Lớp học kinh doanh cho nông dân

Lớp học kinh doanh cho nông dân

Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, sáng 6/4, tại thành phố Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Phát triển Đức (GIZ) tổ chức lễ công bố chương trình lớp học kinh doanh cho nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Lớp học kinh doanh cho nông dân  ảnh 1Nông dân huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Với diện tích canh tác 4,1 triệu ha và 1,1 triệu nông hộ trồng lúa, Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất 24,4 triệu tấn lúa/năm. Hiện nay, nông dân khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu, dịch hại, giá vật tư đầu vào tăng và giá cả tiêu thụ không ổn định, gây ảnh hưởng tới năng suất và thu nhập của nông hộ.

Trong bối cảnh này, người nông dân cần hiểu được khía cạnh kinh tế của hoạt động sản xuất để có thể nâng cao lợi nhuận và cải thiện chất lượng sản phẩm; khả năng xác định và lựa chọn các phương án kinh doanh như: đa dạng nguồn thu nhập, tiết kiệm chi phí hoặc thương lượng giá bán tốt hơn,...

Theo ông Dominik Fortenbacher - Giám đốc Dự án GIC (Dự án các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm), lớp học kinh doanh cho nông dân sẽ cung cấp cho nông dân các công cụ tài chính như: lập kế hoạch, phân tích lợi nhuận, tính giá thành sản xuất, ghi chép dòng tiền ra - vào và đặc biệt là công cụ quản lý tài chính cho chi tiêu gia đình và sản xuất. Từ đó, nông dân hiểu rõ hơn về kinh doanh nông nghiệp và xác định các chiến lược đúng đắn để cải thiện thu nhập. Nông dân có thể lên kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư cho sản xuất gia đình. Trong tương lai, họ chính là nhà đầu tư và quyết định trong kinh doanh.

Chương trình lớp học kinh doanh cho nông dân đã được triển khai ở 6 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2022 với 10.000 hộ nhỏ lẻ tham gia, dự kiến chương trình sẽ mở rộng tập huấn thêm 10.000 hộ nông dân vào năm 2023 - 2024.

Tại Cần Thơ, lớp học kinh doanh cho nông dân đã triển khai 29 lớp với 750 nông dân tham gia tập huấn. Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, quan trọng nhất từ lớp học là giúp nông dân hiểu được phải tham gia tổ chức sản xuất với quy trình sạch, cách tiết kiệm chi phí để gia tăng giá trị sản phẩm.

Nhận định lớp học kinh doanh cho nông dân là phương pháp tiếp cận nhằm thúc đẩy tinh thần doanh nhân và cung cấp những kỹ năng kinh doanh cho những hộ nông dân nhỏ lẻ, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, với tài liệu gồm 11 chuyên đề, chương trình lớp học kinh doanh được xây dựng trên chu trình học qua trải nghiệm, chú trọng vào phần thực hành nhằm giúp nông dân thay đổi tư duy từ tập trung vào sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, giúp nông dân nhận thấy họ là doanh nhân.

Thu Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm