30 năm thu hút FDI:

Long An tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ

Long An tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ
Theo thống kê, đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Long An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 51 dự án với số vốn đăng ký 193,8 triệu đô la Mỹ (USD); 50 dự án tăng vốn 91,1 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh đã có 928 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư 5.908 triệu USD; trong đó, có 567 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.592 triệu USD.
Nhà máy Avery Dennison RBIS Việt Nam tại khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN
Nhà máy Avery Dennison RBIS Việt Nam tại khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN
 
Hiện Long An có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh; trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) đứng đầu cả về số dự án và vốn đầu tư đăng ký với 192 dự án, vốn đầu tư 1.001 triệu USD; kế đến là, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore…
 
Vốn đầu tư nước ngoài phần lớn tập trung vào các lĩnh vực may mặc, da giày, chế biến thức ăn, chế biến thực phẩm đồ uống và các dự án tập trung tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An.
 
Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng bình quân giai đoạn 1996 - 2016 hơn 27,6%/năm. Năm 2017,  kim ngạch xuất khẩu trong hệ thống FDI đạt 2,6 tỷ USD. Số lượng doanh nghiệp FDI xuất khẩu tăng từ 18 doanh nghiệp (năm 1996) và đến nay tăng hơn 300 doanh nghiệp.
 
Theo ông Nguyễn Văn Tiều, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, các doanh nghiệp FDI đã góp phần đáng kể vào hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh. Việc nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp FDI có tăng theo từng năm, nhưng chỉ mới chiếm khoảng 22%/năm/tổng thu ngân sách 2017 của tỉnh là 11.200 tỷ đồng, chưa tương xứng với tiềm năng đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
 
Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn đã giải việc làm cho 282 nghìn lao động; trong đó, các doanh nghiệp FDI hơn 126 nghìn lao động (chiếm 47,8% lao động trong các doanh nghiệp toàn tỉnh).
 
Về bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp FDI ngày càng đi vào nề nếp và ý thức hơn. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải; việc giám sát môi trường định kỳ tại các đơn vị thực hiện thường xuyên hơn trước; việc thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn được thực hiện tương đối nghiêm túc, đặc biệt là trong xử lý chất thải nguy hại. Việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải cũng từng bước được thực hiện.
 
Điển hình Công ty TNHH Huafu thuộc Khu công nghiệp Thuận Đạo mở rộng và Công ty Saporo thuộc Khu công nghiệp Việt Hóa, đã kết nối dữ liệu trực tuyến về Trạm giám sát Trung tâm của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động nhiều nhà đầu tư nước ngoài đạt tiêu chuẩn ISO 14000 về quản lý môi trường, như Công ty TNHH giầy ChingLuh Việt Nam, Công ty TNHH Lavie, Công ty Lê Long Việt Nam, Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam.
 
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiều, bên cạnh những mặt đã đạt được, tỉnh Long An cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư tiếp tiếp nước ngoài.
 
Tỉnh đã chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuy nhiên, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, những dự án có giá trị gia tăng, công nghệ cao; hiện nay chưa có quy định pháp luật của Trung ương để hạn chế việc tiếp nhận các dự án FDI thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng thấp; xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp FDI lợi dụng chính sách thuế Việt Nam để tối ưu hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp, tập đoàn, như: thực hiện chuyển giá giữa các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết, chủ yếu là việc chuyển giá giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp ngoài nước.
 
Việc chuyển giá của doanh nghiệp trước mắt là gây thất thu cho ngân sách nhà nước; đồng thời tạo sự canh tranh không lành mạnh, chèn ép gây khó khăn cho các doanh nghiệp khác. Thủ thuật chuyển giá rất tinh vi, phức tạp theo doanh thu bán ra hoặc chi phí đầu vào.
 
Ngoài ra, việc quản lý các doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp ngưng hoạt động, doanh nghiệp chậm triển khai, doanh nghiệp thuê lại nhà xưởng của các doanh nghiệp thứ cấp còn nhiều khó khăn, rất khó quản lý sâu sát.

Việc kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình doanh nghiệp, báo cáo thống kê chưa kịp thời vì nguồn nhân lực có hạn, nhà đầu tư chưa thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
 
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết, Long An xác định, vốn FDI đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Qua đây, góp phần đáng kể vào chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; phát triển kết cấu hạ tầng; đóng góp thu ngân sách; giải quyết việc làm... Chính vì vậy, Long An tập trung đề ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI trong thời gian tới.
 
Cụ thể, Long An tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, xúc tiến đầu tư tại chỗ để thu hút nguồn vốn FDI, nhất là xúc tiến đến những tập đoàn lớn; chuẩn bị sẵn quỹ đất công nghiệp đã đầu tư hạ tầng, đủ điều kiện tiếp nhận dự án đầu tư trực tiếp. Thực hiện tốt việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, thuế, hải quan, lao động, xuất nhập cảnh…
 
Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên đối thoại với các nhà đầu tư để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Tăng cường hoạt động quản lý, theo dõi việc triển khai, hoạt động các dự án; xây dựng môi trường thuận tiện, công khai, minh bạch,...Trường hợp có vi phạm, xử lý để tạo sự công bằng của các doanh nghiệp, lành mạnh hóa môi trường đầu tư của tỉnh.
 
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý sai phạm của doanh nghiệp đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp trong việc kê khai nộp thuế.
 
Song song đó, Long An kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ vốn để tình đầu tư các công trình ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp nhất là hạ tầng giao thông. Kịp thời xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ khi địa phương có vướng mắc cần sự hướng dẫn. Xây dựng cơ sở dữ liệu để đối chiếu về định mức gia công hàng xuất khẩu, nguyên liệu gia công tạm nhập tái xuất giữa thanh tra thuế và kiểm tra của hải quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu./.
     Thanh Bình
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm