Liên kết không gian để phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Liên kết không gian để phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần đưa du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, liên kết không gian, tích hợp sản phẩm du lịch đặc thù được xem là các giải pháp căn cơ để thúc đẩy du lịch vùng phát triển.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh: Hội thảo được xem là một cú hích để thúc đẩy du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển, thông qua những đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các nhà hoạch định chiến lược nhằm hỗ trợ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng được các sản phẩm du lịch mới, kết nối liên vùng.... Trên cơ sở đó, định hướng đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thay đổi diện mạo vùng cũng như nâng cao chất lượng sống cho người dân nhanh chóng được hiện thực hóa.

Du lịch cộng đồng Cồn Sơn - một trong những điểm du lịch tiêu biểu của Cần Thơ. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Du lịch cộng đồng Cồn Sơn - một trong những
điểm du lịch tiêu biểu của Cần Thơ. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn với loại hình du lịch sông nước, miệt vườn, hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000km, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và đất ngập nước đồng bằng độc đáo. Vùng đất này không chỉ mang vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là kho tàng văn hóa giàu bản sắc, có thể khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch biển - đảo; du lịch hội nghị - hội thảo ( MICE); du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống, nhiều khả năng kết nối tour, tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mê Công.

Thời gian qua, Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương trong vùng và thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Các tỉnh, thành và các bộ, ngành đã có tiếng nói chung, thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Các địa phương trong vùng đã ký kết với nhau và với thành phố Hồ Chí Minh các chương trình hợp tác du lịch, xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc thù và triển khai thực hiện.

Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết, mô hình liên kết không gian du lịch là sự hợp tác chia sẻ thông tin, nguồn lực, hoạt động và khả năng của các thành viên trong mạng lưới các địa phương cùng làm du lịch trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này sẽ giúp giảm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, triệt tiêu lợi ích lẫn nhau. Liên kết không gian du lịch vùng là một công cụ hữu hiệu phát triển vùng du lịch và chuỗi giá trị sản phẩm du lịch của vùng.

Đồng bằng sông Cửu Long chia làm không gian du lịch phía Tây, bao gồm 8 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Trong đó, Cần Thơ và đảo Phú Quốc (Kiên Giang) được xác định là trung tâm du lịch, có nhiệm vụ điều phối khách cho toàn vùng.

Định hướng chung cho Không gian du lịch phía Tây là khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm nghỉ dưỡng trải nghiệm, đời sống sông nước, chợ nổi, nghiên cứu tìm hiểu văn hóa di tích lịch sử, lễ hội.
Không gian du lịch phía Đông gồm 5 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh. Với định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn, tham quan làng nghề, các di tích lịch sử cách mạng, lưu trú tại nhà dân. Trong đó, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) là trung tâm của Không gian du lịch phía Đông, đồng thời là trung tâm phụ trợ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sản phẩm du lịch đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long chính là "Thế giới sông nước Mê Công" gắn với giá trị cảnh quan sông nước, văn hóa bản địa, du lịch sinh thái, xây dựng không gian Bảo tàng lúa nước, Bảo tàng ẩm thực đặc sắc Nam Bộ, đờn ca tài tử, chợ nổi trên sông, vùng sinh cảnh ngập nước và biển đảo... 

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, cho biết, Cần Thơ với vai trò là thành phố trung tâm.của vùng, là đầu tàu trong phát triển du lịch vùng, trên cơ sở những tiềm năng sẵn có, những tài nguyên du lịch đã và đang khai thác, Cần Thơ định vị các loại hình sản phẩm du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch MICE là chủ đạo. Đồng thời, thành phố thúc đẩy liên kết, phối hợp chương trình du lịch trong và ngoài vùng để phục vụ những nhu cầu, mong muốn đa dạng của khách du lịch nội địa và quốc tế.

Đối với loại hình du lịch ẩm thực, thành phố Cần Thơ có nhiều món ăn nổi tiếng như: bánh hỏi mặt võng, bánh xèo, bánh tét lá cẩm, nem nướng, bánh cống, vịt nấu chao, rượu mận, rượu đế... Cần Thơ còn có các loại trái cây đã tạo thành thương hiệu như: dâu Hạ Châu, mít không hạt Ba Láng, vú sữa tím than Phong Điền (Bảy Khương)...

Ngoài ra, du lịch văn hóa cũng là một định vị tốt để Cần Thơ phát triển du lịch. Hiện Cần Thơ có hơn 30 di tích cấp thành phố, quốc gia được công nhận là một lợi thế trong việc khai thác tour du lịch văn hóa, đặc biệt là việc kết nối tour tuyến giữa các điểm du lịch văn hóa với các loại hình du lịch khác.

Du lịch sinh thái cũng là một định vị tốt đối với Cần Thơ, từ những vườn trái cây trĩu quả của cù lao Tân Lộc, cồn Sơn, Phong Điền, Cái Răng đến sự cộng cư của người Hoa, Khmer và người Kinh tạo nên một nét văn hóa đặc sắc./.

Ánh Tuyết 

BADTMN/TTXVN

Có thể bạn quan tâm