Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” lần thứ 8

Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” lần thứ 8
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ.
Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Phụ trách Đảng bộ Hà Nội Phạm Quang Nghị và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng tham dự và trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú cho 377 nghệ sỹ.

 

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng cho những đại diện tiêu biểu của đội ngũ văn nghệ sỹ cách mạng, những người có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết với nghề nghiệp, có tài năng nghệ thuật, có nhiều cống hiến to lớn, góp phần trực tiếp xây dựng và phát triển nền nghệ thuật cách mạng của đất nước, được đồng nghiệp và nhân dân tin yêu. Những năm qua, anh chị em văn nghệ sỹ đã kế thừa, phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa của dân tộc, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, là những cán bộ, chiến sỹ tài năng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sỹ, những người đã góp phần củng cố, chấn hưng và làm vinh quang nền nghệ thuật cách mạng, trong đó có những đóng góp tích cực của các Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân cho các nghệ sĩ. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân cho các nghệ sĩ. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

Chủ tịch nước nêu rõ: Hiện nay, trong bối cảnh tình hình hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa, sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, truyền thông, truyền bá sản phẩm nghệ thuật, công nghệ giải trí diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, các cường quốc đều sử dụng "sức mạnh mềm" để cạnh tranh, mở rộng ảnh hưởng, vai trò. Các thế lực xấu tăng cường các hoạt động "diễn biến hòa bình", xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đe dọa an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa của đất nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và mặt trái của cơ chế thị trường tác động tiêu cực, làm nảy sinh những khuynh hướng lệch lạc trong sáng tác, biểu diễn của một số nghệ sỹ và thị hiếu của một bộ phận công chúng. Những điều này đang đặt ra cho lĩnh vực nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sỹ nước ta những thời cơ và thách thức. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta mong muốn, tin tưởng rằng, các văn nghệ sỹ sẽ tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, tài năng và phẩm chất đạo đức, kế thừa, phát huy truyền thống vinh quang của văn nghệ cách mạng, của văn hiến Việt Nam, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, có những tác phẩm mang tầm thời đại, xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, truyền bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu Nghễ sỹ Nhân dân cho nghệ sĩ Vũ Thị Minh Huệ. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu Nghễ sỹ Nhân dân cho nghệ sĩ Vũ Thị Minh Huệ. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong rằng, các văn nghệ sỹ được trao tặng danh hiệu cao quý “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động nghệ thuật, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ các nghệ sỹ trẻ trưởng thành, kế tục xuất sắc truyền thống của các thế hệ cha anh.

Chủ tịch nước cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới" và "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020"; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các văn nghệ sỹ phát huy tài năng, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang, có những đóng góp to lớn hơn nữa cho đất nước...

 

Đợt trao tặng lần thứ 8 này có 102 Nghệ sỹ Nhân dân và 377 Nghệ sỹ Ưu tú thuộc 7 dân tộc anh em gồm: Kinh, Thái, Ê-đê, Tày, Nùng, Khmer, Cơ-tu; đa dạng, nhiều lứa tuổi, có tính kế thừa trong từng chuyên ngành. Nghệ sỹ cao tuổi nhất được phong tặng lần này là Nghệ sỹ Ưu tú Nguyễn Văn Hanh, 89 tuổi, nguyên diễn viên hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Về nữ, cao tuổi nhất là Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thị Tuyết, 85 tuổi, nghệ sỹ ngâm thơ, Đài Tiếng nói Việt Nam. Ít tuổi nhất là các nghệ sỹ thuộc lĩnh vực múa: Nghệ sỹ Ưu tú Tạ Thùy Chi, Trường Trung cấp Múa Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nghệ sỹ Ưu tú Đàm Hàn Giang, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nghệ sỹ Ưu tú Đặng Linh Nga, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Thành phố Hồ Chí Minh. Cả 3 nghệ sỹ này đều 30 tuổi...

 

Trong số các nghệ sỹ được phong tặng lần này có cố Nghệ sỹ Ưu tú La Thị Cẩm Vân được truy tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân do bà đã cống hiến tâm huyết ở vai trò biên đạo múa của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế./.

Có thể bạn quan tâm