Nhân kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước:

"Lính" thông tấn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (Bài 3)

"Lính" thông tấn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (Bài 3)
Bài 3: Hòa cùng niềm vui đại thắng

Đêm 30/4/1975, hầu hết những phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã tham gia các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn đã hội quân đầy đủ trong niềm xúc động vô bờ của ngày vui đại thắng. Đội ngũ phóng viên thông tấn tiếp tục lan tỏa những niềm vui đó đến đông đảo đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế những hình ảnh, câu chuyện sinh động.

Tác nghiệp trong lòng Sài Gòn

May mắn có mặt trong đoàn quân chiến thắng, chứng kiến những giây phút lịch sử của đất nước, Nhà báo Thanh Bền, nhớ lại: “Chiều 30/4/1974, cùng với “Đoàn Y4”, Tổ Thông tấn xã Giải phóng chúng tôi đến ngã tư Bảy Hiền, các anh Chín Thép (Thân Đào), cán bộ Thành Đoàn dẫn về nhà cha mẹ anh ở đường Tự Đức đi ra đường Cộng Hòa (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi) quận Phú Nhuận. Sau sự mừng vui gia đình hội ngộ bất ngờ, xúc động trong nước mắt mừng, anh Chín Thép lái xe Vespa chở tôi một vòng qua ngã tư khu dệt Bảy Hiền, sân bay Tân Sơn Nhất, lên Quận 5, đường Trần Hưng Đạo, khu người Hoa, khu Đài Phát thanh Sài Gòn, qua Tổng Nha Cảnh sát, về lại Phú Nhuận.

Tới phiên làm việc 8 giờ tối 30/4/1975, Tổ Thông tấn xã Giải phóng đã kịp điện bài đầu tiên cho Tổng xã Thông tấn xã Giải phóng ở R, đồng chí Tổng Giám đốc Đào Tùng duyệt trực tiếp bài “Sài Gòn sau vài giờ giải phóng”. “Trên sân thượng nhà anh Chín Thép, tôi vừa viết xong trang nào, xé sổ đưa cho báo vụ điện ngay, không kịp dò lại. Các anh Thiêm, Chức xoay trần thay nhau quay ragono. Mồ hôi nhỏ giọt xuống ragono nghe xèo! Xèo. Các đồng chí Tiệp, Mến tranh nhau điện tin. Tiếng tít – te – tít giòn tan như bản nhạc mừng đại thắng”.

Phóng viên Hứa Kiểm của Thông tấn xã Việt Nam gặp gỡ quần chúng nhân dân Sài Gòn để đưa tin, ảnh về thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN
Phóng viên Hứa Kiểm của Thông tấn xã Việt Nam gặp gỡ quần chúng nhân dân Sài Gòn để đưa tin, ảnh về thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN

Sang ngày 1/5/1975, tổ công tác đi vài địa điểm khác tại Sài Gòn và Nhà báo Thanh Bền tiếp tục phát bản tin vào sáng hôm đó, với tựa đề “Sài Gòn, 1 tháng 5”. Bài báo này được Báo Nhân Dân đăng lại với tít “1 tháng 5, Sài Gòn”. Chiều 1/5/1975, tổ công tác về địa điểm hội quân là trụ sở Việt Tấn xã cũ (116-118 đường Hồng Thập Tự, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), đã được Thông tấn xã Giải phóng tiếp quản vào 15 giờ 30 ngày 30/4/1975.

Nhà báo Hà Huy Hiệp (nguyên Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh) kể lại: "Đến 29/4/1975, tôi lại là điện báo viên teletype duy nhất của Thông tấn xã Giải phóng được lệnh lên đường trong đoàn do Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân dẫn đầu đi tiếp quản Sài Gòn. Chiều 30/4/1975, đoàn đã có mặt tại l16 Hồng Thập Tự, trụ sở của Việt Tấn xã của chính quyền Sài Gòn. Trong bộn bề công việc của công tác tiếp quản, các cán bộ kỹ thuật đã nỗ lực, khẩn trương lắp đặt máy móc, thiết bị để một thời gian ngắn sau đó, các dòng tin từ Sài Gòn của Thông tấn xã Giải phóng được truyền ra Việt Nam Thông tấn xã ở Hà Nội bằng teletype".

Ghi lại những thời khắc lịch sử

Với nhiệm vụ của mình, rất nhiều phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng đã trở thành những phóng viên - chiến sỹ thông tin đầu tiên có mặt giải phóng Sài Gòn, ghi lại những khoảng khắc lịch sử của dân tộc.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc, nguyên phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam, nhớ lại: Tới ngày 30/4/1975, khi đoàn tới khu vực Bà Hom (Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ), nhận được tin ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, mọi người trong đoàn ôm nhau khóc, người dân xung quanh vẫy chào Đoàn quân giải phóng. Lúc ấy, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc là người đã chụp nhiều tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc xúc động ấy. Sau này, trong một lần trả lời phỏng vấn, Nhà báo Đỗ Phượng (nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) đã chia sẻ, ông đã cầm những tấm ảnh mà Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc chụp được sự chào đón, niềm vui của nhân dân Sài Gòn khi giải phóng cho Tổng Bí thư Lê Duẩn xem và được Tổng Bí thư đánh giá rất cao.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc, nguyên phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu bức ảnh Tổng thống Dương Văn Minh khi được trả tự do vào ngày 3/5/1975. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc, nguyên phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu bức ảnh Tổng thống Dương Văn Minh khi được trả tự do vào ngày 3/5/1975. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

Giờ đây, cầm trên tay những bức ảnh ghi lại những trang sử hào hùng của dân tộc qua ống kính của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc, chúng tôi cảm nhận được phần nào niềm vui khôn tả của Ngày giải phóng đất nước. Trong những bức ảnh ấy, đáng chú ý là tấm ảnh chụp Tổng thống Dương Văn Minh hai tay để trên bục, cúi đầu đọc lời cảm ơn Chính phủ cách mạng khi được trả tự do vào ngày 3/5/1975. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc chia sẻ: “Đây là bức ảnh nổi tiếng vào thời điểm đó, được báo chí quốc tế sử dụng ngay sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ. Tôi tự hào vì chụp được một thời khắc quý giá”.

Trong số những phóng viên Thông tấn xã đầu tiên vào đến Sài Gòn và có mặt tại Dinh Độc Lập trong những giờ đầu giải phóng, có các phóng viên Trần Mai Hưởng, Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, Vũ Tạo, Ngọc Đản, đi cùng các mũi tiến công của Quân đoàn II vào Sài Gòn. Bên cạnh đó là các phóng viên theo Đoàn tiếp quản từ rừng ra như Trần Mai Hạnh, Văn Bảo và các đồng chí phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Nguyễn Đức Giáp, Nguyễn Toàn Phong. Sau này, phóng viên Lâm Hồng Long đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Trong bài viết "Hồi ức về một mùa Xuân" trong cuốn sách "Tiếp bước truyền thống vẻ vang", Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, tác giả bức ảnh nổi tiếng về chiếc xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập, viết: “Chúng tôi bám sát đội hình hành quân, tiến vào trung tâm thành phố. Sài Gòn đây rồi! Đường Lê Văn Duyệt rộng là thế, bay giờ như nhỏ lại, không đủ sức chứa cả đoàn quân. Đồng bào đổ kín ra hai bên đường phố. Những lá cờ cách mạng, được chuẩn bị âm thầm bao lâu nay trong từng ngôi nhà, giờ tung bay trong nắng. (…) Khi chúng tôi tiến vào Tổng dinh, một nhà báo phương Tây nhận ra các đồng nghiệp đã tung một chiếc máy ảnh lên trời tỏ ý vui mừng. Boris Gannep, một nhà báo Đức làm việc cho tờ Tiến bộ, nói với tôi: Tôi chờ ngày này đã lâu. Thật là một thắng lợi kỳ diệu!”.

Phóng viên TTXVN Trần Mai Hưởng có mặt kịp thời và chụp được khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn hai thập niên (1954 - 1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Trần Mai Hưởng - TTXVN
Phóng viên TTXVN Trần Mai Hưởng có mặt kịp thời và chụp được khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn hai thập niên (1954 - 1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Trần Mai Hưởng - TTXVN

Nhớ về những giờ phút tác nghiệp trong ngày 30/4 lịch sử đó, Nhà báo Trần Mai Hưởng cho biết: Sau khi đã ghi lại hình ảnh và tư liệu tại Dinh Độc Lập vào một thời điểm lịch sử, tôi cùng Nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo, mượn chiếc xe còn tốt của Phó Tư lệnh Quân đoàn II, Tướng Hoàng Đan, đi tới các nơi khác trong thành phố: Đại sứ quán Mỹ trên đường Thống Nhất - Mạc Dinh Chi tan hoang, còn nguyên dấu vết của một cuộc rút chạy tán loạn. Tại Phủ Thủ tướng ngụy Sài Gòn, giấy tờ, con dấu vứt bừa bãi dưới sàn. Trụ sở Bộ Quốc phòng ngổn ngang hàng chục xe Jeep đủ loại. Tổng Nha Cảnh sát đầy ấp súng ống. Văn phòng Tướng Cao Văn Viên tại Bộ Tổng tham mưu còn cả những mẩu bánh mỳ ăn dở vứt trên bàn. Chúng tôi qua chợ Bến Thành, qua bến Nhà Rồng, đi dọc đường Nguyễn Huệ... Đâu đâu cũng gặp những biển người sôi động, niềm vui, nụ cười và cả những giọt nước mắt mừng vui. Cả thành phố thực sự sống trong một ngày hội lớn.

“Chúng tôi trở về Dinh Độc Lập vào lúc cuối chiều và ngồi viết bài tường thuật của mình. Khi tôi hoàn thành bài viết, màn đêm cũng đã buông xuống. Cả Sài Gòn sáng ánh điện. Những trái pháo sáng - một thứ pháo hoa đặc biệt– vọt lên và tỏa sáng trên bầu trời thành phố. Đêm ấy, cả Sài Gòn cũng như mọi miền đất nước Việt Nam, là một đêm không ngủ”, Nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại.

Có thể nói, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã luôn bám sát các đơn vị chủ lực để thông tin nhanh về các trận đánh, tình hình chiến trường, các bước tiến quân như vũ bão của bộ đội, tiếp quản các vùng giải phóng… Nhờ vậy, phóng viên Thông tấn xã đã kịp thời ghi lại thời khắc lịch sử, với những bức ảnh nổi tiếng như “Xe tăng chiếm dinh Độc lập” của phóng viên Trần Mai Hưởng chụp được khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, hay như tác phẩm “Mẹ con ngày gặp mặt” của phóng viên Lâm Hồng Long, sau này được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh...

“Mẹ con ngày gặp mặt – Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) lĩnh vực Văn học – Nghệ thuật. Ảnh: Lâm Hồng Long - TTXVN
“Mẹ con ngày gặp mặt – Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) lĩnh vực Văn học – Nghệ thuật. Ảnh: Lâm Hồng Long - TTXVN

Trong những ngày lịch sử này, cùng với hàng loạt tin, bài chuyển theo đường morse, teletype, hàng ngàn tấm ảnh màu và đen trắng được chuyển thẳng về Tổng xã Việt Nam thông tấn xã ở Hà Nội theo đường máy bay và telephoto, không chỉ kịp thời báo cáo với Trung ương và đáp ứng nhu cầu của các cơ quan thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài, hoàn thành vẻ vang trách nhiệm của một hãng thông tấn trong chiến tranh cách mạng.

Lực lượng phóng viên tin, ảnh của Việt Nam Thông tấn xã, Thông tấn xã Giải phóng đã ở trên tuyến đầu của công tác thông tin, góp phần phản ánh một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Còn tiếp)
 
Hoàng Tuấn – Thành Chung – Thanh Vũ

Có thể bạn quan tâm