Liên kết phát triển du lịch bền vững (Bài 1)

Ngọn hải đăng Vũng Tàu (phường 2, thành phố Vũng Tàu) thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan. Ảnh: Huỳnh Sơn – TTXVN
Ngọn hải đăng Vũng Tàu (phường 2, thành phố Vũng Tàu) thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan. Ảnh: Huỳnh Sơn – TTXVN

Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu là ba tỉnh ven biển sở hữu hàng trăm km đường bờ biển với rất nhiều vịnh, đảo và hàng loạt các bãi biển đẹp cùng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học biển cực kỳ phong phú. Nhìn nhận thế mạnh, chọn lọc, định vị sản phẩm đặc sắc cũng như đẩy mạnh liên kết trong và ngoài vùng để làm gia tăng giá trị điểm đến là những giải pháp đang được các địa phương thống nhất, đẩy mạnh triển khai thực hiện. Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này qua ba bài viết với chủ đề "Liên kết phát triển du lịch bền vững".

Bài 1: Đa dạng các loại hình du lịch biển

Ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch biển khi sở hữu đường bờ biển dài hơn 600 km với hàng loạt bãi tắm có phong cảnh đẹp, nhiều hòn, đảo, hệ sinh thái biển đa dạng cùng thời tiết nắng ấm quanh năm. Đây là những điều kiện thuận lợi đang được các tỉnh đẩy mạnh khai thác, phát triển các loại hình du lịch biển thu hút du khách.

Thế mạnh về du lịch biển

Nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Bà Rịa- Vũng Tàu nổi tiếng là một trong những địa phương có thế mạnh phát triển du lịch biển. Bà Rịa - Vũng Tàu có đường bờ biển dài hơn 300 km với hơn 150 km có bãi cát thoai thoải. Thiên nhiên ưu đãi cho địa phương này với những cánh rừng nguyên sinh, đặc biệt phải nhắc đến hai Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu và Vườn Quốc gia Côn Đảo. Riêng Vườn Quốc gia Côn Đảo là Ramsar thế giới thứ 6 của Việt Nam và là Ramsar nằm đầu tiên nằm biệt lập giữa biển khơi.

Liên kết phát triển du lịch bền vững (Bài 1) ảnh 1 Ngọn hải đăng Vũng Tàu (phường 2, thành phố Vũng Tàu) thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan. Ảnh: Huỳnh Sơn – TTXVN

Nhiều năm qua, Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước nhờ điểm đến hấp dẫn, cơ sở hạ tầng phát triển, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. Hàng loạt bãi tắm, các resort cao cấp mọc khắp các bờ biển hoạt động rất hiệu quả, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm.

Trong khi đó, Bình Thuận có ưu thế và triển vọng trong phát triển du lịch biển kết hợp khám phá, nghỉ dưỡng nhờ có hơn 192 km đường bờ biển và nhiều đảo lớn nhỏ. Nổi bật là Khu Du lịch Mũi Né đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Khu Du lịch quốc gia. Đây cũng là địa điểm trong nhiều năm qua được lựa chọn để tổ chức môn thể thao lướt ván buồm quốc tế và được các chuyên gia đánh giá là một trong 50 bãi biển tốt nhất thế giới cho môn thể thao lướt ván buồm. Hiện tại, Mũi Né đang được xây dựng thành một trong những điểm đến hàng đầu của du lịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã quyết tâm gây dựng thương hiệu du lịch với những sản phẩm, loại hình du lịch mang tính riêng biệt, đặc sắc. Nổi tiếng nhất là “thủ đô resort” với hệ thống resort, các khu nghỉ dưỡng dọc bãi biển cùng các gói nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe đã thu hút nhiều du khách và đây cũng là thế mạnh của du lịch biển Bình Thuận.

Liên kết phát triển du lịch bền vững (Bài 1) ảnh 2 Khu di tích Dục Thanh, nơi Bác Hồ có thời gian sống và làm việc, là một điểm đến trong các tour, tuyến khi đến thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: Hồng Hiếu – TTXVN

Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế từ nắng, gió, tỉnh đã thiết kế, tổ chức các loại hình thể thao trên biển, mạo hiểm trên cát, khám phá sinh thái biển… Thiên nhiên ưu đãi, con người Bình Thuận cần cù, sáng tạo và đã tạo dựng được nét ẩm thực, loại hình ẩm thực biển đặc trưng được nhiều du khách yêu thích.

Tuy phát triển sau, du lịch biển Ninh Thuận đã dần định vị được thương hiệu, xác lập nhiều điểm đến có sức hấp dẫn riêng của vùng đất nhiều nắng, gió. Tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Hang Rái, trong đó Vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới; vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam. Nơi đây có hệ sinh thái rừng, biển đa dạng, độc đáo đang được tỉnh đầu tư xây dựng để trở thành khu du lịch tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Ninh Thuận còn có các đồi cát rộng, đẹp sát biển có quy mô lớn, phù hợp phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, trường đua mô tô trên cát, lướt sóng, leo núi, cưỡi lạc đà và tham quan các cánh đồng muối.

Không chỉ sở hữu tài nguyên tự nhiên phong phú, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu còn có hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội dân gian, tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực bản địa đặc thù của cư dân miền biển... cũng là điểm mạnh thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Đa dạng các loại hình du lịch biển

Đề cập về các sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu Trịnh Hàng cho biết, tỉnh có hệ sinh thái biển và ven biển độc đáo, đa dạng và rất khác biệt với các địa phương khác, thích hợp cho các loại hình du lịch khám phá biển như: lặn biển, câu cá, ngắm san hô; có suối nước nóng Bình Châu với nhiệt độ cao nhất lên đến 80 độ C thích hợp với nhu cầu chữa bệnh, nghỉ dưỡng của du khách; các núi Lớn, núi Nhỏ, núi Dinh, núi Minh Đạm đã và đang hình thành các khu du lịch phức hợp mang tầm quốc tế.

Đặc biệt, tại Côn Đảo có nhiều hòn đảo lớn, nhỏ rất thuận lợi để phát triển các tiềm năng du lịch biển. Du khách đến biển Côn Đảo có thể lặn ngắm san hô, câu cá. Di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phù hợp để phát triển du lịch tâm linh, du lịch tham quan về nguồn. Bên cạnh đó là các lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân vùng biển thu hút đông đảo người dân, du khách khắp nơi về quy tụ.

Bên cạnh đó, gần đây, một số dự án mới đã đưa vào khai thác kinh doanh đã góp phần phát triển thêm sản phẩm du lịch chất lượng cao của Vũng Tàu như: Hồ Tràm Trip, Minera Hot Spring Bình Châu, Melia Hồ Tràm, Oceanami, Imperial, Marina Bay Vung Tau, Pullman, Malibu, Ibis…Những khu nghỉ dưỡng, khách sạn nằm gần biển với lối kiến trúc sang trọng và chất lượng phục vụ tốt đã để lại ấn tượng tuyệt vời trong lòng du khách cả trong và ngoài nước.

Cùng quan tâm việc phát triển du lịch biển đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho hay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều bãi biển nổi tiếng như Mũi Né, Hòn Rơm ở thành phố Phan Thiết, biển Thuận Quý, Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam), Cam Bình (thị xã La Gi), bãi biển Cổ Thạch (huyện Tuy Phong)…

Liên kết phát triển du lịch bền vững (Bài 1) ảnh 3Di tích quốc gia đặc biệt tháp Chăm Po Klong Garai điểm đến nổi tiếng tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Đây chính là những điểm đến với nhiều sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi như: tắm biển, nghỉ dưỡng, cắm trại dã ngoại, câu cá, trượt cát, ca-nô, thưởng thức các món ăn hải sản tươi ngon. Tại thành phố Phan Thiết có nhiều khu nghỉ dưỡng đã và đang được xây dựng, thiết kế hài hòa, khai thác nhiều dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan đặc sắc, thu hút khá đông du khách.

Bình Thuận còn có điểm đến đầy ấn tượng là huyện đảo Phú Quý - nơi được mệnh danh “hòn ngọc giữa biển khơi” với nhiều hòn đảo lớn, nhỏ. Du khách đến đây có thể tắm biển, câu cá, lặn biển, thăm các di tích văn hóa, lịch sử, làng chài truyền thống…Không chỉ tập trung ở thành phố Phan Thiết, ở các địa phương như huyện Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi… có rất nhiều điểm đến hấp dẫn đang ngày càng được nhiều du khách biết tới.

Được ví như “tiểu sa mạc của Việt Nam”, Ninh Thuận đang đẩy mạnh hướng khai thác các yếu tố đặc thù của khí hậu trong lành, thiên nhiên hoang sơ tươi đẹp để xây dựng, phát triển các loại hình du lịch tạo nên sức hút riêng như công viên bờ biển, công viên sa mạc, chơi golf trên cát…Bên cạnh những bãi tắm đẹp trải dọc suốt 105 km đường bờ biển, nhiều tour tạo được điểm nhấn cho du khách như: lặn biển ngắm san hô tại khu bảo tồn biển Vĩnh Hy với trên 300 loài san hô đa dạng nhất Việt Nam, tour tham quan bãi rùa đẻ, tour ngắm mặt trời lặn, xem chim về trong khu rừng ngập mặn ở Đầm Nại…Du khách có thể lựa chọn tour nghỉ dưỡng cao cấp tại Amanoi resort nằm cheo leo giữa vách đá ven biển ở Ninh Thuận với giá từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng/đêm, được xem là đắt nhất Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, việc xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển được tỉnh thực hiện trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc, kết nối với các tuyến du lịch địa phương và quốc tế nhằm xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Chính nhờ những lợi thế về biển, ba địa phương nói trên đã tạo dựng nên những sản phẩm du lịch biển hấp dẫn như: du lịch khám phá, nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe, thể thao trên biển…Nhiều tour tuyến du lịch kết nối đã và đang được xây dựng như: Bà Rịa Vũng Tàu- Bình Thuận; Bình Thuận - Ninh Thuận. Từ đó góp phần hình thành một không gian du lịch biển trải dài, tiếp nối ấn tượng ở khu vực phía Nam.

Phát huy thế mạnh, tăng cường thu hút đầu tư, không ngừng đa dạng sản phẩm, du lịch biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận hứa hẹn sẽ tạo được sức bật mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, vươn tầm ra khu vực và thế giới. (Còn nữa)

 Huỳnh Sơn - Hồng Hiếu - Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm