Lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Hrê ở Quảng Ngãi

Lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Hrê ở Quảng Ngãi

Đồng bào Hrê ở Quảng Ngãi có nền văn hóa truyền thống phong phú với các làn điệu dân ca như Ka choi, Ta lêu cùng các loại nhạc cụ dân tộc như chiêng, đàn Brook, chinh K’la, Ta lía… Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Hrê được xác định là cơ sở để địa phương phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống của người dân.

Lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Hrê ở Quảng Ngãi ảnh 1Trình diễn dệt thổ cẩm của dân tộc Hrê, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Đồng bào Hrê sống chủ yếu ở tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định với khoảng 149.460 người (năm 2019). Tại tỉnh Quảng Ngãi, đồng bào Hrê chiếm khoảng 90% tổng người Hrê tại Việt Nam; chiếm khoảng 10% dân số tỉnh và sống tập trung tại 3 huyện miền núi phía Tây là Ba Tơ, Minh Long và Sơn Hà. Từ lâu đời, đồng bào chủ yếu trồng lúa trên rẫy và canh tác lúa nước. Nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống của đồng bào Hrê trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc.

Đồng bào dân tộc Hrê có nhiều làn điệu dân ca đặc sắc, mang đậm bản sắc riêng. Một trong những người tâm huyết luôn gìn giữ những tinh hoa của dân tộc Hrê ở miền Tây Quảng Ngãi là nghệ nhân Phạm Văn Sây, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ. Bằng tình yêu và lòng say mê với dân ca của dân tộc mình, từ nhỏ, ông Sây đã tự mày mò, học hỏi những làn điệu Ka choi, Ta lêu từ mẹ và bà. Đến năm 15 tuổi, ông đã trở thành người hát hay, đàn giỏi có tiếng trong vùng.

Với ông Sây, làn điệu dân ca của dân tộc Hrê là kho báu văn hóa, món ăn tinh thần không thể thiếu, cần được bảo tồn, gìn giữ. Ông Sây cho biết: Đối với người Hrê, vào các dịp lễ, Tết, khi mọi người quây quần bên ché rượu cần không thể thiếu tiếng chiêng cùng các làn điệu dân ca truyền thống. Tuy nhiên, ông nhận thấy thế hệ trẻ không còn đam mê với văn hóa truyền thống; không còn nhiều bạn biết đánh chiêng, biết hát các làn điệu Ta lêu, Ka choi của đồng bào mình.

Nhắc đến văn hóa của đồng bào Hrê là nhắc đến các loại nhạc cụ truyền thống như: cồng chiêng, đàn Brook, chinh K’la, Ta lía, khèn Ra ngói, trống. Trong đó, cồng chiêng là nhạc cụ gắn bó mật thiết với cuộc sống của đồng bào, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, lao động và sinh hoạt hàng ngày. Trong các buổi sinh hoạt cộng đồng như: Tết cổ truyền, đâm trâu, đám cưới hay những buổi cao hứng bên ché rượu cần, các cụ già, chàng trai Hrê đều lấy chiêng ra đánh. Chính bởi tiếng chiêng rất quý và gần gũi với đồng bào nên được nhiều thế hệ người Hrê lưu truyền, gìn giữ và trở thành nét văn hóa đặc sắc, tinh tế.

Nghệ nhân Đinh Văn Bôn, xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà có một “bảo tàng thu nhỏ” với hơn 100 hiện vật gồm các loại chiêng, nhạc cụ, vật dụng truyền thống của người Hrê. Mỗi hiện vật là một câu chuyện văn hóa, là linh hồn dân tộc được lưu giữ lại. Ông Bôn cho biết, ông sưu tầm, lưu giữ các loại nhạc cụ, vật dụng truyền thống của đồng bào Hrê với mong muốn sẽ truyền được cảm hứng giúp thế hệ trẻ có đam mê; từ đó có ý thức gìn giữ văn hóa của dân tộc.

Nghề dệt thổ cẩm làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ cũng là một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Hrê ở Quảng Ngãi. Những hoa văn, họa tiết trên các sản phẩm thổ cẩm đã thể hiện được nét đặc trưng, phong tục tập quán, sự cần mẫn, tỉ mỉ của phụ nữ Hrê. Ở làng Teng hiện nay, nhà văn hóa làng đã được đầu tư xây dựng để giới thiệu, trưng bày những sản phẩm thổ cẩm trong làng. Đây là nơi giúp người dân giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.

Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của người Hrê, chính quyền địa phương đã triển khai xây dựng nhà văn hóa thôn, xã theo kiến trúc truyền thống, khôi phục làng nghề truyền thống; sưu tầm các nhạc cụ, công cụ, dụng cụ trong sản xuất, các vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày; chú trọng việc truyền bá, khơi dậy niềm đam mê văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ dân tộc Hrê. Trung tâm Bảo tồn văn hóa Hrê được xây dựng trên diện tích 25 ha tại huyện Sơn Hà.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Thời gian tới, ngành Văn hóa tiếp tục tổ chức các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc ở các huyện; đồng thời tổ chức các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Hrê. Bên cạnh đó, ngành chú trọng tham mưu việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản Văn hóa phi vật thể, để kịp thời tôn vinh vai trò của các nghệ nhân trong việc truyền dạy, lưu giữ, phát huy giá trị của văn hóa truyền thống.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm