Kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam

Kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Phạm Kiên – Phóng viên TTXVN tại Lào
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Phạm Kiên – Phóng viên TTXVN tại Lào

Tham dự kỳ họp về phía Việt Nam có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trong Ủy ban. Về phía Lào có Phó Thủ tướng Chính phủ Somsavad Lengsavat (Xổm-xa-vạt Lềnh-xa-vắt), Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam Khamphoi Keokinaly (Khăm-phởi Kẹo-kin-na-ly) cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Lào trong Ủy ban.

Tại kỳ họp, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, tổng kết tình hình thực hiện Hiệp định hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2011-2015 và trao đổi thống nhất phương hướng hợp tác cho giai đoạn 2016-2020, nhất là các nhiệm vụ cụ thể sẽ triển khai trong năm 2016.

Hai bên nhất trí cho rằng Hiệp định hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2011-2015 đã được triển khai hiệu quả, thể hiện qua kết quả hợp tác sau đây:

Về quan hệ chính trị-ngoại giao, hai bên đã phối hợp tổ chức tốt các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước với nhiều hình thức; đã thành lập cơ chế trao đổi thường niên giữa hai bộ trưởng Ngoại giao, hai trưởng Ban Đối ngoại Trung ương hai nước. Hai bên phối hợp tổ chức thành công “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào 2012” và các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của mỗi nước trong năm 2015 như: 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 60 năm thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, 70 năm Quốc khánh Việt Nam, 40 năm Quốc khánh Lào, 40 năm ngày giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 95 năm ngày sinh Chủ tịch Kaysone Phomvihane (Cay-xỏn Phôm-vi-hản). Hai bên cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Hợp tác quốc phòng-an ninh ngày càng được tăng cường. Hai bên đang phấn đấu quyết tâm hoàn thành toàn bộ dự án Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới; giải quyết hiệu quả vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào; làm tốt công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt chiến sĩ, quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào.

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Somsavat Lengsavath trao cho nhau Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam-Lào giai đoạn 2016-2020, Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác song phương Việt Nam-Lào năm 2016. Ảnh: Phạm Kiên – Phóng viên TTXVN tại Lào
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Somsavat Lengsavath trao cho nhau Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam-Lào giai đoạn 2016-2020, Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác song phương Việt Nam-Lào năm 2016.
Ảnh: Phạm Kiên – Phóng viên TTXVN tại Lào

Về đầu tư, tính đến tháng 12/2015, Lào đã cấp 413 dự án cho các nhà đầu tư Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 4,9 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện là 1,4 tỷ USD. Các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào được triển khai thuận lợi, đã đóng góp vào tăng trưởng và thu ngân sách của Lào, tạo nhiều công ăn việc làm cho nhân dân địa phương.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Lào tiếp tục được thúc đẩy. Hai bên đã ký Hiệp định Thương mại Việt Nam -Lào vào tháng 3/2015 và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào vào tháng 6/2015. Các cơ chế ưu đãi về thuế suất, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ hai nước được áp dụng suôn sẻ. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào liên tục tăng trưởng, năm 2015 kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước ước đạt 1,3 tỷ USD.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, hai bên đã tăng cường hợp tác nghiên cứu và trao đổi kỹ thuật công nghệ, dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, kiểm soát dịch bệnh cây trồng và vật nuôi nhằm từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Việc kết nối giao thông vận tải giữa hai nước được chú trọng, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 (tháng 9/2015).Việc triển khai thực hiện “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Đen-xa-vẳn đã trở thành mô hình tiêu biểu trong khu vực.

Quang cảnh lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Bảo hiểm Xã hội Việt Nam với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào tại kỳ họp. Ảnh: Phạm Kiên – Phóng viên TTXVN tại Lào
Quang cảnh lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Bảo hiểm Xã hội Việt Nam với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào tại kỳ họp.
Ảnh: Phạm Kiên – Phóng viên TTXVN tại Lào

Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được ưu tiên và mở rộng. Tính đến nay đã có 9.295 cán bộ, sinh viên Lào học tập tại Việt Nam. Cơ sở đào tạo lưu học sinh Lào tại Việt Nam được đầu tư nâng cấp. Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam-Lào trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020” được hai bên tích cực triển khai. Đặc biệt trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã đồng thời ban hành Chỉ thị nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Lào.

Hợp tác giữa các địa phương, đặc biệt là giữa các tỉnh biên giới hai nước ngày càng được mở rộng và có hiệu quả.

Hai bên nhất trí đánh giá Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào đã có nhiều đổi mới, tăng cường kiểm tra giám sát; xử lý nhanh, dứt điểm, hiệu quả những vấn đề phát sinh trong quan hệ hai nước.

Hai bên cũng đã thẳng thắn trao đổi những tồn tại, hạn chế và khó khăn trên một số lĩnh vực hợp tác như: việc thực hiện một số nội dung Thỏa thuận giữa hai bên chưa được như mong muốn; thủ tục cấp phép đầu tư còn rườm rà, thời gian cấp phép chậm, một số doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án; việc quản lý lao động Việt Nam sang làm việc tại Lào chưa thực hiện theo đúng Hiệp định hợp tác về lao động ký ngày 01/7/2013.

Tại kỳ họp lần này, hai bên đã thống nhất phương hướng và nhiệm vụ hợp tác giai đoạn 2016-2020. Theo đó, hai bên nhất trí tăng cường thực hiện tốt các thỏa thuận đã được ký kết, đặc biệt là các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước; duy trì và tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác sẵn có, nhất là cơ chế Tham vấn thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao và các cơ chế hợp tác giữa các cơ quan đối ngoại hai nước; ủng hộ và hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2016; đẩy mạnh hợp tác tại các diễn đàn quốc tế khu vực; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam cho thế hệ trẻ hai nước; quan tâm xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào ổn định và phát triển toàn diện; triển khai thực hiện có hiệu quả Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Lào, Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào; tiếp tục coi trọng việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục pháp lý, quy chế ngoại kiều và nhập quốc tịch cho công dân của nhau đang làm ăn sinh sống ở mỗi nước; tăng cường phối hợp công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Lào và bộ đội Lào hy sinh tại Việt Nam.

Về hợp tác kinh tế, hai bên khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư hai nước; thường xuyên kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư để có các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hai nước; phối hợp triển khai có hiệu quả Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào (ký tháng 3/2015) và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào (ký tháng 6/2015); tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các trung tâm thương mại giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại Lào; năm 2016 phấn đấu tăng kim ngạch thương mại 20%.

Về hợp tác giáo dục và đào tạo, hai bên tiếp tục dành cho nhau các suất học bổng cho cán bộ, học sinh và sinh viên hai nước sang học tập, nghiên cứu tại mỗi nước; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam-Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020”; thực hiện hợp tác đào tạo trên nhiều kênh, nhiều hình thức, coi trọng và tạo điều kiện về cơ chế hợp tác đào tạo giữa các địa phương; thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Việt tại Lào. Riêng năm 2016, Việt Nam sẽ dành cho Lào 1.000 suất học bổng và Lào dành cho Việt Nam 60 suất học bổng cho cán bộ và học sinh Việt Nam sang học tập tại Lào.

Triển khai tốt các thỏa thuận về kết nối giao thông vận tải Việt Nam-Lào, nhất là dự án đường cao tốc Viêng Chăn-Hà Nội, và một số tuyến đường bộ, đường sắt khác.

Kết thúc phiên họp, hai bên đã ký Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam-Lào giai đoạn 2016-2020, Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác song phương Việt Nam-Lào năm 2016, Biên bản Kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào và một số văn kiện: Kế hoạch hợp tác Giáo dục đào tạo giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào năm 2016; Thỏa thuận về quy trình thí điểm xây dựng dự án trường Phổ thông trung học Hữu nghị A-nu-vông, Xay-xổm-bun do Chính phủ tự thực hiện; Biên bản ghi nhớ giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào; Hợp đồng tín dụng dự án thủy điện Nặm-mô 2; Hợp đồng bảo hiểm dự án thủy điện Nặm-mô 2; Ký hợp đồng sửa đổi và bổ sung của hợp đồng tìm kiếm và thăm dò quặng, thiếc, chì kẽm tại khu vực huyện Nỏng-hẹt, tỉnh Xiêng-khoảng và khu vực huyện Phuôn, tỉnh Hủa-phăn giữa Chính phủ Lào với Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công./.

Có thể bạn quan tâm