Long An: Khánh thành 2 công trình gắn với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc

Long An: Khánh thành 2 công trình gắn với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc

Ngày 15/12, UBND tỉnh Long An tổ chức khánh thành Nhà lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu (tại xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) và Nhà trưng bày Long An - Thành phố Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc giai đoạn 1930 - 1975 (tại Công viên tượng đài Long An, thành phố Tân An).

Long An: Khánh thành 2 công trình gắn với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc ảnh 1Đại biểu cắt băng khánh thành nhà trưng bày Long An - Thành phố Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ảnh: Đức Hạnh – TTXVN

Tham dự lễ khánh thành có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được, cùng đông đảo lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Long An, Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ…

Hai công trình do Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ Long An xây dựng với tổng kinh phí hơn 27,3 tỷ đồng; thể hiện sự gắn kết giữa Đảng bộ, nhân dân hai địa phương trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc; đồng thời tri ân những đóng góp to lớn của Giáo sư Trần Văn Giàu - người con ưu tú của tỉnh Long An đối với Nam Bộ cũng như Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

Long An: Khánh thành 2 công trình gắn với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc ảnh 2
Long An: Khánh thành 2 công trình gắn với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc ảnh 3Tái hiện sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc giai đoạn 1930-1975 của quân và dân Long An - Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đức Hạnh – TTXVN

Nhà trưng bày tại Khu công viên tượng đài Long An Trung dũng kiên cường - Toàn dân đánh giặc, thể hiện các nội dung về mối quan hệ giữa Long An và Thành phố Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930-1975). Năm nội dung chính được tái hiện gồm: Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn (bao gồm 1 phần Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) ra đời tháng 11/1930; Căn cứ Vườn Thơm trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp; Căn cứ Giồng Dứa trong Kháng chiến chống Mỹ; Sự kiện 45 ngày đêm đánh Mỹ tại vùng Hạ Cần Giuộc; Bộ đội Phân khu 2 tấn công sân bay Tân Sơn Nhất trong cuộc Tổng công kích, tổng khởi nghĩa Xuân Mậu Thân 1968.

Nhà trưng bày ghi dấu ấn đậm nét về truyền thống gắn bó giữa Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó khẳng định tình đoàn kết sâu sắc của hai địa phương qua các thời kỳ, góp phần làm cho địa chỉ văn hóa - lịch sử Công viên tượng đài Long An thực sự trở nên ý nghĩa và thu hút hơn, phát huy hiệu quả giáo dục truyền thống và tham quan du lịch.

Long An: Khánh thành 2 công trình gắn với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc ảnh 4Các đại biểu cắt băng khánh thành nhà lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: Đức Hạnh – TTXVN

Nhà lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu được xây dựng với kinh phí hơn 8,7 tỷ đồng, khởi công ngày 1/10/2020 trên khu đất gần 3.000m2 của gia đình Giáo sư, trưng bày những hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến thân thế sự nghiệp, cuộc đời hoạt động của Giáo sư. Đại diện các thế hệ con, cháu Giáo sư Trần Văn Giàu, ông Trần Văn Phương bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới các cấp chính quyền đã quan tâm, ghi nhận và tri ân những cống hiến của Giáo sư.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa nhấn mạnh: Long An và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có mối quan hệ mật thiết trong suốt chiều dài lịch sử và đặc biệt sâu sắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Thành ủy Sài Gòn - Gia Định và các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã từng trú đóng, hoạt động trên đất Long An và được nhân dân nơi đây hết lòng ủng hộ, chở che, đùm bọc trong những giai đoạn, thời điểm ác liệt, đầy gian khổ, hy sinh, mất mát. Trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, hai địa phương vẫn luôn có mối liên hệ gắn bó mật thiết.

Long An: Khánh thành 2 công trình gắn với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc ảnh 5Ông Trần Văn Phương, cháu của Giáo sư Trần Văn Giàu phát biểu tại Lễ khánh thành. Ảnh: Đức Hạnh – TTXVN

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu sinh ngày 11/9/1911 tại xã An Lục Long (nay thuộc xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An), mất ngày 16/12/2010. Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, ông đã đóng góp to lớn vào công tác vận động quần chúng, xây dựng tổ chức Đảng, là người trực tiếp lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn và Nam Kỳ.

Giáo sư Trần Văn Giàu được xem là người có công lớn trong việc xây dựng nền móng cho nền giáo dục đại học Việt Nam, là nhà khoa học lớn với hàng chục công trình nghiên cứu đồ sộ về chính trị, triết học, lịch sử… Những cống hiến to lớn của ông được Đảng, Nhà nước ghi nhận qua các danh hiệu, giải thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, Nhà giáo nhân dân...

Với 100 tuổi đời, 81 tuổi Đảng, hoạt động liên tục trên nhiều cương vị, Giáo sư Trần Văn Giàu đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đức Hạnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm