng bộ, thông qua tăng cường phát triển việc làm, mở rộng sự tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cải cách chính sách trợ giúp xã hội và giảm nghèo bền vững. Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được thực hiện tốt, đời sống người có công được nâng lên. Năm 2015, cả nước có 52,9 triệu người có việc làm. Chuyển dịch cơ cấu việc làm theo ngành kinh tế có chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp giảm, năm 2015 còn 44,3% (giảm 4,4% so với năm 2010). Có gần 2,7 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng (xấp xỉ 3% dân số); có 408 cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập, đã tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 41.450 đối tượng bảo trợ xã hội; tỷ lệ nghèo theo chuẩn Quốc gia còn dưới 4,5%...

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Phát triển tốt kinh tế sẽ có điều kiện tốt hơn để bảo đảm an sinh xã hội và làm tốt an sinh xã hội là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế. Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế trong giai đoạn tới, cần tiếp tục cải cách thể chể kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm có nhiều việc làm hơn cho người lao động; tập trung thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, cần quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, đặc biệt là các nhóm yếu thế trong việc chủ động vươn lên xóa đói giảm nghèo; tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để hoàn thiện, sửa đổi và bổ sung theo hướng tinh gọn, tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý; hoàn thiện chương trình đào tạo nghề cho nông dân nông thôn; tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội...

 

* Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ

 
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trình bày tham luận “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ảnh: TTXVN
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trình bày tham luận “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ảnh: TTXVN

Tham luận về chủ đề: "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa", đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu rõ: Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, chính sách đối với lao động nữ…”.

 

Trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN vừa được hình thành, Việt Nam đã tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Liên hợp quốc đã thông qua mục tiêu phát triển bền vững, từ thực tiễn đất nước, tiềm năng của phụ nữ và những vấn đề đặt ra nêu trên, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực nữ Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung vào một số nội dung cụ thể. Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và từng gia đình, của bản thân phụ nữ về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tình hình mới. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực; về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực nữ và xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực nữ nói riêng... Phát huy kết quả đạt được của nhiệm kỳ này, công tác cán bộ nữ cần được Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần Di chúc của Bác: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”.

 

Thứ hai, trên cơ sở nhận thức đúng, đủ và toàn diện về nguồn nhân lực nữ cần xây dựng, tổ chức thực hiện hệ thống luật pháp, chính sách hợp lý, cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp năm 2013... Chính sách hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận thông tin, khuyến khích đào tạo nghề cho lao động nữ với hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khởi nghiệp... Quan tâm xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với các nhóm phụ nữ như phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật có hoàn cảnh khó khăn… Nâng cao thể lực, sức khỏe người Việt, trong đó có nhân lực nữ là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn tới, vì vậy cần quan tâm tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 641/ngày 28/4/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.

 

Thứ ba, quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Gia đình, phụ nữ và trẻ em có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau và có ảnh hưởng sâu sắc đến sự ổn định, phát triển của xã hội, đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ. Gia đình là nơi trực tiếp đảm bảo dinh dưỡng, phát triển toàn diện cho trẻ em, phát triển kinh tế, phòng chống bạo lực gia đình, chăm lo bà mẹ mang thai, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên...

 

Tại Kết luận số 26 – TB/TW của Ban Bí thư ngày 9/5/2011 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, Ban Bí thư giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam “chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu việc thành lập, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác phụ nữ, gia đình và trẻ em phù hợp với tình hình đất nước”. Thực hiện nhiệm vụ trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai đề tài nghiên cứu và đã trình Ban Bí thư Đề án với phương án đề xuất thành lập Bộ Gia đình, Phụ nữ và Trẻ em. Trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bên cạnh Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, có một Bộ quản lý nhà nước là cần thiết để giúp Chính phủ quản lý các vấn đề về phụ nữ, gia đình và trẻ em...

 

* Tiên phong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa

 
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày tham luận. Ảnh: TTXVN
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày tham luận. Ảnh: TTXVN

Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đọc tham luận với chủ đề "Công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế". Tham luận khẳng định trong tiến trình lịch sử, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn gắn bó máu thịt với vận mệnh của dân tộc và luôn hoàn thành sứ mệnh của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân được tập hợp, tôi luyện, nhân lên sức mạnh trong tổ chức Công đoàn và liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động luôn tin tưởng, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, vận động cán bộ, đoàn viên đi tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.

 

Để tổ chức công đoàn thực sự trở thành cơ sở xã hội vững chắc của Đảng, người cộng tác đắc lực của Nhà nước, tạo sức mạnh tổng hợp của dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Hơn lúc nào hết phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đảng Cộng sản không mang bản chất giai cấp công nhân, không đứng trên lập trường của giai cấp công nhân thì không còn là một Đảng tiên phong cách mạng". Đảng cần tập trung lãnh đạo việc tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 22/CT - TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn.

 

Tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, công nhân viên chức lao động cả nước và tổ chức Công đoàn Việt Nam nguyện quyết tâm phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và giai cấp công nhân, đoàn kết đồng tâm, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cùng toàn Đảng, toàn dân đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.

 

Đến hết sáng 23/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc phần thảo luận về văn kiện. Qua một ngày rưỡi thảo luận đã có 34 đại biểu tham luận về các vấn đề quan trọng trong các văn kiện Đại hội.

 

Tại phiên họp sáng nay, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Đoàn Thư ký cho biết đến sáng 23/1, đã có 200 chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế đã gửi điện chúc mừng Đảng ta và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

 

Chiều 23/1, Đại hội làm việc tại Hội trường về công tác nhân sự./.

Có thể bạn quan tâm