Long An hướng đến nông thôn mới nâng cao (Bài 2)

Đường dẫn vào ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành (Long An) đã được bê tông hóa, trồng hoa tạo cảnh quan và lắp hệ thống đèn chiếu sáng. Ảnh: Minh Hưng
Đường dẫn vào ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành (Long An) đã được bê tông hóa, trồng hoa tạo cảnh quan và lắp hệ thống đèn chiếu sáng. Ảnh: Minh Hưng

Xây dựng, phát triển nông thôn thành những làng quê trù phú, văn minh, thanh bình, xanh-sạch-đẹp chính là đích đến của nông thôn mới cũng như chặng đường xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp theo. Nắm bắt thế mạnh, khắc phục khó khăn, không dừng lại những kết quả đã đạt được, nông thôn Long An đang ngày càng có nhiều làng quê có bước chuyển mình đáng kể từ thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu.  

Quả ngọt trên đất lành  

Long An hướng đến nông thôn mới nâng cao (Bài 2)  ảnh 1Thu hoạch thanh long chờ thương lái đến thu mua tại huyện Châu Thành (Long An). Ảnh: Thanh Bình

Về thăm xã Long Trì, huyện Châu Thành vào một ngày cuối tháng 10 - đúng dịp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đang hoàn chỉnh hồ sơ chuẩn bị cho việc xét công nhận Long Trì là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới, chúng tôi cảm nhận rõ sự phấn khởi, tự hào của những người dân trên vùng đất trước đây vốn nổi tiếng với đặc sản dưa hấu Long Trì và hiện nay là những vườn trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao. 

Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Trì Nguyễn Văn Minh cho biết, nằm bên trong hệ thống đê bao của con sông Vàm Cỏ Tây, Long Trì có lợi thế có thể chủ động được nguồn nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thêm vào đó, thanh long trồng trên đất huyện Châu Thành nói chung, xã Long Trì nói riêng rất thích hợp với khu vực có dạng địa hình ven sông, độ cao thấp dần về phía nội đồng, ít bị ảnh hưởng bởi lũ, đất chủ yếu là đất phù sa.

Nắm bắt lợi thế này, phát huy nội lực, Long Trì quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao trên nền tảng của xã đã sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn xã có trên 2.160 hộ dân với khoảng 8.100 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, trồng cây thanh long và phát triển chăn nuôi.

Để nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân theo định hướng chương trình tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Long An và huyện Châu Thành, gắn phát triển nông nghiệp công nghệ cao với xây dựng nông thôn mới, Long Trì hình thành các vùng sản xuất chuyên canh thanh long, khuyến khích nông dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, áp dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến vào sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (thực hành nông nghiệp tốt) và sản phẩm hữu cơ.

Toàn xã có trên 690 ha trồng thanh long, trong đó có gần 400 ha được canh tác theo tiêu chuẩn VietGap. Hợp tác xã thanh long Long Trì đã có trên 30 thành viên tự nguyện tham gia, tổ chức trồng thanh long theo chuẩn VietGap, được cung ứng các vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, thực hiện các dịch vụ liên kết, tiêu thụ sản phẩm thanh long.

Long An hướng đến nông thôn mới nâng cao (Bài 2)  ảnh 2Đường dẫn vào ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành đã được bê tông hóa, trồng hoa tạo cảnh quan và lắp hệ thống đèn chiếu sáng. Ảnh: Minh Hưng

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Trì Trần Thị Kim Xuyến, hiện nay thu nhập bình quân của người dân trong xã đã đạt trên 65,3 triệu đồng/người/năm. Mỗi hộ chỉ cần có khoảng 3.000 m2 thanh long là đã có nguồn thu nhập ổn định.

Còn các hộ không có điều kiện canh tác có thể đi làm ở các vườn thanh long, đảm nhiệm một số khâu chăm sóc, tỉa trái cho cây hay ở kho, vựa thu mua, sơ chế, chế biến thanh long ngay trên địa bàn xã, với mức thu nhập khoảng 300.000- 500.000 đồng/ngày.

Thu nhập người dân đạt ở mức cao, diện mạo làng quê Long Trì cũng có rất nhiều khởi sắc. Dọc theo những tuyến đường trục ấp hay đi vào từng ngõ xóm, thành viên các tổ hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân trồng và chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên cho những khóm hoa ven đường luôn rực rỡ sắc màu, tạo nét đẹp rất riêng cho làng quê.

Hiện nay tại xã Long Trì, toàn bộ tuyến đường trục xã đã được bê tông hóa với bề mặt đường rộng từ 3,5 - 6m, nhựa hóa các tuyến trục ấp, bê tông hóa 15 tuyến đường ngõ xóm. Trên các tuyến đường giao thông không có hiện tượng xả rác thải bừa bãi. Hệ thống kênh mương nội đồng được vệ sinh, nạo vét thường xuyên. Hội viên nông dân trong xã tự giác thực hiện phân loại rác tại nguồn, không để xảy ra tình trạng các vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bị vứt bừa bãi ra môi trường. 

