Liên kết "6 nhà" đem lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp

Liên kết "6 nhà" đem lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp
Mô hình liên kết giữa Hợp tác xã Laba Phú Sơn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) với các hộ dân mở rộng vùng nguyên liệu cho thị trường xuất khẩu chuối Laba sang Nhật đã cho nông dân có thu nhập ổn định. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN
Mô hình liên kết giữa Hợp tác xã Laba Phú Sơn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) với các hộ dân  mở rộng vùng nguyên liệu cho thị trường xuất khẩu chuối Laba sang Nhật đã cho nông dân có thu nhập ổn định. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Đổi mới tư duy

Thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 vừa qua đã khẳng định vai trò của tổ chức đại diện và bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của giai cấp nông dân. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp Hội Nông dân trong thời gian tới chính là giúp người nông dân thay đổi tư duy trong hoạt động sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, hiện đại...

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, mỗi cán bộ, hội viên, nông dân cần hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân. Trong đó, hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện vừa là người được thụ hưởng thành quả, để từ đó huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của giai cấp nông dân và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, làm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đòi hỏi phong trào nông dân và tổ chức Hội phải không ngừng đổi mới, nỗ lực phấn đấu vươn lên, nâng cao chất lượng tổ chức, phương thức và hiệu quả hoạt động, phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của giai cấp nông dân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

Các đại biểu là những lãnh đạo Hội Nông dân ở các địa phương, điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi kỳ vọng trong thời gian tới, những “giá trị mới” sẽ được thiết lập từ việc đổi mới tư duy. Gần 200 lượt ý kiến và 80 báo cáo tham luận bằng văn bản đã thể hiện ý chí, nguyện vọng của hội viên nông dân mong muốn các cấp Hội sẽ sát cánh cùng nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi tư duy và hướng tới hội nhập.

Đánh giá về tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò, đóng góp to lớn của giai cấp nông dân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo Thủ tướng, hiện nay nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, trong khi lao động chiếm trên 42% và người dân sống ở nông thôn đến 70%. Chuyển dịch cơ cấu lao động là vấn đề cần được nghiên cứu và thực hiện một cách hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành nông nghiệp, Hội Nông dân cần giúp người dân đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh; nhân rộng những mô hình sáng tạo, cách làm hay của nhiều địa phương, doanh nghiệp và nông dân để đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.

Liên kết để phát triển

Anh Vòng A Há, ở thôn An Bình, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) cùng nhiều hộ dân ở địa phương này là điển hình cho việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Theo anh Vòng Kim Há, nhiều nông dân được Công ty Đại Phát ở Bình Dương đầu tư giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà tím Nhật và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 8.000 đồng/kg.

Với diện tích 6 sào, anh Há xuống giống 10.000 cây cà tím Nhật, trồng với khoảng cách hàng cách hàng 1,2 m, cây cách cây 50 cm, có dùng màng phủ nông nghiệp. Từ khi trồng đến khi cây bắt đầu cho thu bói là 45 ngày.

Qua thời gian trồng và chăm sóc cây cà tím Nhật, anh Há nhận thấy đây là loại cây rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương. Với 10.000 cây cà tím Nhật, trung bình được 4 kg quả/cây (đã loại bỏ những quả bị sâu, nứt), mỗi năm nhà anh thu hoạch được khoảng 40 tấn quả. Với giá bán ổn định 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gia đình anh thu về khoảng 170 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với trồng cà chua và các loại rau màu khác.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định, hợp tác, liên kết ngày càng đa dạng về hình thức và mở rộng đối tượng tham gia. Mô hình liên kết “6 nhà” (Nhà nông- Nhà nước- Nhà đầu tư- Nhà băng- Nhà khoa học- Nhà phân phối) đã khá phổ biến, thông qua hơn 1.000 chuỗi, với khoảng 1.400 sản phẩm, hơn 3.100 điểm trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn trên toàn quốc.

Ông Hà Công Tuấn cho rằng, khoa học công nghệ là giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, tỷ trọng hàm lượng giá trị khoa học công nghệ đã đóng góp trên 30% tổng giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, trong mối liên kết "6 nhà" thì Nhà nước giữ vai trò nhạc trưởng, nhà đầu tư (doanh nghiệp) là cánh tay phải của mối liên kết này. Bởi chỉ có doanh nghiệp mới có tiềm lực để đầu tư vốn, giống cho nông dân, tuyển dụng nhà khoa học hỗ trợ nông dân, tạo ra các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm để đưa ra thị trường.

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Vĩnh Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự liên kết của "6 nhà" là yếu tố quan trọng đem lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, nông dân làm ra nhiều sản phẩm mà không có thị trường, không có nhà phân phối thì cũng không thể thành công…

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư

Các nhà khoa học trong nước phân tích, trong chuỗi liên kết "6 nhà" thì vai trò của tam giác liên kết gồm nhà nông, nhà đầu tư và nhà phân phối là mắt xích quan trọng nhất. Nhà nông là một chủ thể tạo ra của cải vật chất cho xã hội; nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, khoa học công nghệ, đất đai và có tầm nhìn chiến lược trong phát triển sản xuất; nhà phân phối giải quyết đầu ra của sản xuất xã hội, nếu hệ thống phân phối rời rạc kém hiệu quả, không biết chia sẻ lợi ích hợp lý cho các thành phần trong chuỗi liên kết thì liên kết sẽ khó thành công; hàng hóa sẽ có lúc ứ đọng, dư thừa và tiếp tục giải cứu. Đồng thời, trong tam giác liên kết giữa nhà nông, nhà đầu tư và nhà phân phối còn cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của các cơ quan nhà nước, các địa phương và của các nhà khoa học trong sản xuất và phân phối hàng hóa nông sản, để giảm bớt chi phí sản xuất phân phối, nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ và phát triển nông nghiệp Việt Nam (VITAD – AGRI) Phạm Đình Nam nhấn mạnh: Để các mặt hàng nông sản Việt đứng vững trên thị trường trong nước và xuất khẩu, cần phải đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết "6 nhà" bền vững, công khai, minh bạch và phải được kiểm soát. Có như vậy, các chuỗi liên kết sẽ góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất nông sản Việt Nam phát triển một cách nhanh và bền vững, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: Những mô hình nông nghiệp liên kết có hiệu quả do có chung mục tiêu, phương pháp, nghĩa vụ và cùng chia sẻ lợi ích. Nông dân Việt Nam có vai trò quan trọng trong mối liên kết này, họ cần chung tay với nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhà nước để đẩy mạnh chuỗi liên kết bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng có tính cạnh tranh cao.

Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, nông dân cần liên kết chặt chẽ với nhà khoa học, doanh nghiệp, trong mối liên kết này, doanh nghiệp có vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao để sản xuất sản phẩm chất lượng, đẩy mạnh thương mại.

10 năm qua, nông nghiệp, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa, hướng tới phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất và chất lượng, phát triển sản phẩm có lợi thế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững. Trong 10 năm (2008-2017) tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,66%/năm, năm 2018 dự kiến đạt khoảng 3,4%, quy mô GDP năm 2017 gấp 1,25 lần năm 2008.

Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí nâng cao giá trị gia tăng. Đến năm 2017, cả nước có trên 6.500 doanh nghiệp chế biến kinh doanh nông lâm thủy sản, chiếm 7% số doanh nghiệp cả nước.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khẳng định, muốn phát triển nông nghiệp bền vững, muốn tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng, vai trò liên kết “6 nhà” là vô cùng quan trọng, trong đó nông dân với nhà khoa học, doanh nghiệp cần phát huy vai trò của mình. Tổ chức Hội Nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ban, ngành phải phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết những vấn đề nông dân, doanh nghiệp mong muốn. Nhà nước là người "cầm cân nảy mực" trong việc xây dựng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân phát triển, ứng dụng công nghệ mới, mở rộng thị trường.
 
Đỗ Bình

Có thể bạn quan tâm