Lưu ý nguy cơ tương tác thuốc khi sử dụng thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid

Lưu ý nguy cơ tương tác thuốc khi sử dụng thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid

Tạp chí tin tức Newsweek của Mỹ ngày 27/12 đưa tin Paxlovid - thuốc điều trị COVID-19 dạng viên do hãng Pfizer sản xuất- có thể dẫn đến các phản ứng phụ nghiêm trọng đối với nhóm có nguy cơ cao mắc COVID-19.

Lưu ý nguy cơ tương tác thuốc khi sử dụng thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid ảnh 1Thuốc Paxlovid điều trị COVID-19 do hãng dược phẩm Pfizer sản xuất tại Freiburg, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã xác định hơn 30 loại thuốc có thể có tương tác với Paxlovid, bao gồm thuốc chống đông máu, thuốc giảm cholesterol và điều trị bệnh gout - một dạng viêm khớp phổ biến. Trong một số trường hợp, bệnh nhân được khuyến cáo không nên dùng các loại thuốc này cùng với Paxlovid, còn một số trường hợp khác được cảnh báo rằng Paxlovid có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, hoặc tăng khả năng của thuốc đến độ độc hại.

Trước đó, vào ngày 22/12, FDA đã cấp phép sử dụng thuốc viên Paxlovid trong điều trị COVID-19 cho những người có nguy cơ cao từ 12 tuổi trở lên. Thuốc Paxlovid là phương pháp điều trị ngoại trú COVID-19 đầu tiên không cần đến sự giám sát của chuyên gia chăm sóc sức khỏe, đặc biệt, thuốc cũng dễ bảo quản và vận chuyển, tăng khả năng tiếp cận đối với các bệnh nhân. Khi được sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi triệu chứng khởi phát, thuốc được chứng minh có thể giảm đến 88% tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong.

Tuy nhiên, không có phương pháp điều trị nào là hoàn hảo và Paxlovid tiềm ẩn rủi ro lớn đối với sức khỏe của nhóm người nguy cơ cao. FDA đã khuyến cáo ngừng sử dụng hai loại thuốc Lovastatin và Simvastatin ít nhất 12 giờ trước khi dùng Paxlovid. Đây là hai loại thuốc được sử dụng để điều trị cholesterol cao và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Ngoài ra, những người đang sử dụng thuốc Rivaroxaban - thuốc chống đông máu- cũng được chống chỉ định dùng Paxlovid do có thể dẫn đến chảy máu. Thuốc Colchicine trị bệnh gout cũng không thể dùng chung với Paxlovid do có thể dẫn đến những phản ứng nguy hiểm đến tính mạng. Ritonavir, một loại thuốc được sử dụng để hỗ trợ điều trị HIV, được biết đến là nguyên nhân gây ra tương tác thuốc, cũng đòi hỏi sự theo dõi của nhân viên y tế trong trường hợp sử dụng song song với các loại thuốc khác.

Theo Tiến sĩ Mahdee Sobhanie, chuyên khoa bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Wexner, Đại học Bang Ohio, tương tác thuốc là tình trạng thường gặp, nên cần phải cân nhắc lợi và hại giữa nguy cơ bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng và các phản ứng phụ có thể gặp. Theo Tiến sĩ Sobhanie, đối với nhiều người mắc bệnh nền và những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch sau phẫu thuật ghép nội tạng, lợi ích của Paxlovid có thể sẽ cao hơn nguy cơ. Điều này đồng nghĩa với việc các nhân viên y tế cần có một kế hoạch cụ thể để đảm bảo bệnh nhân được giám sát trong vòng 5 ngày sử dụng Paxlovid và một vài ngày sau đó. Theo các chuyên gia, nếu một người không bị phản ứng phụ trong vòng 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu dùng Paxlovid, khả năng cao họ sẽ không có phản ứng nguy hiểm tới sức khỏe.

Mặc dù Paxlovid có khả năng gây ra các tác dụng phụ, song Tiến sĩ Sobhanie vẫn ủng hộ nghiên cứu và phát triển thuốc trị COVID-19 dạng viên do có nhiều người tiêm vaccine vẫn sẽ không đủ đáp ứng miễn dịch cần thiết, cần đến các liều lượng tăng cường trong trường hợp mắc COVID-19.

Ngoài ra, chuyên gia cho rằng việc phải dùng Paxlovid trong 5 ngày đầu tiên phát hiện triệu chứng có thể gây khó khăn cho việc ngưng sử dụng loại thuốc khác ngay lập tức nhằm tránh tương tác thuốc. Việc sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc có thể khiến người bệnh đau cơ nghiêm trọng và nhầm lẫn tương tác thuốc với các triệu chứng COVID-19.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh Paxlovid chỉ phát huy tác dụng khi người bệnh được xét nghiệm và phát hiện mắc COVID-19 kịp thời. Bên cạnh đó, các dược sĩ cần cần tư vấn và đưa ra khuyến cáo cụ thể với người bệnh về phản ứng phụ của Paxlovid.

Hoàng Châu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm