Lợi ích kép từ việc trồng rừng tại Hà Giang

Lợi ích kép từ việc trồng rừng tại Hà Giang

Đẩy nhanh tiến độ trồng rừng không những giúp tăng tỉ lệ che phủ rừng mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân từ phát triển kinh tế rừng ở Hà Giang. Nếu như năm 2018, tỉ lệ che phủ rừng của tỉnh Hà Giang đạt trên 51%, thì đến tháng 8/2021, tỉ lệ che phủ rừng của Hà Giang đã đạt trên 58%. Tính đến ngày 16/8/2021, toàn tỉnh Hà Giang đã trồng được 5.179 ha rừng, trong đó diện tích trồng mới là 2.115 ha, diện tích trồng sau khai thác là 3.064 ha. Diện tích trồng cây phân tán trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 1.362 ha.

Xác định phát triển rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người và môi trường, trong những năm gần đây, phát triển rừng còn là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương.

Quang Bình là huyện nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang, có lợi thế về phát triển rừng kinh tế. Năm 2021, tổng diện tích rừng trồng tập trung theo kế hoạch là 2.330 ha, đến nay huyện Quang Bình đã trồng được 1.913 ha. Trong đó, rừng trồng sau khai thác là 1.428 ha, rừng trồng mới là 485 ha.

Lợi ích kép từ việc trồng rừng tại Hà Giang ảnh 1Người dân xã Bằng Lang (huyện Quang Bình) tích cực trồng rừng kinh tế. Ảnh: baohagiang.vn

Những năm gần đây, việc trồng rừng và bảo vệ rừng không chỉ là mục tiêu tăng tỉ lệ che phủ rừng mà còn là tiêu chí phát triển bền vững trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở Quang Bình bởi rừng là nguồn sinh kế, thu nhập của người dân.

Gia đình ông Lê Thành Nam, thôn Thượng Bằng, xã Bằng Lang, huyện Quang Bình (Hà Giang) có hơn 12 ha đất rừng trồng, triển khai trồng cây keo lấy gỗ từ năm 2012, đến năm 2020, sau 8 năm thu hoạch trên 100 trệu đồng/ha. “Cây keo không mang lại hiệu quả ngay, những sau 8 năm thì mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác. Người dân trong vùng thấy được hiệu quả việc phát triển kinh tế từ rừng nên tham gia ngày càng đông. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn trồng rừng để phát triển kinh tế” - ông Nam chia sẻ.

Nhằm triển khai hiệu quả công tác trồng rừng và phát triển kinh tế từ rừng, ngoài việc thực hiện các chính sách của Nhà nước trong quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh Hà Giang còn hỗ trợ người dân trồng rừng với mức hỗ trợ trồng rừng ở các huyện vùng thấp là 5 triệu/ha, huyện vùng cao được hỗ trợ 7 triệu/ha.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết: Để thực hiện tốt công tác phát triển rừng trong những năm tới, Sở đã tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành các Nghị quyết về phát triển rừng bền vững, trong đó tập trung phát triển đồng bộ, toàn diện, từ việc trồng rừng tới việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển, gắn phát triển kinh tế rừng với phát triển du lịch sinh thái. Để thực hiện hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến xã. Đồng thời, thông qua các chính sách khuyến khích phát triển và bảo vệ rừng, vận động người dân tham gia trồng rừng, phát triển kinh tế từ rừng, từ đó từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân về quản lý và bảo vệ rừng. Phấn đấu tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 60% trong năm tới”.

Những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác trồng rừng, đặc biệt là phát triển rừng kinh tế đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác trồng rừng đã góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng cao độ che phủ rừng, hạn chế lũ quét, chống xói mòn và rửa trôi đất canh tác… Hà Giang đã xác định phát triển công tác trồng rừng là một chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, đó cũng chính là cở sở để phát triển rừng kinh tế một cách hiệu quả và bền vững.

Nguyễn Chiến

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm