Lễ mở cửa rừng của người Khùa

Lễ mở cửa rừng của người Khùa
Đối với đồng bào Khùa, rừng chính là máu thịt, là lá chắn chở che, là hoa lợi từ đất trời ban cho để duy trì và phát triển giống nòi. Thế nên họ luôn trân trọng và biết ơn màu xanh bạt ngàn nơi những cánh rừng già. Họ coi đó là địa hạt của sự linh thiêng và bất cứ thời khắc nào cũng có thần linh trú ngụ và cai quản rừng rú. Để khởi động cho những chuyến vào rừng kiếm kế sinh nhai, đầu năm mới, đồng bào Khùa tổ chức lễ mở cửa rừng, trước hết để cầu thần linh độ trì năm nay làm ăn thuận lợi, xin phép thần rừng để được đốn gỗ về dựng nhà, hái cây dược liệu về làm thuốc, ngắt rau rừng, quả rừng làm lương thực hằng ngày. Nếu không được phép của thần linh, người nào động vào rừng, người Khùa tin rằng họ sẽ bị thần rừng trách phạt, những thứ họ lấy về từ rừng sẽ cho ra sản phẩm xấu xí, phản tác dụng.

Lễ mở cửa rừng diễn ra duy nhất một ngày trong tháng giêng (âm lịch), tuy vậy để làm vừa lòng thần rừng bằng những con vật cúng tế béo tốt và cách thức bài trí trang nghiêm thì mọi người phải chuẩn bị cả nửa tháng trời trước đó. Đồng bào Khùa chung tiền mua một con trâu mộng to khỏe làm vật cúng tế chính. Ngoài ra, mỗi hộ còn phải đóng góp 1 bó củi, 1 con gà, 1 hũ rượu cần, 1 ống gạo, 1 cặp nến sáp ong. Ý nguyện lòng thành gói ghém trong vật phẩm đóng góp nhằm cầu phúc cầu may cho gia đình, thôn bản nên ai cũng háo hức tham gia, không câu nệ, trốn tránh.
 
Người Khùa trong lễ mở cửa rừng.
Người Khùa trong lễ mở cửa rừng.

Mọi ban bệ phục vụ được chu đáo cử ra ngay trước khi diễn ra buổi lễ. Trước hết là vị chủ lễ, là người thông thạo cúng bái, được dân bản tin yêu và người đó sẽ mang tài năng, đức độ của mình để chuyển tải hết khát vọng, ước nguyện thầm kín của dân làng lên các đấng tối cao. Thường thì vị già làng sẽ được mọi người lựa chọn. Từ đây vị chủ lễ sẽ thay mặt bản làng đứng ra điều hành công việc trước, trong và sau buổi lễ. Ban trang trí, lập bàn thờ; ban trật tự; ban vệ sinh, dọn dẹp xung quanh buổi lễ; ban ẩm thực, nấu nướng phục vụ lễ hội được thành lập, bảo đảm buổi lễ diễn ra trang nghiêm, tốt đẹp.

Bàn thờ làm lễ dựng trước cửa rừng bằng mây tre, với những đường viền, hoa văn truyền thống tinh xảo được tạo nên bởi các nghệ nhân đan lát khéo tay nhất. Lễ mở cửa rừng bắt đầu với nghi thức tẩy trần bằng nước nóng. Mọi người tham gia buổi lễ đến bên một cái chảo đồng to vừa nhúng lấy lệ hai tay vào đó vừa ngước lên trời cầu khẩn. Khi người cuối cùng tẩy uế xong, lập tức mấy trai tráng khỏe mạnh đã được cắt cử từ hôm trước khiêng vật hiến tế lên khỏi mặt đất. Đó là con trâu mộng đã được giết mổ làm sạch sẽ, quay vàng hươm bằng củi lửa của cây dẻ rừng. Những người có mặt ở buổi lễ di chuyển thành một vòng tròn lớn xung quanh bàn thờ, răm rắp nghe theo nhất cử nhất động của chủ lễ.

Vật hiến sinh cũng phải được tẩy uế và làm phép, chủ lễ sẽ rưới một gáo rượu trắng lên con vật to tướng cùng với việc rắc gạo sống lên thân mình nó. Xong xuôi, con vật sẽ được khiêng đặt lên tầng dưới của bàn thờ, tầng trên bày gà, rượu cần, cơm nếp, nến sáp ong. Khi những cây nến trên bàn thờ cũng như trong tay đồng bào được thắp sáng lên cũng là lúc chủ lễ thay mặt dân bản trình bày lời khấn với thần rừng cho mở cửa rừng để con cháu người Khùa vào kiếm ăn. Ý nguyện về mùa màng bội thu, thú dữ không còn hoành hành, tìm được nhiều cây quý hiếm trong rừng để phục vụ đời sống cũng được vị chủ lễ thành tâm khấn vái.

Dứt lời khấn, vị chủ lễ sẽ bốc một nắm gạo sống gieo lên trời rồi đưa tay ra hứng lấy khi hạt gạo rơi xuống. Nếu ông hứng được những hạt gạo chẵn tức là thần đã đồng ý cho mở cửa rừng, còn nếu những hạt gạo lẻ thì vẫn phải tiếp tục gieo gạo cho tận khi thần linh đồng ý mới thôi. Giây phút thần linh chấp thuận lòng thành cũng là lúc dân bản đồng thanh reo hò, cảm tạ. Đàn ông thì chụm đầu vào những cái ống hút rượu cần, còn đàn bà, em nhỏ chung vui bên mâm cao cỗ đầy, đến khi nào rượu cạn bình, mâm hết thịt... 

Việc canh tác rừng đã luôn theo suốt cuộc đời của người Khùa từ thế hệ ông cha để lại. Lễ mở cửa rừng hôm nay là một phần tiếp nối các thế hệ, là sợi dây luôn se chặt, gắn bó tín ngưỡng và tâm linh của người dân Khùa với nhau trên mảnh đất núi rừng miền sơn cước từ ngàn đời nay. 
Theo baoquangbinh.vn

Có thể bạn quan tâm