Lễ trả ơn-Ngày hội nhỏ của gia đình Bahnar

Lễ trả ơn-Ngày hội nhỏ của gia đình Bahnar
Ấm lòng ân nhân

Gia đình ông Y Thương và bà Nay Nhoa ở làng Kto (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa, Gia Lai) vừa làm lễ Soi pne công roong lăng cho gia đình ông Rưch và bà Klưch (làng Klot, cùng xã), là cô chú họ của ông bà, vốn từng cưu mang, giúp đỡ lúc gia đình họ gặp khó khăn trong cuộc sống. Ông Y Thương kể: “Lúc ấy, gần 20 năm trước, nếu không nhờ gia đình cô chú Rưch, Klưch giúp vợ chồng tôi,  cho ăn ở tại nhà và chỉ cho cách tăng gia sản xuất để cuộc sống dần ổn định thì chúng tôi không có được ngày hôm nay. Cô chú cũng chỉ bảo tận tình cách đoàn kết cộng đồng, cách sống biết quan tâm đến mọi người xung quanh… vì vậy chúng tôi coi cô chú như cha mẹ”. Còn bà Nay Nhoa, vợ ông, chia sẻ: “Trong suốt thời gian qua gia đình vẫn còn khó khăn nên mãi đến bây giờ mới có điều kiện để trả lễ cho cô chú, đó là niềm hạnh phúc lớn của bản thân và gia đình. Gia đình cháu hôm nay có đập heo cho cô chú thể hiện tấm lòng biết ơn, mong cô chú nhận với sự chứng kiến của bà con dòng họ”. Nói xong bà Nay Nhoa tặng 2 chiếc áo mới cho ông Rưch và bà Klưch, còn ông Y Thương tặng nguyên phần đùi và một số bộ phận của con heo đến tận tay cô chú mình.
 
Lễ Soi pne công roong lăng ở gia đình ông Y Thương.
Lễ Soi pne công roong lăng ở gia đình ông Y Thương. 

Về phía gia đình ông Rưch và bà Klưch, sau khi nhận lễ đã gọi tất cả con cháu họ hàng của 2 gia đình lại giới thiệu tên tuổi từng người và căn dặn: “Các con, các cháu 2 gia đình đều là một nhà. Vì vậy trước đây, bây giờ và sau này cũng phải biết quan tâm, yêu thương chăm sóc lẫn nhau, giúp đỡ nhau lúc khó khăn hoạn nạn, không kể công, không nặng lời, có như vậy cuộc sống mới tốt đẹp hơn, đầm ấm hơn…”-ông Rưch vừa căn dặn vừa nghẹn lời vì xúc động.

Gắn kết tình thân
 
Nếu người Jrai có lễ Lih thì người Bahnar có lễ Soi pne công roong lăng với ý nghĩa tỏ lòng biết ơn đối với ân nhân. Trong tiếng Bahnar,  soi có nghĩa là cúng, pne là cảm ơn, công roong lăng là công nuôi dưỡng. Lễ này nhằm giúp người tổ chức tỏ lòng biết ơn công sinh thành với cha mẹ ruột, cha mẹ bên vợ/bên chồng, cha mẹ nuôi; những người đã từng giúp đỡ lúc khó khăn trong cuộc sống… Tuy không nói ra bằng lời song chỉ cần có điều kiện là họ sẵn sàng làm lễ Soi pne công roong lăng. Đây cũng là một trong những lễ mà chính người tổ chức cảm thấy nhẹ nhõm, hạnh phúc khi được trả lễ.
Trước đó, để thực hiện lễ này, gia đình ông Y Thương đã nuôi con heo gần cả năm trời, rồi chờ đến mùa hái cà phê bán để lấy tiền mua một số vật dụng cho quá trình diễn ra lễ với sự hăng hái giúp đỡ của cả gia đình và dòng họ. Mỗi người  tự giác làm việc, phụ nữ hái rau, đàn ông đi tìm lồ ô đem về chẻ ra vót cây xâu thịt, làm ống nướng thịt… Những thứ cần thiết cho buổi lễ đã được mọi người chuẩn bị đầy đủ từ hôm trước. Hôm sau, khoảng 4, 5 giờ sáng, lũ thanh niên  hăng hái đi bắt heo để làm thịt, mọi người cùng vui vẻ nấu nướng cũng như thể hiện tài năng của mình trong việc chế biến ẩm thực truyền thống như: món lá mì, hoa đu đủ, cà đắng với ớt xanh; món thịt ba chỉ được ướp với muối ớt xâu vào cây lồ ô đã vót sẵn để nướng trên than hồng; cháo đặc được nấu vỡ hạt vừa phải, không mịn quá nấu chung với xương, lá mì, rau cải để mọi người dễ ăn khi đã ngấm một chút men trong buổi lễ… Một đặc sản không thể thiếu trong bất kỳ nghi thức nào đó là rượu ghè cũng được con dâu trong gia đình ông bà Y Thương tự tay làm để góp công trong buổi lễ.

Nghi lễ xong cũng là lúc mọi người quây quần bên nhau ôn lại những kỷ niệm buồn vui lúc cơ hàn mà tràn đầy niềm hạnh phúc vì người trong nhà biết yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau. Những người lớn tuổi còn trao đổi cách canh tác, sản xuất, nuôi dạy con cái. Thanh niên thì nhanh chóng hòa cùng tiếng cồng chiêng, tay nắm tay điệu xoang nhịp nhàng. Từng nhóm con nít cũng vui chơi nhảy múa, có đứa cũng tham gia cùng bố mẹ nấu nướng, có đứa say sưa nhìn như muốn học theo cách đánh chiêng… Thế hệ nối tiếp thế hệ cùng với sự chứng kiến của hội đồng già làng, trưởng thôn, những người thân của cả 2 gia đình. Mọi người như xích lại gần nhau hơn, tình yêu thương đoàn kết ngày càng khăng khít… Những người được 2 bên gia đình mời đến dự ăn uống vui chơi tại chỗ khi ra về còn được gia đình phát cho một miếng thịt nhỏ đã được gói cẩn thận. Theo phong tục người Bahnar, đó là món quà chia sẻ niềm vui với gia đình.

Lễ Soi pne công roong lăng là một trong những nghi lễ mang đậm tính nhân văn trong đời sống văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar. Không chỉ trả ơn cho ân nhân của mình mà đó còn là biểu trưng cho bài học làm người trong cuộc sống, dạy dỗ con trẻ biết kính trên, nhường dưới, giúp đỡ mọi người, yêu thương lẫn nhau, nâng cao tính cấu kết cộng đồng. Bên cạnh đó, người làm lễ cũng cảm thấy hạnh phúc khi thực hiện được ước muốn trả ơn cũng như góp phần vào việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng người Bahnar.
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm