Lên thăm Hòn Bà

Lên thăm Hòn Bà
Trên đỉnh Hòn Bà.
Trên đỉnh Hòn Bà.

Trước khi đặt chân lên cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng), vị bác sĩ người Pháp tận tụy Alexandre Yersin đã tìm lên đỉnh Hòn Bà (nay thuộc xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) để trồng và nghiên cứu dược liệu, trong đó có cây thuốc chiết xuất chất ký ninh điều trị sốt rét rừng. Các loại cây thuốc này thích hợp với vùng núi cao, khí hậu mát mẻ quanh năm. Vì thế, khi nhìn thấy đỉnh Hòn Bà, bác sĩ Yersin đã chuẩn bị mọi thứ và đi ngựa từ Suối Dầu lên đỉnh. Nằm khá gần biển, cách khoảng 20-30 cây số đường chim bay, nhưng ngọn núi có độ cao 1.578 mét này lại có đới khí hậu lạnh. Mùa mưa kéo dài hơn 2/3 số ngày trong năm, sương mù bao phủ gần như quanh năm vào hai buổi sáng sớm và chiều tối. Điều kiện khí hậu khá thuận lợi để bác sĩ Yersin khởi đầu cho những công trình nghiên cứu của mình.

Gần đỉnh núi, trên một dãy đất lý tưởng để ngắm đất trời bao la và biển cả mênh mông, bác sĩ Yersin đã dựng ngôi nhà sàn đen tuyền làm từ gỗ quý trong rừng. Xung quanh nhà, ông tận dụng những bờ đá tạo nên những ô đất trồng dược liệu, máng cỏ cho ngựa và hồ chứa nước mưa sinh hoạt. Thời kỳ đó, người dân ở phía xa chân núi; cho đến khi ông thân chinh lên đây, toàn bộ ngọn núi này không có dấu chân người. Vì thế, bác sĩ Yersin nương nhờ vào thiên nhiên để sinh sống và trồng dược liệu. Vườn dược liệu do ông khai phá hiện được bảo tồn nguyên vẹn ở bên trái ngôi nhà gỗ. Cạnh một phiến đá to, vẫn còn cây trà do đích thân ông mang lên đây trồng từ trăm năm trước để dùng. Người ta bảo rằng, đó là cây "trà tổ" của cây trà được trồng ở Cầu Đất, Bảo Lộc (Lâm Đồng) ngày nay.

Đường lên đỉnh Hòn Bà.
 Đường lên đỉnh Hòn Bà.

Bác sĩ Yersin là người phát hiện và đề xuất với nhà cầm quyền thời bấy giờ phát triển những vùng đất hoang vu, xa xôi, nhưng lại có giá trị lớn về kinh tế, giúp phát triển ngành du lịch sau này. Trước khi phát hiện ra Đạ Lạch tức Đà Lạt ngày nay, ông đã giúp Khánh Hòa phát hiện vùng ôn đới giữa miền biển. Khoảng năm 1990, địa phương đã chú trọng phát triển du lịch trên đỉnh Hòn Bà- nơi được mệnh danh là "Đà Lạt ở miền biển". Không chiều theo ý thích tiện nghi và thuận lợi của du khách, ngọn núi này vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ của nó. Nếu không có ngôi nhà dài để đón khách và trạm kiểm lâm phía đối diện thì toàn bộ không gian trên đỉnh Hòn Bà vẫn y như nguyên bản của một thế kỷ trước. Không phát triển mạnh về du lịch nhưng khu vực này được bảo tồn rất tốt từ di tích đến thiên nhiên. Ngôi nhà sàn gốc của bác sĩ Yersin bị xuống cấp, mục nát và được thay thế bằng một ngôi nhà sàn khác theo nguyên bản ban đầu, ngay trên nền gạch ngày trước mà ông đã chọn. Thiên nhiên được giữ nguyên toàn gỗ quý, cổ thụ ẩn mình trong sương mù. Nếu có nhiều thời gian, du khách có thể tản bộ trong rừng để ngắm những thân cây to, cao vút, thân phủ rong rêu; những dây leo lâu năm, dây to và cứng như thân gỗ xoắn xuýt giăng từ cây này qua cây khác; những nhánh lan rừng mọc gởi trên cây khoe sắc; những đàn linh trưởng quý phát hiện người xao xác chuyền cành lẩn trốn trong chốc lát; hoặc yên lặng lắng nghe tiếng tim hót lảnh lót giữa rừng già…

Điều tuyệt vời nhất khi lên đỉnh Hòn Bà là được hít thở không khí trong lành trong cái lành lạnh của buổi sớm. Từng vạt sương như chuyền cành bay lất phất rồi quấn quýt bên du khách như đùa giỡn, như lời chào trước khi bay sang ngọn đồi khác. Từ vị trí của ngôi nhà sàn của bác sĩ Yersin, du khách có thể ngắm mây bồng bềnh trong nắng sớm. Bình minh lên, sương chưa tan. Mây vẫn bao trùm không gian. Từ chỗ đứng này, phóng tầm mắt về hướng Lâm Đồng, Đắk Lắk là núi non trùng điệp ẩn trong mây chỉ nhú lên phần chớp màu lam huyền thoại. Khi nắng lên thật cao, biển mây tan dần như thể nắng vén bức màn để du khách nhìn về miền biển. Đến giữa trưa, không khí mới ấm áp trở lại như sắc thu. Tuyệt nhiên, nơi đây không có chỗ cho mùa hè oi bức mà chỉ có mùa đông bao phủ hết ¾ số giờ trong ngày. Những người trú ngụ trên đỉnh Hòn Bà bảo rằng, chờ trưa nắng gắt thì tranh thủ tắm rửa chứ khoảng 2 giờ chiều tiết trời đã lành lạnh rồi. 4 giờ chiều, sương mù từ trên đỉnh tràn xuống và nhanh chóng bao phủ độ cao từ 1.000 mét trở lên.

Chiều dài đường núi từ hồ Suối Dầu ở chân núi lên tới nhà sàn bác sĩ Yersin khoảng 37 cây số, thích hợp cho du lịch khám phá, chinh phục con đèo khá ngoạn mục và nguy hiểm. Cặp theo đường là con suối lớn, quanh năm nước đổ. Trên dòng là những hồ nhỏ đọng nước. Nơi đây rất thích hợp cho những chuyến picnic, dã ngoại và cắm trại vào dịp cuối tuần, ngày lễ…

Kinh nghiệm đi xe gắn máy lên Hòn Bà

Hòn Bà còn khá xa lạ trong các lịch trình tham quan của du khách khi đến miền biển Nha Trang. Phần lớn khách muốn lên đây đều phải đặt trước với nhà tổ chức tour hoặc tự thuê xe gắn máy, taxi để di chuyển.

Quãng đường lên Hòn Bà dài khoảng 60 cây số, tính từ trung tâm thành phố Nha Trang, có đến 2/3 là đường đồi núi với những cua tay áo quanh co liên tục. Đoạn từ độ cao 1.000 mét trở lên, đường gấp khúc nguy hiểm, phải di chuyển với tốc độ chậm, chỉ 20-30km/giờ. Bốn giờ chiều đã có sương mù, nếu không có ý định ngủ lại đỉnh núi, khách nên tranh thủ xuống núi sớm vì sương mù xuống rất nhanh, tầm nhìn xa chưa tới 5 mét, rất nguy hiểm để di chuyển đường đèo. Khi di chuyển bằng xe gắn máy, du khách phải đổ đầy bình xăng; và kiểm tra thắng xe, vỏ-ruột xe trước khi xuất phát. Toàn bộ tuyến này không có trạm xăng và điểm sửa xe.

Dịch vụ lưu trú trên đỉnh Hòn Bà duy nhất có nhà dài và bungalow của Yasaka Sài Gòn – Nha Trang. Đây là hệ thống resort 4 sao nhưng giá khá mềm: 100.000 đồng/khách ngủ tập thể ở nhà dài và 500.000 đồng/bungalow/đêm cho hai khách. Dùng bữa giá khoảng 80.000-90.000 đồng/khách. Ngoài ra, khách có thể tự mang theo thức ăn dùng trong suốt chuyến đi. Nghỉ lại đêm, du khách cần chuẩn bị đồ ấm. Nhiệt độ ban đêm có thể xuống dưới 150C, sương mù dầy đặc.

Nếu muốn cắm trại, du khách có thể liên hệ với trạm kiểm lâm để được cắm trại trong rừng. Hoặc di chuyển xuống độ cao dưới 1.000 mét, cắm trại bên suối tại các điểm du lịch sinh thái. Ở đây, có dịch vụ ăn uống phục vụ khách tới tắm suối, cắm trại với giá phải chăng.

Báo Cần Thơ điện tử

Có thể bạn quan tâm