Luật Quy hoạch sẽ xóa bỏ “cơ chế xin-cho”

Luật Quy hoạch sẽ xóa bỏ “cơ chế xin-cho”
Thời gian qua, một số ngành, lĩnh vực đã phải điều chỉnh quy hoạch trước thời gian do đã lỗi thời so với thực tế, chưa kể các quy hoạch còn thiếu gắn kết, không thống nhất và nhiều chồng chéo, mâu thuẫn. Để hạn chế việc này, một trong những nội dung được dự thảo Luật Quy hoạch đề cập đến là hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về hoạt động quy hoạch; xóa bỏ “cơ chế xin-cho” đang tồn tại trong các ngành, lĩnh vực. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh vấn đề này.
* Xin ông cho biết, dự thảo Luật Quy hoạch được xây dựng sẽ khắc phục tình trạng phải điều chỉnh quy hoạch trước thời gian, thiếu gắn kết, chồng chéo như thế nào?

- Việc quy hoạch thường xuyên bị điều chỉnh, thiếu thống nhất và còn nhiều chồng chéo mâu thuẫn phản ánh tình trạng chất lượng quy hoạch hiện nay còn thấp. Một trong những nguyên nhân chính của vấn đề này là do chậm đổi mới về phương pháp và nội dung quy hoạch của các cấp, các ngành cho phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Hiện nay, các quy hoạch của Việt Nam vẫn đang được lập theo cách tiếp cận truyền thống. Đó là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu đều đang được lập một cách độc lập với nhau. Cùng với việc cơ chế phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan quản lý quy hoạch ở các cấp, các ngành, điều này dẫn đến sự thiếu khớp nối, mâu thuẫn và chồng chéo giữa các loại quy hoạch.

Do đó, dự án Luật Quy hoạch chủ trương đổi mới toàn diện phương pháp và nội dung quy hoạch theo hướng áp dụng phương pháp quy hoạch theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành; trong đó đề cao sự tham gia của tất cả các bên liên quan như bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng từ giai đoạn lập đến giai đoạn thực hiện quy hoạch. 

Dự thảo Luật quy định rõ quy trình phối hợp giữa các bên liên quan trong quá trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm đảm bảo sự gắn kết, đồng bộ, thống nhất giữa các loại quy hoạch và giải quyết hiệu quả các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, đặc biệt là xử lý các xung đột lợi ích ngành, lợi ích địa phương và các xung đột lợi ích khác.

Bên cạnh đó, các quy định dự thảo Luật này cũng xác định rõ yêu cầu và nội dung chủ yếu của các loại quy hoạch theo hướng cấp độ quy hoạch càng xuống thấp càng thể hiện chi tiết, từ đó sẽ đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của quy hoạch, tránh được sự chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp giữa các quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng của quy hoạch.

Trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi Luật Quy hoạch được ban hành, để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ giữa các quy hoạch được lập trước và sau khi Luật có hiệu lực, cũng như trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo Luật quy định rõ việc chuyển tiếp như sau: các quy hoạch đã được phê duyệt trước ngày Luật có hiệu lực sẽ được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2019 và nếu phù hợp sẽ được kế thừa trong quy hoạch được lập theo quy định tại Luật này. 

Đối với các quy hoạch không được kế thừa hoặc tích hợp trong quy hoạch được lập theo Luật này, Chính phủ trình Quốc hội ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền việc chuyển tiếp các quy định và quy hoạch cho đến khi hoàn thành việc lập các quy hoạch theo Luật này để tránh khoảng trống trong thực thi pháp luật và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

* Có thể nói vai trò của quy hoạch ngày càng được khẳng định và thực sự là công cụ đắc lực giúp Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội. Vậy, dự thảo Luật Quy hoạch được xây dựng sẽ đáp ứng yêu cầu này như thế nào?

- Quy hoạch là một công cụ hết sức quan trọng của nhà nước. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các nước có nền kinh tế thị trường phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức .... cũng đều sử dụng các công cụ quy hoạch để điều hành phát triển đất nước.

Dự án Luật Quy hoạch ra đời nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động quy hoạch trên cơ sở khắc phục các tồn tại, yếu kém của hoạt động quy hoạch và đổi mới phương pháp, nội dung quy hoạch để đáp ứng được các yêu cầu, thách thức trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, dự án Luật Quy hoạch sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ. Theo đó nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường. 

Bên cạnh đó, việc đổi mới phương pháp và nội dung quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành sẽ giúp khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương; giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương.

Nhìn chung, các quy định của Luật Quy hoạch sẽ giúp đảm bảo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát huy hiệu quả trong khai thác và sử dụng nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

* Thưa ông, dự thảo Luật Quy hoạch được xây dựng trên những cơ sở nào đề vừa khắc phục được những tồn tại hiện nay đồng thời phù hợp với nền kinh tế thị trường và tạo điều kiện cho đầu tư, phát triển?

Hiện nay, mặc dù Việt Nam đang từng bước chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng việc quy hoạch vẫn đang được thực hiện theo phương pháp truyền thống. Quy hoạch được lập cho hầu hết các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, trong khi nhu cầu phát triển nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu do thị trường quyết định dựa trên quy luật cung - cầu, quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh. 

Trong khi đó, tình trạng lập quy hoạch quá nhiều, nhưng không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đang diễn ra ở tất cả các bộ, ngành, địa phương và ngày càng có xu hướng gia tăng. Điều này đặt ra yêu cầu khách quan là phải đổi mới toàn diện công tác quy hoạch để phù hợp hơn với bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Theo tinh thần đó, dự án Luật Quy hoạch đã được xây dựng dựa trên hai luận điểm chính đó là: hoàn thiện hơn nữa thể chế kinh tế thị trường trong phạm vi các ngành, lĩnh vực được nhà nước quản lý bằng quy hoạch trên cơ sở phù hợp quan điểm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được quy định tại Hiến pháp năm 2013, cũng như đáp ứng các yêu cầu phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa. 

Đồng thời, quán triệt chủ trương của Chính phủ về xây dựng nhà nước kiến tạo và phục vụ thông qua cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quy hoạch và hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về hoạt động quy hoạch; xóa bỏ “cơ chế xin-cho” đang tồn tại trong các ngành, lĩnh vực được quản lý bằng quy hoạch hiện nay.

Hơn thế nữa, việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực không phù hợp với kinh tế thị trường trong Luật Quy hoạch sẽ góp phần giảm bớt một số quy trình, thủ tục cấp phép trái với quy luật của kinh tế thị trường, qua đó thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả.

* Xin cảm ơn ông! 

Thúy Hiền (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm