Liên hoan hát Then – đàn Tính toàn quốc (12/5 – 14/5):

Nghệ nhân Mào Văn Ết đam mê cây đàn Tính

Nghệ nhân Mào Văn Ết đam mê cây đàn Tính
Nghệ nhân Mào Văn Ết kiểm tra những cần đàn mới được làm. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Nghệ nhân Mào Văn Ết kiểm tra những cần đàn mới được làm.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Trong căn nhà nhỏ của Nghệ nhân Mào Văn Ết, treo trang trọng giữa trần nhà là hai chiếc đàn Tính tẩu loại lớn - đó là “tổ nghiệp”, tự tay ông chế tác ra. Nhiều người bạn cùng trang lứa, cùng sở nguyện về Tính tẩu của ông đã đem đàn dự thi khắp mọi miền và giành nhiều giải cao. Đã có nhiều người tìm đến hỏi mua nhưng ông đều từ chối bởi nó đã là kỷ vật thiêng liêng của ông với những người bạn đã khuất. Mỗi năm chỉ duy nhất một lần vào dịp Tết, ông hạ hai cây đàn xuống để lau chùi bụi phủ bám.

Nghệ nhân Mào Văn Ết thử tiếng một cây đàn tính tẩu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Nghệ nhân Mào Văn Ết thử tiếng một cây đàn tính tẩu.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Đề cập đến cây đàn Tính tẩu, ông Mào Văn Ết cho biết, tồn tại hàng trăm năm trên miền đất Tây Bắc nhưng người Thái không ai biết cây đàn Tính ra đời từ bao giờ. Ở mỗi vùng đất lại lưu truyền một dị bản về nguồn gốc cây đàn tính.
Nghệ nhân Mào Văn Ết nói về cách thức chế tác một cây đàn tính tẩu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Nghệ nhân Mào Văn Ết nói về cách thức chế tác một cây đàn tính tẩu.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Khi 10 tuổi, ông Mào Văn Ết đã bắt đầu cầm đàn Tính tẩu tập lên dây, chỉnh đàn theo các bài then cổ và tập chế tác từng bộ phận dưới sự dẫn dắt, dạy dỗ, trao truyền của ông nội. Khi thanh niên, bàn chân Mào Văn Ết đã ngược xuôi, bươn tìm khắp các vùng có người Thái trắng sinh sống ở Quỳnh Nhai (Sơn La), thị xã Mường Lay, Tủa Chùa (Điện Biên) để “tầm sư học đạo” ở các bậc thầy chơi đàn Tính tẩu. Năm 1960, Mào Văn Ết được cố nhạc sĩ Tạ Thâm - nguyên Trưởng khoa Âm nhạc, Trường Văn hóa, Nghệ thuật Tây Bắc mời về để khai thác kỹ thuật chế tác và đánh đàn truyền thống. Ròng rã 10 năm, đến năm 1970, Mào Văn Ết và nhạc sĩ Tạ Thâm đã cải tiến thành công bộ tính gồm tính cao, tính trung, tính đại; hình dáng đàn đẹp hơn, âm sắc đạt chuẩn. Quá trình cùng người thầy Tạ Thâm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, Mào Văn Ết đã học được nhuần nhuyễn kỹ thuật chế tác theo tiêu chuẩn lý tính, hóa tính và vật lý âm thanh. Độ tuổi mười tám, đôi mươi, Mào Văn Ết được tuyển làm “báo khỏa” (nhạc công đệm cho tốp múa của Then - các vị thần linh ở Mường Trời) trong lễ Kin Pang Then - Lễ tạ ơn, ăn mừng mệnh Then, là di sản đặc biệt được người Thái trắng tỉnh Điện Biên.

Những cây đàn Tính tẩu của Nghệ nhân Mào Văn Ết. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Những cây đàn Tính tẩu của Nghệ nhân Mào Văn Ết.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Trải qua nhiều đơn vị công tác như Đội ca nhạc dân gian Tây Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình Lai Châu, Sở Văn hóa, Thông tin Lai Châu, Hội Văn nghệ Lai Châu… ở cương vị nào ông Mào Văn Ết cũng trăn trở, nặng lòng với cây đàn Tính. Ông quên ăn, quên cả bóng nắng gắt gay bao trùm chỗ ông ngồi tỉ mẩn chế tác các chi tiết của cây đàn Tính tẩu. Lúc biểu diễn, ông say sưa, nhập tâm trên từng phím đàn, hòa điệu hát, bước chân, nhịp xòe như đưa người nghe, người xem lạc vào mùa lễ hội. Rồi tiếng đàn dẫn người nghe đi dọc khắp các triền sông, con suối miền Tây Bắc, nghe kể về chuyện đời, chuyện bản…

Nghệ nhân Mai Văn Ết cho hay, đàn Tính tẩu có 6 bộ phận nhưng đàn đạt chuẩn hay không lại ở bầu đàn (má tính tẩu) - hộp cộng hưởng âm thanh. Người chế tác phải chọn được quả bầu già (mắc tẩu), kích thước vừa phải, vỏ mỏng, đem cạo sạch lõi và phơi khô nhiều tháng, khi vỏ bầu hóa gỗ sẽ cưa đôi, lấy phần dưới làm bầu đàn. Mặt đàn (tép tính) thường được làm bằng gỗ cây, lát. Cần đàn (căn tính) làm bằng các loại gỗ nhẹ, mịn, ít bị cong vênh do nhiệt và lực căng của dây, như: sổi, vàng tâm, thông trắng…, độ dài cần đàn được làm theo độ dài ngắn sải tay của người chơi đàn. Khóa đàn (xe tính) thường sử dụng chất liệu là sừng của những con trâu già để làm, khi lên dây sẽ cho âm thanh chuẩn nhất. Bộ dây, âm vực có thể đạt đến 3 quãng 8, tuy nhiên người diễn chỉ dùng ngưỡng ở 2 quãng 8. Đàn tính tẩu có loại 2 dây, có loại 3 dây, có thể độc tấu, đệm cho hát, múa và hòa tấu cùng các loại nhạc cụ dân tộc thuộc bộ hơi, như: sáo trúc, sáo bầu, đàn nhị, pí pặp…“Cây đàn tính tẩu của người Thái trắng vùng Tây Bắc có điểm khác với cây đàn tính tẩu của các dân tộc Tày, Nùng vùng Ðông Bắc, bởi đàn tính tẩu của người Thái trắng Tây Bắc có mỏ đàn được cách điệu thành hình chiếc đuôi con gà trống. Tổng thể hài hòa hình dáng cây đàn tính tẩu của người Thái vùng Tây Bắc là biểu tượng của con gà trống - vật tổ của người Thái”, ông Mào Văn Ết cho biết.
Nghệ nhân Mào Văn Ết luôn tâm huyết, nặng lòng với cây đàn tính tẩu và những nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Nghệ nhân Mào Văn Ết luôn tâm huyết, nặng lòng với cây đàn tính tẩu và những nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Gần cả cuộc đời, ở các hoạt động trình diễn văn hóa dân tộc, chế tác và sử dụng tính tẩu, sáng tác và soạn nhạc dân gian..., Nghệ nhân Mào Văn Ết đều đóng góp rất lớn. Là một người lưu giữ nhiều làn điệu dân ca cổ của dân tộc, ông đã truyền dạy cho rất nhiều thế hệ học trò. Với những cống hiến đó, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ I năm 2015.
 
Phan Tuấn Anh - Hải An

Có thể bạn quan tâm