Luân chuyển cán bộ về cơ sở ở vùng cao, biên giới để gần dân, sát dân (Bài cuối)

Bà Tẩn Thị Quế, Bí thư Huyện ủy Tam Đường. Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Bà Tẩn Thị Quế, Bí thư Huyện ủy Tam Đường. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Bài 3 (Bài cuối): Hiệu quả từ một chủ trương đúng đắn 

Trong quá trình công tác tại cơ sở ở địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhiều cán bộ luân chuyển học hỏi được nhiều từ kinh nghiệm thức tế, hiểu tâm tư và nguyện vọng của nhân dân. Qua công tác điều động, luân chuyển cán bộ, Đảng đã từng bước tạo dựng được một đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, uy tín gánh vác trọng trách, tiếp tục kế thừa sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Là nơi thử lửa

Trao đổi về công tác điều động, luân chuyển cán bộ, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến chia sẻ: Luân chuyển, điều động cán bộ công chức về cơ sở là một chủ trương đúng đắn. Chủ trương này được nhiều địa phương triển khai thực hiện bài bản, hiệu quả. Ở địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc luân chuyển, điều động cán bộ công chức đến công tác sẽ đạt được nhiều mục tiêu như: Tham mưu giúp cơ sở giải quyết những vấn đề khó mà tự cơ sở chưa giải quyết được; là môi trường tốt để cán bộ rèn luyện, trưởng thành trong thực tiễn; hiểu biết sâu sắc thêm phong tục tập quán của đồng bào để sau này hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ.

Luân chuyển cán bộ về cơ sở ở vùng cao, biên giới để gần dân, sát dân (Bài cuối) ảnh 1 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Nhiều đồng chí sau khi rèn luyện công tác ở cơ sở đã trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, cấp tỉnh, thậm chí có người đáp ứng bổ sung cho các cơ quan Trung ương. Luân chuyển, điều động cán bộ về cơ sở là thực hiện hiệu quả phương châm “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn”, “cán bộ cấp trên phải kinh qua cán bộ cấp dưới”.

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần được tổng kết, đánh giá cụ thể công tác điều động và luân chuyển cán bộ về cơ sở, phát huy những việc đã làm tốt. Nhận thức đúng hạn chế, khó khăn bất cập tiếp tục điều chỉnh để trở thành việc làm thường xuyên, căn cơ đạt kết quả hơn nữa.

Đối với tỉnh Lai Châu, việc luân chuyển cán bộ về cơ sở được Tỉnh ủy Lai Châu thực hiện hết sức kỹ lưỡng nhằm bảo đảm phương châm chung đúng người, đúng việc. Quá trình lựa chọn, luân chuyển bảo đảm công tâm, khách quan, đúng nguyên tắc, quy trình; thường xuyên tạo điều kiện, hỗ trợ để các trường hợp luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ, thông qua đó vừa giúp cán bộ rèn luyện, trưởng thành, vừa bổ sung nguồn lực chất lượng tạo thuận lợi cho cơ sở giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu Lê Văn Lương cho biết: Chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của tỉnh cả trước mắt và lâu dài, nhất là với tỉnh khó khăn, biên giới như Lai Châu. Việc luân chuyển cán bộ đã góp phần tích cực vào việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng. Sau luân chuyển, nhiều đồng chí tích lũy được kinh nghiệm trong thực tiễn, phát huy được năng lực lãnh đạo quản lý, được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn.

Mặt khác, tổ chức bộ máy và hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã có chuyển biến tốt, dần đi vào nề nếp; năng lực lãnh đạo, quản lý của tổ chức đảng, chính quyền được nâng lên rõ nét, các chủ trương phát triển kinh tế xã hội sát với thực tế. Công tác xây dựng Đảng ở cơ sở được thúc đẩy, một số đảng bộ yếu kém kéo dài nhiều năm đã vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Công tác luân chuyển cán bộ tạo được dư luận tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Để công tác luân chuyển cán bộ hiệu quả hơn nữa, thời gian tới tỉnh Lai Châu tiếp tục đánh giá nghiêm túc công tác quy hoạch cán bộ; tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng cơ chế, tạo môi trường, điều kiện cho cán bộ làm việc; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Xem xét điều chỉnh, bổ sung chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển, để cán bộ luân chuyển yên tâm rèn luyện và cống hiến; tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện công tác luân chuyển cán bộ.

Cần chính sách cụ thể với cán bộ luân chuyển về vùng khó khăn

Những năm qua, huyện Tam Đường (Lai Châu) thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ về cơ sở. Nhiều xã khó khăn như: Khun Há, Giang Ma… đã thay đổi mọi mặt. Những cán bộ luân chuyển về cơ sở đã được sự ủng hộ của cơ sở, được nhân dân tin tưởng; phát huy năng lực lãnh đạo, sở trường, kinh nghiệm công tác. Đến nay, Huyện ủy Tam Đường đã điều động 20 cán bộ huyện xuống 12/13 xã, thị trấn đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo.

Cũng thuộc diện cán bộ được luân chuyển từ Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu về làm Bí thư Huyện ủy Tam Đường. Nhận thấy tiềm năng của địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng, cùng với năng lực chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, bà Tẩn Thị Quế khao khát xây dựng Tam Đường trở thành điểm du lịch điển hình. Bà Tẩn Thị Quế cùng với tập thể Huyện ủy, UBND huyện Tam Đường xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng các bản du lịch; quảng bá, tuyên truyền, kêu gọi các doanh nghiệp, lữ hành trong cả nước đến khảo sát và đầu tư, mở ra hướng phát triển bền vững của huyện trong thời gian tới.

Luân chuyển cán bộ về cơ sở ở vùng cao, biên giới để gần dân, sát dân (Bài cuối) ảnh 2Bà Tẩn Thị Quế, Bí thư Huyện ủy Tam Đường. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Bí thư Huyện ủy Tam Đường cho biết: Trong tình hình phát triển chung của xã hội, đòi hỏi mỗi người cán bộ đứng đầu địa phương không ngừng học hỏi, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở. Cán bộ luân chuyển về giữ vị trí chủ chốt ở cấp xã và cả bản thân tôi phải luôn tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, không phụ kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước cần có chế độ, chính sách cụ thể cho công tác luân chuyển cán bộ, để khuyến khích cán bộ yên tâm nhận nhiệm vụ đi luân chuyển.

Từ 2017 - 2021, Huyện ủy Mường Tè đã điều động, luân chuyển 11 đồng chí về làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn. Đồng thời, Tỉnh ủy Lai Châu cũng điều động, luân chuyển 2 đồng chí vào giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè. Đánh giá về năng lực công tác của cán bộ được luân chuyển, điều động, ông Lý Anh Hừ - Bí thư Huyện ủy Mường Tè cho biết: Công tác luân chuyển, điều động cán bộ về cơ sở sẽ tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, biên giới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác và rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận.

Tuy nhiên, theo Bí thư Huyện ủy Mường Tè, việc luân chuyển cán bộ chủ yếu là từ huyện về xã, còn từ xã về huyện còn ít. Chế độ, chính sách cho cán bộ luân chuyển còn chưa phù hợp, chưa kịp thời như: đi xa, chưa có nhà công vụ… Cán bộ luân chuyển xuống cơ sở có mặt còn hạn chế như việc tiếp cận phong tục, tập quán, ngôn ngữ của địa phương còn chậm nên thực hiện nhiệm vụ và hiệu quả công việc bước đầu chưa cao. Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh, Trung ương cần xem xét có cơ chế, chính sách đãi ngộ về tiền lương, nhà ở thỏa đáng với cán bộ, công chức, viên chức được luân chuyển về vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đánh giá việc luân chuyển cán bộ về cơ sở tại Lai Châu, Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu (nhiệm kỳ 2010 - 2015), Nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương (3/2015 - 2016) Lò Văn Giàng cho hay, công tác luân chuyển cán bộ từ trước đến nay của tỉnh có nhiều cái “được”. Cán bộ được cọ sát cơ sở, nắm được tình hình, từ đó, triển khai công việc tốt hơn. Tạo môi trường để cán bộ thử thách ở từng vị trí. Nhờ những cán bộ cơ sở báo cáo lại, cấp cao hơn như tỉnh, huyện sẽ có chủ trương đúng đắn, giải quyết kịp thời công việc tại địa phương.

Ông Lò Văn Giàng cho rằng, để công tác luân chuyển cán bộ hiệu quả hơn, Tỉnh ủy Lai Châu cần phải rút kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian qua. Những cái được phải đúc kết thành bài học và phổ biến rộng rãi. Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; định hướng, đào tạo để họ tiếp cận được với công việc. Đặc biệt, cán bộ phải gương mẫu, bản lĩnh chính trị vững vàng, hết lòng vì dân, vì nước.

Tại tỉnh Yên Bái, công tác luân chuyển, điều động cán bộ về cơ sở được Tỉnh ủy Yên Bái quan tâm và chú trọng thực hiện hiệu quả. Từ năm 2019 đến nay, Tỉnh ủy Yên Bái đã bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, tăng cường 80 đồng chí, trong đó có 41 đồng chí là cấp ủy viên cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025, 17 đồng chí là lãnh đạo chủ chốt cấp xã.

Ông Trần Huy Tuấn, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, Tỉnh ủy Yên Bái đã và đang đề ra nhiều giải pháp đột phá như: tiếp tục quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch luân chuyển giai đoạn và hàng năm; kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức, tạo sự nhất trí cao trong tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; lựa chọn cán bộ phù hợp, trên cơ sở có sự theo dõi, đánh giá kết quả qua thực tế công việc.

Đồng thời, tạo điều kiện, phân công công việc hợp lý để cán bộ luân chuyển nhanh chóng hòa nhập, phát huy tối đa năng lực, sở trường của bản thân; quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển như: chế độ tiền lương, học tập… góp phần cải thiện đời sống, giúp cán bộ yên tâm công tác, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. (Hết)

TTXVN

TTXVN

Có thể bạn quan tâm