Liên kết trồng cây dược liệu theo chuỗi giá trị ở Yên Bái

Dự án liên kết trồng cây hoài sơn giữa các hộ dân với Hợp tác xã dược liệu Lũng Lô tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN
Dự án liên kết trồng cây hoài sơn giữa các hộ dân với Hợp tác xã dược liệu Lũng Lô tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Khai thác tiềm năng, lợi thế để liên kết trồng cây dược liệu theo chuỗi giá trị đang mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp vùng cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Liên kết trồng cây dược liệu theo chuỗi giá trị ở Yên Bái ảnh 1Dự án liên kết trồng cây hoài sơn giữa các hộ dân với Hợp tác xã dược liệu Lũng Lô tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Đánh thức tiềm năng cây dược liệu

Khảo sát của Hội Đông y tỉnh Yên Bái cho thấy, đất đai và khí hậu của Yên Bái rất phù hợp với nhiều loài cây dược liệu, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng trên 630 loài cây thuốc chữa bệnh được phân thành 11 nhóm thuốc; trong đó có một số loại cây dược liệu quý có giá trị cao, như hoàng liên chân gà, tam thất vũ diệp, tiết trúc sâm, ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, nấm tỏa dương, thổ phục linh, trà hoa vàng, khôi tía, sơn tra, thảo quả, quế…

Để phát triển cây dược liệu, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chủ trương, chính sách như quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái; ưu tiên phát triển 14 chủng loại cây dược liệu quý hiểm, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng vùng núi cao; phát triển cây dược liệu gắn liền với phát triển và bảo vệ rừng để nâng cao thu nhập cho người dân...

Theo ông Trần Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều chính sách phát triển cây dược liệu, như hỗ trợ đầu tư cho khoa học, công nghệ; thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đầu tư, thâm canh tăng năng suất đối với những loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; khuyến khích trồng bổ sung, cải tạo, thay thế diện tích cây dược liệu hàng năm, cây lâu năm đã thu hoạch để duy trì ổn định diện tích, sản lượng.

Đặc biệt, tỉnh Yên Bái đã chủ động mời gọi các doanh nghiệp chế biến dược phẩm, các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về dược liệu, các nhà khoa học trong và ngoài nước thông qua liên kết kinh tế và các chương trình khuyến nông, các dự án khoa học công nghệ của các bộ, ngành Trung ương để phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, trong những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã xây dựng thành công nhiều khu vực trồng dược liệu tập trung liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp chế biến dược phẩm, ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất giống, chăm sóc, thu hái và bảo quản theo tiêu chuẩn GACP - WHO. Điển hình như cà gai leo tại huyện Văn Yên và huyện Yên Bình; đương quy, hoài sơn, sâm bố chính tại huyện Văn Chấn; thảo quả, sơn tra tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải...

Bên cạnh đó, cấp phép và quản lý các cơ sở thu gom, sơ chế và kinh doanh sản phẩm cây dược liệu trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp, quản lý chặt chẽ, gắn bảo tồn với khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

Bà Lê thị Hồng Vân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết, Sở Y tế tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Cục quản lý Y Dược học cổ truyền, Bộ Y tế trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động tại các cơ sở trồng trọt, thu hái, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời bảo hộ, bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý, có giá trị, khuyến khích giữ gìn, phát huy việc sử dụng cây thuốc của cộng đồng các dân tộc.

Kết quả đến nay, tỉnh Yên Bái đã phát triển được một số vùng cây dược liệu lớn như quế trên 70.000 ha, sơn tra trên 8.000 ha, thảo quả 1.300 ha, ngoài ra toàn tỉnh Yên Bái có trên 3.400 ha cây dược liệu cho sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 7.600 tấn sản phẩm. Trong số đó, sa nhân, sả, gừng, nghệ, lá khôi tía là các sản phẩm dược liệu có tiềm năng trở thành hàng hóa với quy mô lớn.

Liên kết trồng cây dược liệu theo chuỗi giá trị ở Yên Bái ảnh 2Dự án liên kết trồng cây đương quy giữa các hộ dân với Hợp tác xã dược liệu Lũng Lô tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Không dừng lại việc trồng và sơ chế thô cây cà gai leo, người dân xã Đông An, huyện Văn Yên đã thành lập Hợp tác xã Sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn để chế biến sâu thành cao, trà và bột từ cây cà gai leo, mang lại giá trị kinh tế cao. Sau nhiều nỗ lực, đến nay Hợp tác xã đã liên kết với 60 hộ dân trồng cà gai leo tại 4 xã của huyện Văn Yên và huyện Yên Bình, với tổng diện tích trên 10 ha, mỗi năm cho sản lượng ổn định khoảng 80 tấn.

Ông Phạm Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn cho biết, hiện nay sản phẩm cao cà gai leo đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Yên Bái. Mỗi năm, Hợp tác xã xuất ra thị trường khoảng 6.000 lọ cao cà gai leo, cùng nhiều sản phẩm cao bột và trà, đem lại doanh thu khoảng 3,8 tỷ đồng. Điều đó đã giúp các xã viên có thu nhập ổn định, yên tâm sản xuất để tiếp tục mở rộng diện tích và thâm canh, tăng năng suất.

Nhận biết điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu ở khu vực đèo Lũng Lô, Hợp tác xã dược liệu Lũng Lô đã liên kết với các hộ dân xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn trồng trên 20 ha cây dược liệu các loại như đương quy, hoài sơn, sâm bố chính, hy thiêm... cho năng xuất vượt trội so với trồng nơi khác.

Ông Đỗ Bảo Long, Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Lũng Lô chia sẻ, hợp tác xã ký hợp đồng lâu dài với nông dân, chịu trách nhiệm cung ứng giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thô cho người dân theo giá thị trường. Người dân chuyên sâu vào thâm canh, chăm sóc theo hướng dẫn của Hợp tác xã. Mô hình liên kết đã tạo việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho người dân tham gia.

Với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị, chất lượng nông sản tại địa phương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia (thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn) đã liên kết với hàng trăm hộ nông dân trồng sơn tra, đầu tư dây chuyền sản xuất trị giá hàng trăm tỷ đồng, đến nay công ty có 2/5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP là Trà táo mèo và Xịt massage Quốc Kỳ.

Bà Hà Thị Hằng, Giám đốc công ty cho biết, với sản lượng 30 triệu hộp trà táo mèo/năm, hàng năm công ty sẽ giúp tiêu thụ hàng trăm tấn quả táo mèo tươi cho đồng bào ở huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu, góp phần không nhỏ trong việc tạo ra chuỗi hàng hóa bền vững, giúp người dân vùng cao có thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo từ chính loài cây vốn gắn bó lâu đời với người Mông nơi đây.

Liên kết để phát triển cây dược liệu ở Yên Bái, nhất là khu vực vùng cao gắn với bảo vệ và phát triển rừng có ý nghĩa quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn nguồn cây dược liệu quý hiếm.

Tiến sĩ Đào Thị Ngọc Lan, Trưởng ban Quản lý Dự án "Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam” tỉnh Yên Bái khảng định, liên kết sản xuất nguyên liệu gắn với bao tiêu sản phẩm ổn định, từ đó xây dựng vùng trồng dược liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến là hướng đi phù hợp, bền vững để phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm