Lợi ích kép từ mô hình trồng sen ở vùng thấp trũng

Lợi ích kép từ mô hình trồng sen ở vùng thấp trũng

Các mô hình trồng sen ở vùng thấp trũng của tỉnh Quảng Trị đang mang lại lợi ích kép khi vừa cho hiệu quả kinh tế cao vừa giải quyết được vấn đề ruộng đồng bị bỏ hoang do thường xuyên bị ngập nước.

Những ngày đầu tháng 6/2020, nhiều hộ trồng sen ở tỉnh Quảng Trị đã vào vụ chính thu hoạch sen. Những đồng ruộng, đầm, ao, hồ trồng sen hoa sen đua nở, khoe sắc thu hút nhiều du khách đến tham quan. Triệu Phong là huyện trồng nhiều sen nhất tỉnh Quảng Trị với trên 100 ha sen lấy hạt kết hợp nuôi cá, làm du lịch cộng đồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã như: Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Thượng, Triệu Hòa...

Lợi ích kép từ mô hình trồng sen ở vùng thấp trũng ảnh 1Mô hình trồng sen lấy hạt đang mang lại hiệu quả. Ảnh: baoquangtri.vn

Tại các địa phương này, sen được trồng chủ yếu ở những vùng thấp trũng như: đồng ruộng, đầm, ao, hồ thường xuyên ngập sâu trong nước. Sen trồng một vụ/năm, bắt đầu từ tháng 2 hàng năm và đến khoảng tháng 5 là cho thu hoạch. Thời gian sen cho thu hoạch kéo dài đến 3 tháng. Theo đại diện UBND xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, hiện nay, hạt sen tươi được thương lái thu mua với giá dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ha sen cho sản lượng khoảng 2 tấn/vụ, doanh thu từ 80 - 100 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, người trồng sen có lãi khoảng 60 - 70 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với các cây trồng khác. Trong khi đó, hạt sen có đầu ra, giá cả ổn định và được thị trường ưa chuộng.
Ở tỉnh Quảng Trị, mô hình trồng sen đã được nhận rộng ra các huyện Hải Lăng, Cam Lộ, Vĩnh Linh và thành phố Đông Hà. Mỗi địa phương đã trồng được hàng chục ha sen ở vùng thấp trũng. Tại một số địa phương như: thành phố Đông Hà, huyện Hải Lăng…, nhiều hộ trồng sen vừa để lấy hạt, vừa làm du lịch cộng đồng. Theo đó, khi sen ra hoa, người trồng có thể bán hoa sen tươi; đồng thời tạo thêm cảnh quan để thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh và thưởng thức trà sen, chè sen.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, các mô hình trồng sen được nhân rộng là do loại cây trồng này rất phù hợp với vùng thấp trũng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, ít vốn đầu tư, năng suất ổn định và sản phẩm dễ tiêu thụ. Việc trồng sen ở vùng thấp trũng ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao, còn giúp khai thác hiệu quả những diện tích ruộng, hồ, ao, đầm thường xuyên bị ngập nước; tạo vẻ đẹp cho cảnh quan vùng nông thôn.

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm