Liên hoan cồng chiêng, đàn hát dân ca tỉnh Quảng Ngãi

Tối 25/11, tại Công viên Cây Xanh (huyện Minh Long), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Minh Long tổ chức khai mạc Liên hoan cồng chiêng, đàn hát dân ca và Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi năm 2022.

Lien hoan cong chieng, dan hat dan ca tinh Quang Ngai hinh anh 1Tiết mục biểu diễn tại Liên hoan. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Liên hoan cồng chiêng, đàn hát dân ca và Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi năm 2022 thu hút gần 300 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên người Hrê, Cor, Ca dong đến từ 5 huyện miền núi là Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ và Minh Long tham gia. Các đơn vị mang đến Liên hoan những làn điệu dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian, hòa tấu nhạc cụ đậm đà bản sắc văn hóa của từng dân tộc, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người xem.

Bà Đinh Thị Thoang, huyện Minh Long chia sẻ: "Qua các tiết mục của các nghệ nhân, diễn viên đến từ các huyện bạn, tôi thấy được những nét văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, từ đó tôi cũng cần học hỏi, nâng cao nét văn hóa của dân tộc mình".

Lien hoan cong chieng, dan hat dan ca tinh Quang Ngai hinh anh 2Tiết mục biểu diễn tại Liên hoan. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Anh Phạm Văn Sây, nghệ nhân đến từ huyện Ba Tơ nói: "Tôi rất vui khi mang các tiết mục, bản sắc văn hóa của đồng bào Hrê đến với Liên hoan để quảng bá những nét đẹp về bản sắc của dân tộc mình đến khán giả".

Phát biểu tại Liên hoan, ông Nguyễn Liên Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Quảng Ngãi là nơi hội tụ, cộng cư của đồng bào các dân tộc thiểu số Hrê, Cor, Ca dong, tập trung chủ yếu ở 5 huyện miền núi. Trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số đã sáng tạo ra những giá trị di sản văn hóa, các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian quý báu, giàu bản sắc, được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, quá trình hội nhập và phát triển đất nước đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo tồn, phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Nhiều giá trị có nguy cơ bị mai một, sinh hoạt dân ca, dân nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian trong cộng đồng ngày càng thưa thớt, thậm chí ở một số nơi bị lãng quên. Thế hệ các nghệ nhân, diễn viên đang nắm giữ giá trị nghệ thuật quan trọng đã bước vào tuổi xế chiều, chưa kịp truyền lại sự đam mê, nhiệt huyết cho thế hệ kế tiếp.

Lien hoan cong chieng, dan hat dan ca tinh Quang Ngai hinh anh 3Tiết mục biểu diễn tại Liên hoan. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tin tưởng qua Liên hoan lần này, thế hệ trẻ sẽ trân trọng và biết cách gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật, trò chơi truyền thống của chính dân tộc mình, để các giá trị đó luôn trường tồn với lịch sử văn hóa, con người Quảng Ngãi, hòa chung vào dòng chảy của 54 dân tộc Việt Nam; các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên sẽ cống hiến cho khán giả những tiết mục đặc sắc, tinh thần thi đấu đầy ấn tượng, tạo nên một Liên hoan và Hội thi có nhiều bản sắc, ý nghĩa và đáng nhớ.

Liên hoan cồng chiêng, đàn hát dân ca và Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi năm 2022 diễn ra đến tối 26/11.

Đinh Hương

Tin liên quan

Độc đáo Tết Ngã rạ của đồng bào Cor ở Quảng Ngãi

Vào cuối tháng 10 (âm lịch) hàng năm, sau khi thu hoạch lúa rẫy, người Cor ở xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lại họp lại và định ngày tổ chức Tết Ngã rạ để tạ ơn ông, bà tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho dân làng.


Giữ gìn, phát triển Di sản nghệ thuật bài chòi ở Quảng Ngãi

Để Di sản nghệ thuật bài chòi không bị mai một, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập nhiều câu lạc bộ, nhóm bài chòi và đưa bài chòi vào trường học… Nhờ đó, trải qua bao thăng trầm, bài chòi đang được gìn giữ, trao truyền đến thế hệ trẻ.



Đề xuất