Lồ ô trong đời sống vùng Tây Nguyên

Lồ ô trong đời sống vùng Tây Nguyên
Lồ ô được dân làng dùng để làm cây nêu phải cao, to, thẳng; những cây cụt ngọn hay cong là điều tối kỵ với họ. Trong lễ hội, cây nêu là biểu tượng trục tâm linh, là nơi đi về của các Yàng (các vị thần), ngoài ra nó còn được ví là trục vũ trụ, giúp con người có thể bắc nhịp cầu tâm linh để tiếp cận với các đấng thần linh và cõi ông bà tổ tiên.
 
Các nhạc cụ đều được làm bằng ống lồ ô.
Các nhạc cụ đều được làm bằng ống lồ ô. 


Để có kiến trúc hoàn chỉnh của nhà rông, thể hiện sự phát triển kinh tế-xã hội từng thời kỳ, nơi tổ chức các lễ hội lớn của cộng đồng, các nghi lễ đa thần của người Bahnar, Jrai, lồ ô đóng vai trò quan trọng góp phần xây dựng.

Nhà mồ, hàng rào quanh nhà mồ nơi người ta tổ chức lễ bỏ mả-một trong những lễ và hội lớn và quan trọng nhất của người Bahnar, Jrai cũng không thể thiếu cây lồ ô.

Trong đời sống hàng ngày, nhiều vật dụng của bà con thường sử dụng vật liệu lồ ô, như bức phên che quanh nhà, chiếc gùi để người phụ nữ đựng vật dụng, lên rẫy lấy măng, đựng bầu nước, rổ rá, sàng sảy lúa gạo, cán cuốc, hay mũi tên, cần rượu… Ngày nay mặc dù các vật dụng hiện đại, tiện lợi, giá rẻ có thể mua dễ dàng nhưng nhiều hộ gia đình vẫn thích dùng ống lồ ô để đựng nước. Khi lên rẫy chúng ta thường thấy thấp thoáng những chiếc chòi nho nhỏ để nghỉ chân sau khi lao động, họ đã sử dụng lồ ô khoảng 95%, còn lại là cỏ tranh làm mái. Đặc biệt, trong văn hóa ẩm thực của người Bahnar, Jrai thì lồ ô là phương tiện, vật dụng góp phần làm nên nhiều món ăn ngon, như: cơm lam, thịt nướng ống lồ ô, thịt nướng xiên tre…

Trong cuộc sống vật chất, cây lồ ô đem lại rất nhiều lợi ích nên bà con người Bahnar, Jrai rất có ý thức bảo vệ. Cứ mỗi mùa mưa về, măng non phát triển mạnh, ngày ngày lên rừng hái măng để cải thiện bữa ăn cũng như trao đổi hoặc mua bán, bà con chỉ hái những mầm măng non, những cây măng đã cao thì để lại không bao giờ bẻ. Đồng thời, chỉ chặt những cây già cho công việc họ cần, không chặt bừa bãi, để chúng phát triển và phục vụ cho những lần tiếp theo.

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em người Bahnar, Jrai đã được đắm chìm trong âm thanh của những loại nhạc cụ chế tác từ cây lồ ô rất phổ biến: klông put, sáo, t’rưng. Có hai loại đàn t’rưng đều sử dụng giải trí và để đuổi chim thú trên rẫy, nhưng một loại được buộc ở suối, lấy sức nước làm tác nhân phát ra âm thanh, một loại do con người tự trình tấu.

Lồ ô gắn liền với đời sống, vật chất và tinh thần của người Tây Nguyên. Nó là người bạn vô cùng thân thiết không thể thiếu trong cộng đồng buôn-làng.
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm