Lợi ích nhân ba từ mô hình xử lý chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ

Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi tại huyện Khoái Châu. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN
Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi tại huyện Khoái Châu. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí tốn kém cho việc tiêu hủy chất thải, biến chất thải nguy hại thành sản phẩm phân bón sạch cho nguồn thu lớn... là lợi ích kép từ mô hình xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ, đang thu hút nhiều nông dân ở Hưng Yên áp dụng.

Lợi ích nhân ba từ mô hình xử lý chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ ảnh 1 Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi tại huyện Khoái Châu. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN

 Một công nhỏ

Đây là mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên triển khai tại các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên... với hơn 70 mô hình tại các trang trại chăn nuôi lợn và trâu, bò. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 30% kinh phí (tương đương 25 triệu đồng) mua lắp máy, được hỗ trợ 4 triệu đồng để xây dựng bể trước và bể sau Biogas (thể tích trên 8m3) và được cấp men vi sinh, bạt che phủ.

Mô hình được xử lý bằng công nghệ ép tách phân. Chất thải từ các chuồng nuôi được dồn xuống bể. Khi máy vận hành sẽ hút chất thải này, tách và ép chất thải thành nước và phân hữu cơ riêng biệt. Phân hữu cơ khô kiệt được đẩy trực tiếp ra ngoài, còn nước thải đổ xuống một bể khác để xử lý.

Đối với chăn nuôi lợn, chất thải không đưa ngay vào hầm bioga mà đưa ra bể trước bioga để các chất rắn được giữ lại, ép khô và ra ngoài để xử lý riêng. Đối với chăn nuôi trâu bò, phân thải được đưa ra bể chứa sau bioga rồi dùng men vi sinh trộn đều ủ kín thành phân hữu cơ.

Lượng phân sau khi được tách ra dùng men vi sinh rắc đều theo liều lượng, sau đó cho vào bao hoặc dùng bạt ủ kín sau một thời gian tạo ra lượng phân bón sạch và chất lượng. Còn lượng nước theo đường riêng vào hầm bioga để xử lý tiếp thành nước tưới không ô nhiễm.

Ông Nguyễn Hữu Tân, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ cho biết, từ công nghệ này đơn giản và tiện ích này, sau khi thu được 2 sản phẩm phân hữu cơ khô và nước thải, dùng men vi sinh để ủ phân và xử lý nước. Trong đó, phân khô dùng men vi sinh trộn đều với tỷ lệ thích hợp, ủ trong 3 đến 4 tuần sẽ tạo ra sản phẩm phân hữu cơ chất lượng cao, không mùi, giàu dinh dưỡng bón cây dễ hấp thu. Với nước thải, sử dụng men vi sinh trong 1 tuần sẽ giúp xử lý nước thải không còn mùi có thể sử dụng tưới trực tiếp cho cây hoặc nuôi cá.

Theo các hộ chăn nuôi ở xã Đức Hợp (huyện Kim Động), quy trình ép tách này không cần bể chứa phân lớn. Sau khi ép tách xong lượng bã thu lại còn nước chảy vào Biogas. Do vậy tiết kiệm rất nhiều diện tích so với các trang trại sử dụng bể biogas bạt hàng trăm m3. Hơn nữa, quy trình này rất đơn giản nên chỉ cần 1 nhân công làm việc, điều khiển trong vòng 2 tiếng là có thể xử lý sạch sẽ. Đây cũng là công nghệ hiện đại, nhanh gọn, ít tốn diện tích, hiệu quả nhất đối với các trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện nay.

Ba lợi ích lớn

Theo ông Lương Văn Cao, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên, với một trang trại với quy mô 300 đầu lợn mỗi năm thải ra 54 tấn chất thải rắn. Nếu sử dụng máy tách phân, sẽ thu được khoảng 35 tấn phân bón hữu cơ chất lượng cao sau khi đã được ủ men vi sinh. Với giá bán 1.200 đồng/kg phân sẽ cho doanh thu khoảng 42 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 20 triệu đồng. Với trang trại có quy mô lớn trên 1.000 con thì thu nhập trên 60 triệu đồng/năm 2.000 lợn là 120 triệu đồng/năm.

Tại trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Vẻ ở thị tứ Bô Thời, xã Hồng Tiến (Khoái Châu) thường xuyên có 2.000 con lợn thịt, trung bình một ngày thải ra từ 3 - 4 tấn chất thải. Trước đây khi chưa dùng máy tách phân, ông Vẻ phải lắp đặt 6 bể biogas với công suất lớn nhưng vẫn không xuể, mỗi năm phải thuê 4 lần hút chất thải trong bể Biogas, chi phí hết trên 20 triệu đồng mà vẫn ô nhiễm.

Lợi ích nhân ba từ mô hình xử lý chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ ảnh 2 Dự án đã thực hiện được hơn 70 mô hình tại các trang trại chăn nuôi lợn và trâu, bò. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN

Ông Vẻ hào hứng chia sẻ, với công nghệ dùng máy tách phân, chất thải rắn được tách ra bên ngoài, phần đưa vào bể Biogas là nước thải nên sẽ giảm tải tối đa các chất cặn bã. Từ khi sử dụng công nghệ máy tách phân, không phải hút nên vừa tiết kiệm, vừa có phân sạch để bán, mỗi năm lời thêm gần 200 trăm triệu đồng.

Ông Trần Văn Mỳ ở thôn Bông Ngoại, xã Đức Hợp (Kim Động) cho biết, trung bình mỗi ngày trang trại 3.000 con lợn của gia đình ông thải ra 5 - 6 tấn chất thải. Mỗi năm, riêng công dọn phân tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Từ khi xử lý bằng máy tách phân, không mất tiền dọn dẹp mà mỗi ngày còn thu được khoảng 1,2 tấn phân khô, nhỏ mịn, tơi xốp như mùn cưa, mỗi tháng có thêm khoản thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng.

Các hộ chăn nuôi ở các huyện Phù Cừ, Kim Động, Khoái Châu đều đánh giá cao và khẳng định, việc xử lý chất thải từ máy tách phân chỉ mất một công nhưng mang lại 3 lợi ích lớn: môi trường không ô nhiễm nên đàn vật nuôi sạch bệnh, tiết kiệm chi phí cho việc dọn chất thải mòỗi năm tốn kém từ 25 - 35 triệu đồng, chất thải không bị lãng phí mà được tận dụng tạo thành sản phẩm mang lại nguồn thu lớn hàng trăm triệu đong/năm. Đây cũng là công nghệ chế biến phân hữu cơ chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường về sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Mai Ngoan

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm