Long An huy động hơn 11.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Long An huy động hơn 11.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Nguồn vốn  trên được phân bổ cho các lĩnh vực như hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh 80,7%; nhà ở dân cư 6,9%; giao thông 5,4%... Tỉnh đề ra mục tiêu năm 2018 sẽ có thêm 9 xã và một huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân đạt 15,6 tiêu chí /xã; có 63 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí và không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng thanh long, rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Bùi Như Trường Giang - TTXVN
Nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng thanh long, rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Bùi Như Trường Giang - TTXVN
 
Để đạt được mục tiêu trên, Long An tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Long An chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…
  
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, trọng tâm là thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã và các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng nông thôn mới; tăng cường huy động nguồn vốn để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới...
 
Theo ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng khó khăn, do các tiêu chí nâng cao hơn trước, trong khi các xã xây dựng nông thôn mới càng về sau càng khó khăn hơn, nhu cầu kinh phí rất lớn.

Điều này đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và có giải pháp phù hợp để đẩy mạnh huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.
  
Do đó, ngoài những giải pháp chung nêu trên, UBND các địa phương, căn cứ chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới được giao, giao chỉ tiêu cho từng xã, chọn xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình cụ thể.
Hệ thống đường giao thông nông thôn được mở rộng, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Ảnh: Bùi Như Trường Giang - TTXVN
Hệ thống đường giao thông nông thôn được mở rộng, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Ảnh: Bùi Như Trường Giang - TTXVN

Những xã đã được công nhận nông thôn mới phải có kế hoạch củng cố, nâng chất tiêu chí; không để nợ tiêu chí kéo dài và triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Ngoài ra, đẩy mạnh huy động, sử dụng nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới nhưng không để nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới và tình trạng huy động quá sức dân; có kế hoạch khai thác, sử dụng có hiệu quả công trình đã được đầu tư…
 
Tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành khác thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh việc thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp, Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ các hợp tác xã điểm ứng dụng công nghệ cao và các hợp tác xã kiểu mới…
 
Năm 2017, tỉnh Long An có 59 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 35,5% tổng số xã; số tiêu chí bình quân đạt 14 tiêu chí/xã. Trên 90% số xã đạt các tiêu chí về thủy lợi, điện, thông tin truyền thông, lao động có việc làm, an ninh quốc phòng; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 3,2%./.
  Bùi Giang
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm