Liên kết chăn nuôi an toàn sinh học cho hiệu quả kinh tế cao ở Tuyên Quang

Liên kết chăn nuôi an toàn sinh học cho hiệu quả kinh tế cao ở Tuyên Quang
Đàn trâu Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành bàn giao cho người chăn nuôi xã Vinh Quang (Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Ảnh: baotuyenquang.com.vn
Đàn trâu Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành bàn giao cho người chăn nuôi xã Vinh Quang (Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Ảnh: baotuyenquang.com.vn
Thực hiện mô hình liên kết, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành đã ký hợp đồng với 15 hợp tác xã và Tổ hợp tác cung ứng trên 400 con trâu, bò thịt nuôi vỗ béo đồng thời cam kết chính sách cung ứng thức ăn chăn nuôi đầu vào và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm vật nuôi sau khi kết thúc thời gian chăn nuôi. Đối với người chăn nuôi, ngoài sử dụng cám thảo dược sinh học do hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Tuyên Quang) cung cấp phải sử dụng thêm thức ăn tự nhiên như cỏ voi, ngọn lá mía, cám ngô, cám xát, vỏ đỗ xanh, bã bia.... đảm bảo sản phẩm khi xuất bán không có dư lượng thuốc kháng sinh, không có hóoc môn tăng trưởng. Ông Chu Văn Thiệp, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Đạt, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết, sau khi ký cam kết tham gia liên kết chăn nuôi trâu, bò, lợn an toàn sinh học theo chuỗi giá trị, hợp tác xã Tiến Đạt đã nhập 40 con trâu, bò nuôi vỗ béo theo quy trình đã cam kết. Sau 3 tháng nuôi, đàn trâu, bò tăng trọng bình quân 1,5 - 2 kg/con/ngày đêm, trừ hết chi phí thu lãi trung bình 4,8 triệu đồng/con. Hiện nay, hợp tác xã Tiến Đạt đang chuẩn bị thức ăn để tiếp tục nhập 40 con trâu, bò nuôi vỗ béo. Theo ông Thiệp, so với cách chăn nuôi truyền thống, mô hình liên kết chăn nuôi an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn bởi 1 năm có thể nuôi được 3 lứa và đầu ra của sản phẩm luôn được ổn định. Ngoài ra, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học giảm triệt để mùi hôi trong khu vực chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường nhờ nguồn thức ăn là cám thảo dược sinh học. Sau khi ký cam kết và thực hiện chăn nuôi, đến thời gian xuất bán, trâu, bò sẽ được hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành thu mua toàn bộ với giá mua bằng với giá bán con giống đầu vào. Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành cho biết, đến thời điểm này, chúng tôi đã thu mua được 300 con trâu, bò theo chương trình liên kết chăn nuôi an toàn sinh học. Sau khi chế biến, sản phẩm thịt được cung ứng cho các bạn hàng tại các tỉnh, thành phố như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nghệ An… và cả thị trường Trung Quốc. Sản phẩm thịt trâu, bò đều được bạn hàng đánh giá cao về chất lượng và cam kết tiếp tục thu mua lâu dài. Dự kiến trong năm 2018, hợp tác xã sẽ mở rộng chuỗi chăn nuôi trâu, bò an toàn sinh học tại tỉnh Tuyên Quang với quy mô lên đến 1000 con. Ông Lê Hải Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ ra một thực tế rằng mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò an toàn sinh học đã mang lại sự ổn định về giá cả cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Hình thức chăn nuôi trâu bò vỗ béo sẽ giúp cho người dân chăn nuôi được nhiều lứa trên 1 năm (có thể từ 3 đến 4 lứa 1 năm ) giúp cho việc quay vòng vốn nhanh hơn để chăn nuôi liên tục, do đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên người dân rất yên tâm trong việc chăn nuôi và ổn định vào đầu ra. Thời gian tới trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành để triển khai nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh thị trường giá cả các sản phẩm nông nghiệp luôn “bấp bênh” như hiện nay khiến người chăn nuôi gặp nhiều rủi ro thì mô hình liên kết nuôi trâu, bò vỗ béo an toàn sinh học được xem là hướng đi ổn định, bền vững và hiệu quả cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Quang Cường

Có thể bạn quan tâm