Lễ Xăng Khan trong tâm thức của đồng bào Thái Nghệ An

Lễ Xăng Khan trong tâm thức của đồng bào Thái Nghệ An
Nghi lễ này được bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở khu vực miền Tây Nghệ An.

Theo tiếng Thái, “xăng khan” là dặn dò và đáp lời, người Thái cho rằng “Xăng” là lời nhắn của ông mo thầy (nài khù) đã khuất đối với ông mo đã được dạy nghề (lực xít) còn sống, Khan là lời hứa của lực xít hứa hẹn để làm những điều tốt lành hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Lễ Xăng Khan là ngày tạ ơn tổ tiên, tạ ơn các thầy mo (pó pù) đã dạy cách bốc thuốc, chữa bệnh và cứu người và tạ ơn thần linh đã phù hộ cho mo cứu chữa người bị bệnh.
 
Một nghi thức trong lễ hội Xăng Khan ở huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An). Ảnh: Báo Nhân dân.
Một nghi thức trong lễ hội Xăng Khan ở huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An).
Ảnh: Báo Nhân dân.

Thông thường cứ 3 - 5 năm một lần, vào khoảng tháng 11, 12 hoặc vào mùa xuân, tháng 2, tháng 3 (theo cách tính lịch của người Thái), khi mùa màng đã thu hoạch xong, các thầy mo lại tổ chức Lễ hội Xăng Khan. Thời gian thực hiện các nghi lễ diễn ra từ 2 - 3 ngày tại gia đình của thầy mo.

Để tổ chức được một lễ Xăng Khan, trước đó, gia đình ông Mo đã phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm như: Tiền, gạo, gà tối thiểu hàng chục con, lợn một con trên 50kg, rượu siêu, rượu cần (rượu trấu) trên vài chục vò,...Công tác chuẩn bị được tiến hành hàng năm trước đó tùy theo điều kiện của mỗi gia đình.

Lễ vật chuẩn bị cho Nghi lễ Xăng Khan gồm có: một mâm cúng gồm: 01 đĩa trầu cau, 02 chai rượu, 04 chén nhỏ, 01 đĩa hoa thờ gọi là “Khẳn hà”, một cuộn sợi vải trắng gọi là “phài coóng ó”, một cái kiếm dài gọi là “đáp”, một bát gạo đầy trong có một quả trứng gà sống đặt trên miệng bát, những thỏi đồng hoặc bạc gọi là “ngân xiên” (thanh bạc, bạc thanh), một ngọn nến bằng sáp ong thắp đỏ hoặc đèn…tất cả được bày trên một cái mâm nhôm có lót một tấm vải thô (vải mộc của đồng bào dân tộc) gọi là “phướn khài”.

Lễ vật chuẩn bị cho Nghi lễ Xăng Khan gồm có: một mâm cúng gồm: 01 đĩa trầu cau, 02 chai rượu, 04 chén nhỏ, 01 đĩa hoa thờ. Ảnh: Báo Dân trí.
Lễ vật chuẩn bị cho Nghi lễ Xăng Khan gồm có: một mâm cúng gồm: 01 đĩa trầu cau, 02 chai rượu, 04 chén nhỏ, 01 đĩa hoa thờ. Ảnh: Báo Dân trí.

Về đồ lễ nghi, không thể thiếu được cây hoa gọi là cây “xằng tang” hay còn gọi là cây boọc mạy. Cây làm từ thân cây tre hoặc nứa được trang trí đẹp mắt với nhiều hoa văn, họa tiết, nhuộm màu xanh đỏ, tím vàng xâu lại xen kẽ lẫn nhau, được trai gái bản lấy từ rừng về nhuộm nhiều màu. Cây xằng tang là một biểu trưng quan trọng của Lễ Xăng Khan. Nhìn vào số lượng cây xằng tang được treo trên kèo nhà ông mo, mọi người biết được uy tín của ông mo.
 
Bên cạnh cây xằng tang còn có tháp 9 tầng được làm bằng khung nứa, chằng các sợi tơ nhiều màu gọi là “cầu thàn” (chín tầng), có bụng cá làm bằng khung nứa theo hình một con cá gọi là “pụm pa”, có làn ghế ngồi của ma chủ mường môn…gồm ba kiếm gỗ cột chéo nhau gọi là “tặng kẹo” và còn có cây “xằng boọc” là những bông hoa tươi được hái từ trong rừng. Ngoài ra còn có những chiếc ô vải hình vuông trang trí các cạnh có viền rua bằng các sợi vải hoặc thắt các con sót trúc nhỏ, gọi là “cúp hồm” (nón che) được quy định số lượng.

Để tổ chức Lễ Xăng Khan, các thầy mo cử ra một ban hành lễ gồm “chà kháy”, “chà cống”, bộ phận “bào tồn ô”, “xảo chìa pô”, mỗi người được phân công nhiệm vụ riêng như: Thầy mo có mo chủ (làm chủ tế) và các mo bạn “làm bồi tế”. Số lượng mo bạn nhiều hay ít tùy thuộc vào khả năng gia đình mo chủ mời và quy mô của cuộc lễ. Mo chủ và các mo bạn thay nhau đọc các bài cúng và đóng các vai ma. Mo chủ chịu trách nhiệm đọc các bài cúng và đóng các vai ma quan trọng. Ngoài mo chủ còn có mo khu (Pò khu) là người thầy dạy nghề cho mình cũng được mời về làm chủ tế.  Bộ phận chà kháy, chà cống: Chà kháy là một ông mo thạo việc có nhiệm vụ đánh cồng điều hành các nghi lễ, mời rượu các mo đóng vai ma. Chà cống là những người đánh trống, chiêng, xụp xoẻng. Các cô gái trẻ đánh “tặng boong bù”, múa “cúp hồm” phục vụ các trò diễn, múa hát của các mo khi mời từng bậc thần đến nhập (tương đồng tục lên đồng của người xuôi)...

Nghi lễ Xăng Khan diễn ra trong không khí linh thiêng mang âm hưởng của núi rừng, cũng là một nghi lễ hết sức độc đáo thể hiện bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây xứ Nghệ. Mỗi ông mo chủ ở mỗi bản, làng, khác nhau thì có cách thức tổ chức Lễ Xăng Khan riêng của mình, song cơ bản đều tiến hành theo các nghi thức chủ yếu sau:

Lễ “Pay toọc tang” (đi tọng ruột cây tang). Theo quan niệm của các thầy mo môn, đây là nghi lễ quan trọng của Lễ Xăng Khan để có nguyên liệu làm cây xằng tang, nên phải đi vào ngày “khỏa ngáng”. Trước khi đi phải mở vò rượu cúng báo cáo với ma nhà và xin ma nhà phù hộ, phải có một số đồ thờ đưa vào rừng nơi có cây tang cúng xin thần rừng. Trước khi chặt cây, ông mo chủ bày lễ vật xin phép thần rừng thần núi. Khi chặt cây tang, ông mo chủ phải chặt trước và làm thận trọng, nhất là việc đẩy ruột bấc của cây tang ra khỏi phần thân gỗ làm sao cho ruột bấc thoát nhanh, tung lên cao và không nát vụn ra để cầu may cho lễ hội của mình được tốt đẹp. Ruột bấc cây tang đem về được cắt ra thành từng khúc, từng mẩu nhuộm thành nhiều màu (màu được tạo ra bằng các loại vỏ cây, lá cây được nấu nhừ rồi cô lại, sau đó pha theo công thức truyền thống trở thành các màu theo ý muốn) để làm các thứ như: Dây tàng xoi, dây xái mường, cành hoa tang chò, các con chim, con vật.

Cây tre để làm cột trụ cây hoa phải chọn những cây tre già, có ngọn hướng về phía mặt trời mọc, tránh chặt cây có dây leo vấn quanh thân cây. Cây tre làm cột trụ cây hoa, đoạn gốc được chẻ thành nhiều phần và uốn tạo tượng trưng những chiếc rễ vững chãi để mưa to gió lớn cũng không đổ. Độ cao của cây xằng tang trong mỗi lần ông mo tổ chức lễ hội không giống nhau, lần thứ nhất cây hoa có thể cao từ 1,4 m đến 1,5 m, các lần tiếp theo thì làm cao dần hơn lần trước. Trên cây tre, người ta đục khoét nhiều lỗ để cắm các nhành hoa, các loại quả, chim, muông thú tượng trưng. Tre, nứa được chặt hoặc chẽ ra để làm ống đựng nước uống rượu cần, đan các mâm lễ, đan hình các con chim, con vật như “tô chắc chằn” (con ve sầu), “nộc cá léo” (chim quạ), “ngua pà” (bò rừng)… Các hình hoa, quả, muông thú được làm từ nhiều nguyên liệu như tre, nứa, bấc cây tang, cây sắn, ruột bầu phơi khô hay các hình vẽ trên giấy. Các con vật được nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng... sặc sỡ, sinh động,... Tất cả các thứ nói trên làm được đến đâu thì gom lại, dắt hay treo trên quanh vách nhà, hoặc các cột nhà, không được để vương vãi trên nền nhà và phải hoàn tất trước ngày vào hội. Ngoài cây xằng tang, người ta còn dựng hai cây mía để nguyên lá và một cây xằng bọoc là cây hoa thật được cắm và trang trí vào nhiều loại hoa rừng.

Và vật không thể thiếu trong lễ hội là cây Boọc mạy được dựng ngay giữa nhà là nơi để hành lễ. Ảnh: Báo Dân trí.
Và vật không thể thiếu trong lễ hội là cây Boọc mạy được dựng ngay giữa nhà là nơi để hành lễ. Ảnh: Báo Dân trí.

Lễ đón “mo khu”, “mo bạn” (mo thầy, mo bạn): Trước 3 ngày mở lễ hội, mo chủ đi mời mo khu và các mo bạn. Đến giờ hẹn, pò khu và mo bạn cùng vợ và các xảo chớ mang theo đồ hành nghề (quạt và kiếm) đến ông mo chủ. Khi đến ngõ, xảo chớ đánh cồng báo hiệu. Mo chủ ra mời khách vào nhà với thái độ hết sức khiêm tốn, thể hiện lòng kính trọng. Khi pò khu, mo bạn và khách khứa vào nhà xong, mo chủ mở vò rượu khấn xin ma nhà được đón tiếp pò khu và các mo bạn đến giúp lễ. Khách ngồi quanh vò rượu cần khấn xin ma nhà của mình được giúp mo chủ làm lễ, rồi cùng uống trong không khí cộng cảm thiêng liêng. Sau vài tuần rượu, mọi người sửa soạn vào nghi thức xạc húa (gội đầu).

Theo phong tục, trước khi vào làm việc cúng tế, mọi người phải ra suối gội đầu, gọi là xạc húa, tẩy trần cho hồn vía được mát mẻ, khỏe mạnh, sạch sẽ, nếu không thì tổ tiên và thần linh trách phạt, việc hành lễ sẽ khó thành. Thành phần làm lễ xạc húa có mo khu tay cầm nến đỏ, lưng đeo kiếm, đầu chít khăn thổ cẩm đỏ đi trước, tiếp sau là các mo bạn, mo chủ. Đi sau mỗi mo là các xáo chơ, bào chơ bưng đĩa trầu cau, rượu, chậu nước gạo có bồ kết, người cầm cúp hồm, cầm cồng. Vừa đi vừa đánh cồng, đến nơi nguồn nước, mọi người dừng lại đứng quanh mo khu. Mo khu khấn xin “bò nậm” (thần nguồn nước). Khấn xong, mo khu hiến rượu, hiến trầu cau xuống suối, rồi lấy nước suối vào chậu nước bồ kết và nhúng tay vào chậu, lấy nước lần lượt xoa lên chỏm đầu cho từng người một. Gội đầu xong, các mo rút kiếm ra rửa nước suối, vì họ tin rằng, nếu kiếm được rửa cẩn thận sẽ sắc hơn, linh nghiệm hơn khi diệt ma tà.

Sau lễ gội đầu, mọi người trở về nhà sửa soạn vào lễ khảy đản. Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong Nghi lễ Xăng Khan. Bắt đầu vào buổi lễ Chà kháy đến ngồi cạnh “tặng kẹo”, dóng lễ một hồi trống dài. Các mo đến ngồi quanh “phướn khài”, sửa sang lại khăn chít đầu, rút kiếm ra đặt vào phướn khài, một tay cầm quạt, một tay cầm ngọn nến, ngồi nghe mo khu đọc bài cúng “bắc châu hinh”, châu là chủ, hinh là bàn thờ (nơi ở của ma chủ nhà), theo điệu xến để mời tổ tiên ở bàn thờ môn xuống kiểm tra việc chuẩn bị lễ của con cháu, cúng báo cho các ma ở mường trời biết gia đình có tổ chức Lễ Xăng Khan và mời về hưởng lễ và báo cho tất cả các ma núi, ma sông, ma thổ địa, thổ công biết và xin đừng quấy phá để cuộc lễ được kết quả tốt đẹp,…

Cúng xong, cầm lấy xe rượu và dắt cây sáp đỏ lên cần của mình làm thành một vòng hoa đăng quanh chum rượu và cùng uống say sưa theo lời nhuôn mời của các mo hòa lẫn với tiếng nhạc đệm của trống chiêng vang vọng cả một vùng rừng núi dưới ánh sáng huyền ảo, lung linh của các ngọn nến, đây cũng được xem là phần hội đan xen phần lễ.

Đến nửa đêm thì tổ chức lễ dựng cây tang, trong tiếng Thái có nghĩa là púc xằng tang. Khi thời khắc sang ngày mới vừa đến, chà kháy liền nổi cồng liên tục. Nghe tiếng cồng giục giã, mọi người tập trung về giữa nhà. Cây xăng tang đã được đưa ra đặt sẵn giữa nhà, gốc cây tựa xuống sàn nhà, ngọn cây hướng lễ phía trong bàn thờ. Con cháu xúm lại hai bên đưa tay đỡ cây tre. Vợ chồng mo chủ đứng dưới gốc cây với hàm ý mo chủ phải gánh vác nhiều. Những người còn lại lấy các thứ: Tang xòi, tang chò, chim, thú vật và hoa tươi đã chuẩn bị cắm vào các lỗ hổng của cây. Ngoài ra họ còn treo các dụng cụ sinh hoạt như sọt, chõ đựng xôi lên cây. Các mo đứng vòng quanh giơ kiếm, đầu mũi có nến sáng, vừa soi, vừa cao giọng đọc bài cúng theo điệu nhuôn. Các xáo chơ cầm cúp hụm múa vòng quanh. Tiếng cồng, chiêng thi nhau nổi lên như giục giã mọi người khẩn trương lên cho cây hoa kịp dựng lên đón các thần linh về dự lễ ngay từ giờ đầu của ngày mới .

Khi mọi thứ đã được cắm hết vào cây, mo khu hô lên một tiếng lớn “púc xằng tang” (dựng cây hoa). Cây hoa từ từ được nâng lên đứng thẳng giữa nhà, khi cây xăng tang đã được dựng lên vừa ý, người ta buộc vào đầu cây xăng tang một dây xái mường dài trên 10m và đầu còn lại cho thòng xuống giữa phướn khài để làm đường lên xuống cho các thần linh về dự lễ. Phía dưới chân cây được cột vào 3 vò rượu, 1 vò to và 2 vò nhỏ, để tượng trưng cho ba mường: mường phà, mường lum và mường piếng. Khi cây xăng khan đã dựng, nến đã thắp lên, không ai được đụng vào nữa, vì đây là vật thiêng. Bên cạnh đó, công tác bày biện mâm lễ cũng được các mo đọc bài xướng các vật phẩm và hướng dẫn mọi người soan lễ để đặt lên bàn thờ để mời các ma về hưởng lễ, tất cả các hoạt động tạo cho không khí lễ hội thêm tấp nập, nhộn nhịp. Tiếng trống, tiếng cồng, chiêng ngày càng vang xa. Nhạc điệu lời cúng của các mo cũng ngày càng du dương, thiết tha hơn càng làm cho mọi người như được thăng hoa lên trong không gian thiêng của lễ hội.

Kết thúc lễ cũng ma nhà là lễ cúng mời mà Tạo mường ở trên trời về dự lễ cùng gia đình, tiếng Thái gọi là  bắc tôn hình (lễ cúng mời ma về dự lễ). Cứ mỗi nhóm ma ( hoặc gọi là Phí giống như  thần của mgười Kinh thường gọi) xuống gọi là một “muột” (Tốp), thứ tự là các loại thần linh gắn với từng ước mơ cũng của đồng bào dân tộc Thái. Bên cạnh đó thì các thầy mo cũng đọc những bài cúng ca ngợi vẻ đẹp cây xằng tang gọi là Lễ Chánh tang.

Ngoài các nghi lễ trên, trong Lễ hội Xăng Khan còn tổ chức một số nghi lễ khác như: Lễ cúng ma rừng để nhân dân được yên ổn làm ăn; Lễ cầu yên để các gia đình được an khang vật thịnh; Lễ thử thần trứng (nàng ò) để biết được tài nghệ của các thầy mo; Lễ xiểng xưa, nghĩa là bói áo; Lễ cuột xiểng vắn nọc noong (kiểm tra vía con cháu), Lễ áo nhông pê lầu (thần Khơ mú mang lễ về trời) và cuối cùng là Lễ păm xăng tang (hạ cây tang). Kết thúc nghi lễ, chủ nhà là người trực tiếp hái hoa đem tặng cho mọi người, mỗi bông hoa là một phần thưởng tượng trưng cho bổng lộc và sự may mắn trong cuộc sống. Bằng lời hát chia tay thắm thiết hẹn kỳ hội sau gặp lại và lúc này trời cũng vừa sáng, mọi người trở về tiếp tục với công việc hàng ngày của mình.

Xăng Khan là một nghi lễ mang đậm bản sắc văn hoá tâm linh tiêu biểu trong sinh hoạt đời sống của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An. Ảnh: Báo Dân trí.
Xăng Khan là một nghi lễ mang đậm bản sắc văn hoá tâm linh tiêu biểu trong sinh hoạt đời sống của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An. Ảnh: Báo Dân trí.

Lễ Xăng Khan không những có nhiều nghi thức, nghi lễ mà còn có rất nhiều trò diễn, trò vui. Cứ sau mỗi nghi lễ là một trò diễn minh họa cho nội dung của nghi lễ, mô phỏng lại các hành vi của các thần linh, các ma có trong nghi lễ đó. Hết nghi lễ này, trò diễn này lại đến nghi lễ khác, trò diễn khác, cứ như thế cho đến lúc tan hội với nhiều trò diễn xướng độc đáo như: Múa, hát nhuôn, hát xuối, khắc luống, đánh cồng chiêng, gõ boong bu, thổi khèn …

Xăng Khan là một nghi lễ mang đậm bản sắc văn hoá tâm linh tiêu biểu trong sinh hoạt đời sống của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An. Lễ Xăng Khan tuy là một lễ gần như mang tính nghề nghiệp để cầu yên báo đáp ơn tình của những người làm nghề mo nhưng đã trở thành một sinh hoạt văn hoá rất được đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An quan tâm và hồ hởi chờ đón. Xuất phát từ ý nghĩa trên nên mỗi khi ở bản làng nào đó có Lễ Xăng Khan thực sự là ngày hội tưng bừng đối với mọi người. Cũng từ lễ này, những điệu nhảy, những câu hát mang hình thức diễn xướng đã được nhiều đơn vị nghệ thuật quần chúng phát triển thành những tiết mục văn nghệ mang tính nghệ thuật truyền thống đáp ứng nhu cầu thưởng thức của mọi người trong các kỳ hội diễn hàng năm. Với sự độc đáo của nghi lễ, kết hợp với việc bào tồn phát huy tốt, Lễ Xăng Khan đã được Bộ Văn hóa, Thể thao  và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.

Theo thegioidisan.vn

Có thể bạn quan tâm