Liên kết trồng rừng tăng cơ hội, giảm rủi ro, vì sự phát triển bền vững

Liên kết trồng rừng tăng cơ hội, giảm rủi ro, vì sự phát triển bền vững
Phú Yên chủ động trồng mới 6.020 ha rừng các loại. Ảnh: Vũ Xuân Triệu - TTXVN
Phú Yên chủ động trồng mới 6.020 ha rừng các loại. 
Ảnh: Vũ Xuân Triệu - TTXVN

Xu hướng thị trường cho thấy nhu cầu sử dụng gỗ rừng trồng để sản xuất các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu vào các thị trường có những đòi hỏi chặt chẽ về tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào như Hoa Kỳ, EU ngày càng lớn. Điều này có nghĩa nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng ngày càng được ưa chuộng và là một trong những nguồn cung quan trọng cho ngành gỗ. Trên cơ sở đó, Tổ chức Forest Trends và Hiệp hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam (VIFORES) đã tiến hành nghiên cứu đánh giá việc liên kết giữa các công ty chế biến gỗ và các hộ trồng rừng tại Việt Nam, từ đó rút ra các bài học về mô hình liên kết giữa công ty chế biến gỗ và hộ trồng rừng trong tương lai.

Tối ưu hóa nguồn lực

Để duy trì nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp ổn định, mô hình liên kết giữa các công ty chế biến gỗ xuất khẩu và các hộ gia đình trồng rừng đã được hình thành và đang trên đà phát triển. Liên kết này dựa trên niềm tin rằng các nguồn lực của các bên tham gia liên kết sẽ được tối đa hóa. Cụ thể, công ty chế biến có tiềm lực về vốn đầu tư, kỹ thuật và công nghệ, trình độ quản lý và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm; các hộ dân có nguồn đất trồng rừng và lao động. Mô hình liên kết phát triển rừng trồng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), là một trong những ví dụ điển hình về liên kết giữa công ty chế biến gỗ xuất khẩu và các hộ trồng rừng vùng núi.

Tập đoàn IKEA có mặt ở Việt Nam từ năm 1994. Hiện các sản phẩm đồ gỗ của IKEA tại Việt Nam được cung cấp bởi trên 10 nhà cung cấp, công ty chế biến. Toàn bộ các sản phẩm này được sử dụng phục vụ thị trường xuất khẩu mà không được tiêu thụ tại Việt Nam. IKEA áp dụng một quy trình và các tiêu chí chặt chẽ khi lựa chọn nhà cung cấp. Các yêu cầu này có liên quan đến quy mô sản xuất, với doanh thu mảng chế biến gỗ tối thiểu từ 1 triệu USD/năm trở lên, khả năng về vốn và kỹ thuật tốt, trình độ quản trị doanh nghiệp tốt, cam kết tăng năng suất hàng năm, cam kết hợp tác lâu dài và chỉ sản xuất duy nhất sản phẩm cho IKEA. Nhìn chung chỉ có những doanh nghiệp chế biến quy mô lớn, có nguồn cung nguyên liệu tốt mới có thể đáp ứng được các yêu cầu của IKEA.

Trong liên kết này, các công ty chuyên chế biến sản phẩm gỗ cho Tập đoàn IKEA đã liên kết với các hộ có nguồn rừng trồng tại một số tỉnh phát triển rừng trồng gỗ lớn, đạt chứng chỉ FSC nhằm tạo nguồn cung gỗ nguyên liệu cho các công ty này để sản xuất các sản phẩm gỗ cho Tập đoàn IKEA. Liên kết hiện được coi là có tiềm năng nâng cao lợi ích kinh tế cho các hộ trồng rừng, ổn định nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho các công ty chế biến. Mô hình cũng được coi có tiềm năng trong việc đem lại hiệu quả xã hội và môi trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu thuộc Tổ chức Forest Trends, mô hình liên kết giữa công ty chế biến và các hộ trồng rừng do yêu cầu của thị trường tại Việt Nam vẫn mang tính chất tự phát, được hình thành chủ yếu do nhu cầu kết nối của công ty và hộ trồng rừng. Do đó, nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends và Hiệp hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam đánh giá hiệu quả cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của mô hình liên kết giữa công ty chế biến gỗ xuất khẩu và các hộ trồng rừng, nhằm phát triển nguồn gỗ rừng trồng là gỗ lớn, đạt chứng chỉ FSC.

Nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2017, thông qua phỏng vấn trực tiếp đại diện Tập đoàn IKEA tại Việt Nam, các Công ty chế biến đồ gỗ xuất khẩu cung cấp cho IKEA, xưởng xẻ cung cấp gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FSC được khai thác từ các hộ gia đình cho các công ty chế biến gỗ, một số hộ trồng rừng tại Quảng Trị, Yên Bái, Tuyên Quang đang tham gia mô hình liên kết với các công ty chế biến. Thông tin thu thập từ các ý kiến của Chi cục Kiểm lâm, Hội Nông dân huyện và UBND cấp xã tại các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái và Quảng Trị cũng được sử dụng trong báo cáo này.

Theo đó, các phát hiện chính của nghiên cứu bao gồm: Mô hình liên kết có sự tham gia trực tiếp của Tập đoàn IKEA với vai trò là người phụ trách việc tiêu thụ các sản phẩm đầu ra của chế biến, Công ty chế biến gỗ phụ trách việc sản xuất ra các sản phẩm cho Tập đoàn IKEA, các hộ trồng rừng, với vai trò cung nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho các công ty chế biến, thông qua các xưởng xẻ, nhằm đảm bảo nguồn gỗ từ hộ, qua khâu sơ chế trước khi đi vào công đoạn sản xuất chính. Bên cạnh đó, mô hình còn có sự tham gia hỗ trợ về mặt hành chính của chính quyền địa phương, từ cấp tỉnh đến cấp thôn, xã và các nguồn hỗ trợ về kỹ thuật hoặc tài chính từ các tổ chức bên ngoài.

Mô hình liên kết, khi tuân thủ những quy định và tiêu chuẩn của IKEA đem lại hiệu quả xã hội và môi trường tích cực. Về mặt xã hội, mô hình liên kết đã tạo ra chuỗi giá trị mà theo đó các bên phát huy tốt hơn thế mạnh của mình, giải quyết hay hạn chế được điểm yếu, từ đó sự ổn định và bền vững sẽ tốt hơn. Tính hỗ trợ lẫn nhau giúp các bên tham gia mô hình giảm được các áp lực bên ngoài, tăng khả năng cạnh tranh, đầu tư hiệu quả hơn, tạo sự phát triển bền vững hơn cho toàn xã hội và nền kinh tế. Chính quyền xúc tiến nhanh hơn việc xác nhận tính hợp pháp của đất trồng rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, giúp giảm những bất đồng, tranh chấp giữa các thành viên trong cộng đồng và tạo tâm lý yên tâm đầu tư vào sản xuất của các hộ dân.

Việc áp dụng các quy định tuân thủ luật lao động, đảm bảo vệ sinh an toàn lao động trong các khâu của quá trình sản xuất, giúp người lao động bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Hình thức liên kết và tổ chức thành nhóm hộ trồng rừng có quy định rõ ràng, minh bạch, đã tạo sự đồng lòng giữa các hộ thành viên nhóm, khuyến khích tham gia nhóm và chủ động đầu tư của các hộ dân. Về mặt môi trường, các quy định về tiêu chuẩn kiểm soát nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào hợp pháp, không được khai thác trắng diện tích lớn, không được đốt đại trà thực bì, không sử dụng thuốc diệt cỏ, phải làm vành đai bảo vệ nguồn nước, vùng có giá trị bảo tồn cao, vùng nguy cơ xói lở... và các quy định bắt buộc về điều kiện vệ sinh môi trường nhà xưởng (không gian, ánh sáng, bụi, bảo hộ lao động trong các khâu sản xuất), giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường sống cho người dân, môi trường làm việc chất lượng hơn, đảm bảo sức khỏe người lao động.

Tạo lòng tin và chia sẻ lợi ích

Nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends và Hiệp hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam kết luận rằng, liên kết giữa công ty chế biến và hộ trồng rừng là mối liên kết quan trọng cần phát triển và mở rộng, với "lòng tin" và "chia sẻ lợi ích công bằng" là các yếu tố quan trọng cần đảm bảo, nhằm tạo nguồn cung gỗ hợp pháp ổn định cho công nghiệp chế biến gỗ và xóa đói giảm nghèo vùng núi tại Việt Nam. Tuy vậy, mô hình liên kết không nhất thiết phải gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững, mà ưu tiên tiêu chí đảm bảo nguồn gỗ hợp pháp. Với 60-70% nguồn cung gỗ rừng trồng trong nước từ các hộ trồng rừng, vai trò của hộ trồng rừng là quan trọng, qua đó khuyến nghị Nhà nước tiếp tục giao đất với mục đích trồng rừng cho các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ đang không có hoặc thiếu đất sản xuất. Nguồn đất đai có thể sử dụng khoảng 2,7 triệu ha đất lâm nghiệp hiện do UBND các xã đang được tạm giao quản lý và diện tích các công ty lâm nghiệp nhà nước đang sử dụng kém hiệu quả.

Nghiên cứu cũng khuyến nghị Chính quyền địa phương không nên trực tiếp tham gia vào các hoạt động của liên kết như tham gia các cuộc vận động người dân tham gia liên kết, hạn chế việc ban hành các mệnh lệnh về hành chính yêu cầu các hộ tham gia, mà cần tạo môi trường thể chế thuận lợi cho việc hình thành liên kết. Chính quyền nên coi liên kết như là một loại hình đầu tư và môi trường thể chế cần thông thoáng, đặc biệt là các quy định có liên quan đến sử dụng và quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, để có thể thu hút các doanh nghiệp và người dân cùng tham gia đầu tư, hình thành liên kết. Chính quyền cũng cần có những cơ chế nhằm tạo lòng tin cho doanh nghiệp, bao gồm cả những biện pháp chế tài đủ mạnh, nhằm giảm thiểu các rủi ro xảy ra khi hộ phá vỡ hợp đồng.

Chính quyền cũng cần thiết lập các biện pháp kiểm soát nhằm đảm bảo lợi ích công bằng cho người dân khi tham gia liên kết. Đất lâm nghiệp là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế các hộ ở vùng núi, đặc biệt ở những nơi có tỉ lệ đói nghèo cao. Trong hai thập kỷ trở lại đây, Chính phủ đã thực hiện giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, công ty lâm nghiệp nhà nước, một số công ty tư nhân (hay còn gọi là các tổ chức kinh tế) và cộng đồng.

Trong số này có khoảng 1,4 triệu hộ được giao 3,146 triệu ha đất lâm nghiệp và 134 công ty nhà nước được giao 1,454 triệu ha. Việc giao đất cho các hộ đã và đang đem lại những lợi ích quan trọng về kinh tế, xã hội và môi trường. Lý do là bởi nhiều hộ đều tiến hành đầu tư trồng rừng khi có đất, góp phần làm tăng độ che phủ của rừng, cải thiện sinh kế cho các hộ, bao gồm nhiều hộ nghèo đồng bào dân tộc, thông qua việc tạo nguồn cung gỗ nguyên liệu cho thị trường trong và ngoài nước một cách ổn định và lâu dài.
Văn Hào

Có thể bạn quan tâm