Lên Tủa Chùa thưởng thức chè tuyết

Lên Tủa Chùa thưởng thức chè tuyết

Với hơn 700 hộ đồng bào Mông ở xã vùng cao Sín Chải, cây chè luôn hiện diện trong cuộc sống của họ. Chè được sử dụng làm nước uống, làm thuốc, thậm chí để làm nước tắm chống rôm sảy cho trẻ nhỏ. Sín Chải là vùng trồng nhiều cây chè cổ thụ (chè cây cao) nhất huyện Tủa Chùa, với trên 3.000 cây.

 

Những cây chè cả trăm năm tuổi, cao trên 10 mét, tán rộng, búp to đều. Chè rất sạch, vì không sử dụng bất cứ loại hoá chất, phân bón nào trong quá trình chăm sóc, thu hái, sao chế và bảo quản. Mỗi ấm chè có thể pha đến vài lần nước mà vẫn giữ được màu xanh, càng uống càng thơm ngon, đậm đà. 

Ông Hạng A Chư, ở thôn Hấu Chua, xã Sín Chải, nhà còn nhiều chè cây cao nhất xã, mỗi năm thu nhập từ cây chè gần 100 triệu đồng:- Sinh ra khoảng 10 tuổi thì đã cùng cha mẹ đi hái chè. Cho đến giờ phút này cũng vẫn tiếp tục hái chè. Đúng mùa hái, có búp thì mình tự hái thôi. 2 lá 1 búp (1 tôm, 2 lá), không phải phơi nắng, mình cho vào máy sấy để khô trong máy thì lấy cái túi ni lông to đựng khoảng từ 50-60kg. Riêng với chè này, mình bảo quản theo cách buộc chặt túi ni lông để không hở tí nào thì kể cả một năm chè cũng không sao. Bây giờ chè có giá rồi, có kỹ thuật rồi, chè cũng giúp cho gia đình mình có thêm thu nhập.

che sg.jpg

Sín Chải là vùng trồng nhiều cây chè cổ thụ nhất huyện Tủa Chùa, với trên 3.000 cây. Ảnh: dantri.com

Chè cây cao ở Sín Chải và các xã có chè ở huyện Tủa Chùa từng bị lãng quên do người dân chưa có kỹ thuật chăm sóc, thu hái, sao chế; giá chè bấp bênh, đầu ra không ổn định. UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển vùng chè tại 4 xã phía Bắc của huyện Tủa Chùa, giai đoạn 2006 – 2015. Đảng bộ huyện xây dựng Nghị quyết chuyên đề về bảo tổn và phát triển cây chè tuyết cổ thụ Tủa Chùa, tạo điều kiện để Công ty cổ phần giống nông nghiệp Điện Biên đầu tư, bao tiêu sản phẩm chè cho nông dân. Bên cạnh gìn giữ ổn định gần 10.000 cây chè, từ năm 2009 đến 2014, huyện Tủa Chùa đã đầu tư trồng mới được gần 200ha chè tập trung, nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên 500ha.

Riêng xã Sín Chải đã trồng mới hơn 54ha chè cây cao. Để khuyến khích người trồng chè, huyện hỗ trợ thêm 3.000đ/kg chè búp tươi cộng vào giá thu mua của doanh nghiệp, giúp người trồng chè có giá bán ổn định 13.000 đồng/1kg chè búp tươi. Người dân thấy được lợi ích thực sự từ cây chè nên đã chú trọng kỹ thuật thu hái, đốn tỉa, tạo tán cây chè và tiếp tục trồng mới.

 

Năm 2010, Công ty Giống nông nghiệp Điện Biên đã thu mua của nông dân trên 50 tấn chè sand tuyết búp tươi, năm 2013 là 60 tấn, và năm 2014 khoảng 80 tấn, với giá bình quân 12.000 -13.000 đồng/kg. Sau khi sơ chế thành phẩm, chè được bán ra thị trường, giá từ 150 nghìn đồng đối với chè cây thấp và 300 nghìn đồng đối với chè cây cao. Với nguồn nguyên liệu đủ để Công ty sản xuất quanh năm và giá ổn định như hiện nay, doanh nghiệp có lãi và người dân trồng chè có thu nhập ổn định.

 

Huyện Tủa Chùa phấn đấu năm 2015 sẽ có hơn 600ha chè, riêng xã Sín Chải trồng mới khoảng 60ha chè cây cao. Bài toán về xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, gìn giữ uy tín, chất lượng chè đang được chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân nỗ lực thực hiện.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm