Long An hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp, nông thôn

Long An hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp, nông thôn
Nạo vét bùn trên kênh chính Tây thuộc hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
 Nạo vét bùn trên kênh chính Tây thuộc hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng.
Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Các công trình thủy lợi được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống đê bao, cống bọng, hệ thống kênh mương các cấp, trạm bơm nhằm tăng cường khả năng lấy và tiêu nước, kiểm soát mặn hữu hiệu. Nhờ đó, tạo thế đưa nước giàu phù sa từ sông Tiền vào sâu nội đồng, tiêu chua rửa phèn; cải tạo đất, cải tạo môi trường nước và vệ sinh đồng ruộng. Ngành nông nghiệp tăng cường khả năng cấp nước từ sông Tiền sang sông Vàm Cỏ Tây thông qua nạo vét, mở rộng các trục tiếp nước qua vùng Đồng Tháp Mười gồm các kênh: Sở Hạ - Cái Cỏ, Tân Thành - Lò Gạch, Hồng Ngự, An Phong - Mỹ Hòa - Bắc Đông, Nguyễn Văn Tiếp - Rạch Chanh, Bảo Định. Nguồn nước ngọt từ hồ Dầu Tiếng qua kênh Đông -  Củ Chi được tận dụng tối đa để chủ động tưới cho huyện Đức Hòa và cấp nước cho dân sinh, công nghiệp; một phần nước qua sông Vàm Cỏ Đông tạo điều kiện chủ động trữ nước kiểm soát mặn trên sông Vàm Cỏ Đông... Tỉnh cũng ưu tiên xây dựng tuyến kiểm soát lũ kênh Tân Thành - Lò Gạch để kiểm soát lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười. Song song với đó, xây dựng hệ thống bờ bao kiểm soát lũ sớm để đảm bảo sản xuất an toàn giai đoạn đầu mùa lũ; nạo vét hệ thống kênh trục, kênh cấp 1 kết hợp với đắp đê bao làm đường giao thông; nạo vét, cải tạo hệ thống kênh nội đồng để phục vụ tiêu thoát lũ và tưới cho sản xuất nông nghiệp…
Tuyến dân cư vượt lũ bên cạnh những con kênh đào ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: Lê Minh
Tuyến dân cư vượt lũ bên cạnh những con kênh đào ở huyện Thạnh Hóa,
tỉnh Long An. Ảnh: Lê Minh
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, ngành nông nghiệp đã xây dựng và ban hành quy trình vận hành các công trình thủy lợi đồng bộ trên địa bàn nhằm nâng cao công tác quản lý và khai thác hiệu quả. Mô hình tưới tiết kiệm, rút nước mặt ruộng trong canh tác lúa cũng được nhân rộng. Cùng đó, phương pháp tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa cho các vùng cây thanh long, cây chanh, đậu phộng, rau màu tại các vùng chuyên canh đã giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nước, giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, đầu tư kinh phí để thay đổi chế độ vận hành một số cống từ tự động sang cưỡng bức để tranh thủ lấy được nguồn nước ngọt thiết yếu trong biến đổi ngọt - mặn của một con triều. Long An cũng đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt lớn tại các vùng Đồng Tháp Mười nhằm cắt lũ trong mùa mưa bão, đồng thời tích lũy đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp vào mùa khô, ứng phó tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Tỉnh cũng tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây con để thích nghi với từng vùng sản xuất theo quy hoạch phát triển nông - lâm - ngư nghiệp và kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đối với vùng ngập sâu, tỉnh bố trí công trình kiểm soát lũ với nhiệm vụ bảo vệ chống ngập đầu vụ, bảo đảm thu hoạch vụ hè thu. Những loại cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi với hoàn cảnh ngập lụt được đưa vào trồng. Những vùng sản xuất hai vụ lúa thì áp lực kiểm soát lũ không còn là nỗi lo lớn. Đáng chú ý, tỉnh tranh thủ các nguồn tín dụng nước ngoài, khoản vay lãi suất ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế... để đầu tư hạ tầng thủy lợi. Môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính được cải thiện, nhất là việc thẩm định xét duyệt các dự án đầu tư nước ngoài nhằm rút ngắn thời gian cấp phép vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi. Hệ thống thủy lợi Long An hiện đã phát triển và phục vụ sản xuất cho gần 300.000 ha cây trồng, vật nuôi các loại. Tỉnh đã xây dựng được 352 tuyến đê kiểm soát lũ với tổng chiều dài 1.417 km và 491 bờ bao lửng dài 2.406  km bảo vệ an toàn cho vụ lúa Hè Thu. Các công trình thủy lợi đã từng bước đầu tư để đáp ứng yêu cầu cấp nước tưới chủ yếu cho sản xuất lúa, bắp và rau luân canh trên đất lúa, chuyên màu các loại. Các bờ bao kiểm soát lũ cả năm và kiểm soát lũ tháng 8 đối với 5 huyện vùng Đồng Tháp Mười được coi trọng đầu tư đã phát huy tác dụng khá tốt.
Trần Hữu Hiếu

Có thể bạn quan tâm