Trò chuyện với chúng tôi ngay bên vườn thanh long ước tính chỉ khoảng 10 ngày nữa sẽ cho thu hoạch, lão nông Nguyễn Văn Vĩnh nói: "Nông thôn mới là làng quê đẹp hơn, người dân có cuộc sống khấm khá hơn, sản xuất cũng bớt vất vả hơn nhờ ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất. Giờ chỉ cần qua điện thoại thông minh kết nối 3G với thiết bị cảm biến đo độ ẩm, dinh dưỡng đặt tại vườn, dù ngồi ở nhà hay có đi đâu xa, tôi vẫn biết được vườn thanh long đang thiếu gì để có thể điều khiển thiết bị tưới phù hợp. Vừa qua dịch COVID-19 kéo dài cũng gây ảnh hưởng nhiều đến việc thu mua, sản xuất thanh long. Giờ dịch bệnh đã được kiểm soát, hy vọng thị trường tiêu thụ thanh long sẽ ổn định, phát triển trở lại, nông dân yên tâm sản xuất hơn ".

Long An hướng đến nông thôn mới nâng cao (Bài 2)  ảnh 3Vườn thanh long 6.000m2 ứng dụng công nghệ cao của ông Nguyễn Văn Vĩnh tại ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Minh Hưng

Kỳ vọng từ làng nghề gắn với phát triển du lịch 

Thuộc địa bàn vùng Đồng Tháp Mười của Long An, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa từng là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014. Phát huy những kết quả đã đạt được, giờ đây Tân Tây tiếp tục là xã tiên phong, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Thạnh Hóa.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Tây Phạm Thị Mỹ Phụng, UBND xã đã phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện, tạo được sự đồng lòng của người dân.

Xây dựng xã nông thôn mới phát triển đồng bộ, toàn diện theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hóa, cải thiện đáng kể về đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Chú trọng phát triển sản suất, xã xác định thế mạnh, tạo thuận lợi để người dân chuyển diện tích canh tác lúa trước đây hiệu quả kinh tế không cao sang trồng hoa mai, cây khóm (dứa) và  khoai mỡ. Nhờ vậy, hiện bình quân thu nhập của người dân Tân Tây đã đạt gần 56 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo trong xã chỉ còn 0,82%.

Quyết tâm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, xã Tân Tây tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí, đặc biệt là phát triển làng nghề trồng mai Tân Tây gắn với từng bước quy hoạch để phát triển gắn với du lịch sinh thái, tham quan làng nghề. 

Ông Nguyễn Kinh Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới huyện Thạnh Hóa cho biết, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới nâng cao, làng nghề trồng mai xã Tân Tây đã được tỉnh công nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho những bước phát triển mới.

UBND huyện Thạnh Hóa chọn thí điểm mô hình làng mai Tân Tây để phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo diện mạo mới cho xã nông thôn mới nâng cao ở vùng Đồng Tháp Mười trong thời gian tới. 

Gắn phát triển làng nghề với du lịch sinh thái ở xã nông thôn mới vùng Đồng Tháp Mười, tại Tân Tây, việc phát triển làng nghề trồng mai hiện có sẽ được kết hợp hài hòa với tổ chức quy hoạch, bố trí các điểm trải nghiệm ấn tượng cho du khách đến tham quan mà không làm xáo trộn đời sống của người dân địa phương, không làm mất đi bản sắc văn hóa hay phong cảnh làng quê yên bình với những con kênh, vườn mai, ruộng khóm hay ruộng khoai mỡ xanh rờn.

Long An hướng đến nông thôn mới nâng cao (Bài 2)  ảnh 4Ruộng mai 5 tháng tuổi mới lên liếp tại Làng mai Tân Tây, sau 3 năm sẽ được tạo dáng để tăng giá trị. Ảnh: Minh Hưng

Dẫn khách đến tham quan vườn mai đã có thương lái trả giá gần 5 tỷ đồng để mua trọn cả vườn, sau đó tiếp tục hoàn thiện và dự kiến đưa ra thị trường dịp Tết Nguyên đán 2022, lão nông Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng ban Quản lý làng nghề trồng mai Tân Tây tự hào cho biết: Chất đất thổ nhưỡng phù hợp nên cây mai được trồng ở Tân Tây luôn có bộ rễ rất đẹp, màu vàng óng, có những thế rất độc đáo, cánh hoa lớn, màu vàng tươi. Có được như vậy là do những năm gần đây, người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi một số ruộng trồng lúa, trồng tràm hiệu quả kinh tế thấp sang trồng mai với diện tích hơn 260 ha. Với mỗi ha trồng hoa mai, sau 3- 4 năm, người trồng có thể thu về lợi nhuận xấp xỉ cả tỉ đồng.

Do vậy, để tạo bước phát triển mới trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, người trồng mai ở làng nghề Tân Tây mong muốn đề án phát triển làng trồng hoa mai Tân Tây gắn với du lịch được triển khai thuận lợi để miền quê trên vùng Đồng Tháp Mười không chỉ nổi tiếng với những đặc sản như  khoai mỡ, khóm thơm, hoa mai vàng mà trong tương lai gần sẽ còn là điểm đến du lịch sinh thái thu hút nhiều du khách./. (Còn nữa)

Bùi Giang - Thanh Trà - Hưng Bình 
Bài cuối: Hành trình không có điểm dừng

(Báo ảnh DT&MN/TTXVN)

Có thể bạn quan tâm