Lễ kết nghĩa anh em giữa hai dân tộc Ê Đê - Tà Ôi

Lễ kết nghĩa anh em giữa hai dân tộc Ê Đê - Tà Ôi
Lễ kết nghĩa anh em được dân tộc Ê Đê và Tà Ôi trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, mang ý nghĩa tốt đẹp, mong muốn mọi người sống chan hòa thân thiết, gắn bó với nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn để xây dựng buôn làng ngày càng no ấm, giàu đẹp.
Lễ vật dâng cúng gồm có 1 cây nêu, 1 ché rượu cần, 1 con gà trống, 2 chiếc vòng đồng, 1 cây kơ nia. Cây nêu không thể thiếu trong các nghi lễ của người Ê Đê và Tà Ôi bởi nó cũng như bàn thờ của người Việt gửi những điều con người mong muốn và cầu khấn đến tổ tiên, thần linh phù hộ, chở che.
Con gà được coi là vật chứng cho lễ kết nghĩa anh em và làm cầu nối giữa con người với thần linh, mời các vị thần linh và tổ tiên về chứng giám cho lễ kết nghĩa của hai người. Ché rượu là cầu nối là sự giao tiếp giữa con người và thần linh. Bên cạnh đó, với người Ê Đê rượu cần đem lại niềm vui sự tốt lành. Hai chiếc vòng đồng như tín vật chứng minh kể từ đây hai người đã trở thành anh em một nhà, sống chết có nhau.
Già làng Ama Loan dân tộc Ê Đê làm lễ cúng Yàng.
Già làng Ama Loan dân tộc Ê Đê làm lễ cúng Yàng.
Lễ vật được chuẩn bị xong, già làng A Ma Loan (dân tộc Ê Đê) tiến hành lễ cúng. Hai người đại diện cho đồng bào hai dân tộc kết nghĩa ngồi sau ché rượu cần, thầy cúng ngồi trước ché rượu tay cầm con gà, vừa cúng vừa vuốt cánh gà 7 lần rồi khấn: "Ơ Yàng! Hôm nay chúng con cầu khấn các vị thần linh, các vị thần đất, thần núi, thần sông, thần rừng và tổ tiên, ông bà đã khuất hãy về đây chứng giám cho lễ kết nghĩa anh em của hai người đại diện cho dân tộc Ê Đê và Tà Ôi kể từ nay cho đến hết cuộc đời, đến hơi thở cuối cùng, mãi mãi là anh em một nhà, sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau...". Sau đó thầy cúng cầm vòng đồng trao hai người kết nghĩa. Vòng đồng thể hiện tình cảm được gắn bó mật thiết, keo sơn giữa hai dân tộc.
Thầy cúng trao vòng đồng cho hai người đại diện cho hai dân tộc kết nghĩa.
Thầy cúng trao vòng đồng cho hai người đại diện cho hai dân tộc kết nghĩa.
Theo phong tục Ê Đê, hai người kết nghĩa được chủ lễ mời uống rượu trước, người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ cho nên, tiếp đến là mẹ của hai bên gia đình kết nghĩa để tỏ lòng thân thiết, sau đó tới những người trong gia đình và những người chứng kiến. Sau khi kết thúc nghi lễ trong nhà, thầy cúng cùng hai người kết nghĩa và mọi người di chuyển ra sân để trồng cây Kơ nia với biểu tượng cho sự vững chắc và bền chặt tình anh em.
Hai gia đình cùng nhấp rượu cần để tỏ lòng thân thiết.
Hai gia đình cùng nhấp rượu cần để tỏ lòng thân thiết.
Cây Kơ nia rất quan trọng đối với mỗi người dân Tây nguyên nói chung và dân tộc Ê Đê nói riêng. Họ coi cây Kơ nia là nơi trú ngụ của thần linh. Không chỉ có vậy, loài cây này còn có sức sống mãnh liệt, bám rễ sâu, chịu được hạn hán nên nó còn biểu tượng cho tình anh em bền chặt một nhà, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, sống chết có nhau.
Hai dân tộc kết nghĩa cùng trồng cây Kơ nia tượng trưng cho tình cảm gắn kết.
Hai dân tộc kết nghĩa cùng trồng cây Kơ nia tượng trưng cho tình cảm gắn kết.
Sau khi phần lễ tại nhà dài Ê Đê kết thúc, đồng bào cùng du khách tham dự lễ di chuyển nhà dân tộc Tà Ôi để làm lễ cúng với ý nghĩa thông báo cho Yang và tổ tiên biết rằng hôm nay đại diện hai nhà Tà Ôi và nhà Ê Đê đã kết nghĩa và trở thành anh em một nhà. Từ đây, sẽ cùng nhau chia sẻ mọi vui buồn, hoạn nạn có nhau có Yàng chứng giám.
Sau phần Lễ, phần Hội được diễn ra với những âm hưởng cồng chiêng rộn rang của người Ê Đê, hòa tấu nhạc cụ của đồng bào Tà Ôi và cộng đồng các dân tộc mừng cho hai người đại diện làng dân tộc Ê Đê và Tà Ôi đã trở thành anh em một nhà. Nghi lễ này mang ý nghĩa tốt đẹp, mong muốn mọi người sống chan hòa, gắn bó với nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn để xây dựng buôn làng ngày càng ấm no, giàu đẹp.
Theo langvietonline.vn
Dân tộc Ê Đê Dân tộc Ê Đê

Tên tự gọi: Anăk Ea Ðê, Ra Ðê (hay Rhađê), ê Ðê, êgar, Ðê.

Nhóm địa phương: Kpă, Adham, Krung, Mđhur, Ktul, Dliê, Hruê, Bih, Blô, Kah, Kdrao, Dong Kay, Dong Mak, Ening, Arul, Hwing, Ktlê, Êpan... 

Dân số: 331.194 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói của người Ê Đê thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô-Pôlinêxia (ngữ hệ Nam Ðảo).

Lịch sử: Người Ê Đê là cư dân đã có mặt lâu đời ở miền trung Tây Nguyên. Dấu vết về nguồn gốc hải đảo của dân tộc Ê Đê đã phản ánh lên từ các sử thi và trong nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật tạo hình dân gian. Cho đến nay, cộng đồng Ê Đê vẫn còn là một xã hội đang tồn tại những truyền thống đậm nét mẫu hệ ở nước ta.

Hoạt động sản xuất: Người Ê Đê chủ yếu trồng lúa rẫy theo chế độ luân khoảnh. Rẫy sau một thời gian canh tác thì bỏ hoá cho rừng tái sinh rồi mới trở lại phát, đốt. Chu kỳ canh tác khoảng từ 5-8 năm tuỳ theo chất đất và khả năng hồi phục của đất. Rẫy đa canh và mỗi năm chỉ trồng một vụ. Ruộng nước trâu quần chỉ có ít nhiều ở vùng Bih ven hồ Lắc.

Gia súc được nuôi nhiều hơn cả là lợn và trâu, gia cầm được nuôi nhiều là gà, nhưng chăn nuôi chủ yếu chỉ để phục vụ cho tín ngưỡng. Nghề thủ công gia đình phổ biến có nghề đan lát mây tre làm đồ gia dụng, nghề trồng bông dệt vải bằng khung dệt kiểu Inđônêdiêng cổ xưa. Nghề gốm và rèn không phát triển lắm. Trước đây việc mua bán, trao đổi bằng phương thức hàng đổi hàng.

Ăn: Người Ê Đê ăn cơm tẻ bằng cách nấu trong nồi đất nung hay nồi đồng cỡ lớn. Thức ăn có muối ớt, măng, rau, củ do hái lượm, cá, thịt, chim thú do săn bắn. Thức uống có rượu cần ủ trong các vò sành. Xôi nếp chỉ dùng trong dịp cúng thần. Nam nữ đều có tục ăn trầu cau.

Mặc: Trang phục truyền thống là phụ nữ quấn váy tấm dài đến gót, mùa hè thì ở trần hay mặc áo ngắn chui đầu. Nam giới thì đóng khố, mặc áo cánh ngắn chui đầu. Mùa lạnh, nam nữ thường choàng thêm một tấm mền. Ðồ trang sức có chuỗi hạt, vòng đồng, vòng kền đeo ở cổ và tay, chân. Nam nữ đều có tục cà răng-căng tai và nhuộm đen răng. Ðội đầu có khăn, nón.

: Ðịa bàn cư trú chủ yếu hiện nay là tỉnh Ðắk Lắk, phía nam tỉnh Gia Lai và miền tây Phú Yên, Khánh Hòa. Ngôi nhà truyền thống của người Ê Đê là nhà sàn dài, kiến trúc mô phỏng hình thuyền với 2 đặc trưng cơ bản là: hai vách dọc dựng thượng thách - hạ thu; hai đầu mái nhô ra. Nhà chỉ có hai hàng cột ngang, kết cấu theo vì cột, không kết cấu theo vì kèo. Không gian nội thất chia ra làm hai phần theo chiều dọc. Phần đầu gọi là Gah, vừa là phòng khách, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng của cả đại gia đình mẫu hệ. Phần cuối gọi là ôk, dành cho các cặp hôn nhân ở trong từng buồng có vách ngăn bằng phên nứa.

Phương tiện vận chuyển: Chủ yếu là gùi đan cõng trên lưng bằng đôi quai quàng qua vai. ở vùng Krông Băk phổ biến có loại gùi cao cẳng. Vận chuyển trên bộ thì có voi nhưng không phổ biến lắm.

Quan hệ xã hội: Gia đình Ê Đê là gia đình mẫu hệ, hôn nhân cư trú phía nhà vợ, con mang họ mẹ, con gái út là người thừa kế. Xã hội Ê Đê vận hành theo tập quán pháp truyền của tổ chức gia đình mẫu hệ. Cả cộng đồng được chia làm hai hệ dòng để thực hiện hôn nhân trao đổi. Làng gọi là buôn và là đơn vị cư trú cơ bản, cũng là tổ chức xã hội duy nhất. Người trong một buôn thuộc về nhiều chi họ của cả hai hệ dòng nhưng vẫn có một chi họ là hạt nhân. Ðứng đầu mỗi làng có một người được gọi là chủ bến nước (Pô pin ca) thay mặt vợ điều hành mọi hoạt động của cộng đồng.

Cưới xin: Người phụ nữ chủ động trong việc hôn nhân, nhờ mai mối hỏi chồng và cưới chồng về ở rể. Khi một trong hai người qua đời thì gia đình và dòng họ của người quá cố phải có người đứng ra thay thế theo tục "nối dòng" (chuê nuê) để cho người sống không bao giờ đơn lẻ, sợi dây luyến ái giữa hai dòng họ Niê và Mlô không có chỗ nào bị đứt theo lời truyền bảo của ông bà xưa.

Ma chay: Khi có người chết thì tục nối dòng phải được thực hiện. Người chết già và chết bệnh thì tang lễ được tổ chức tại nhà rồi đưa ra nghĩa địa thổ táng. Xưa kia có tục người trong một dòng họ chết trong một thời gian gần nhau thì các quan tài được chôn chung một huyệt. Vì quan niệm thế giới bên kia là sự tái hiện thế giới bên này nên người chết được chia tài sản đặt ở nhà mồ. Khi dựng nhà mồ, lễ bỏ mả được tổ chức linh đình, sau đó là sự kết thúc việc săn sóc vong linh và phần mộ.

Nhà mới: Việc làm nhà được cả làng quan tâm. Sự giúp đỡ lẫn nhau về nguyên vật liệu: gỗ, tre, nứa và tranh lợp cũng như ngày công thông qua hình thức gọi là H’rim zít (tổ chức "giúp công" lao động hay "đổi công" trong làng). Lễ khánh thành được tiến hành sau khi dựng xong hàng cây chân vách. Nhưng việc dọn lên nhà mới có thể được thực hiện trước đó một thời gian dài khi các điều kiện để khánh thành nhà chưa cho phép. Nữ giới là đoàn người đầu tiên được bước lên sàn nhà mới. Họ mang theo nước và lửa để sưởi ấm và tưới mát cho nơi cư trú mới mẻ này. Ðó là cách chúc phúc cho ngôi nhà và các thành viên của gia chủ. Dẫn đầu các thành viên nữ là một khoa sang – bà chủ của gia đình mẫu hệ.

Lễ Tết: Người Ê Đê ăn tết vào tháng chạp (tháng 12 lịch âm) khi mùa màng đã thu hoạch xong (không vào một ngày nhất định, tuỳ theo từng buôn). Sau tế ăn mừng cơm mới (hmạ ngắt) rồi mới đến tết (mnăm thun) ăn mừng vụ mùa bội thu. Ðó là tết lớn nhất, nhà giàu có khi mổ trâu, bò để cúng thần lúa; nhà khác thì mổ lợn gà. Vị thần lớn nhất là đấng sáng tạo Aê Ðiê và Aê Ðu rồi đến thần đất (yang lăn), thần lúa (yang mđiê) và các thần linh khác. Phổ biến quan niệm vạn vật hữu linh. Các vị thần nông được coi là phúc thần. Sấm, sét, giông bão, lũ lụt và ma quái được coi là ác thần. Nghi lễ theo đuổi cả đời người và lễ cầu phúc, lễ mừng sức khoẻ cho từng cá nhân. Ai tổ chức được nhiều nghi lễ này và nhất là những nghi lễ lớn hiến sinh bằng nhiều trâu, bò, chè quý (vò ủ rượu cần) thì người đó càng được dân làng kính nể.

Lịch: Nông lịch cổ truyền Ê Đê được tính theo tuần trăng: một năm có 12 tháng và được chia làm 9 mùa tương ứng với 9 công đoạn trong chu kỳ nông nghiệp rẫy: mùa phát rẫy, mùa đốt rẫy mới, mùa xới đất, mùa diệt cỏ... Mỗi tháng có 30 ngày.

Học: Việc học tập (học nghề, truyền bá kiến thức...) theo lối làm mẫu, bắt chước và nhập tâm, truyền khẩu. Ðến năm 1923 mới xuất hiện chữ Ê Đê theo bộ vần chữ cái La-tinh.

Văn nghệ: Có hình thức kể khan rất hấp dẫn. Về văn chương, khan là sử thi, trường ca cổ xưa; về hình thức biểu diễn là loại ngâm kể kèm theo một số động tác để truyền cảm. Về dân ca có hát đối đáp, hát đố, hát kể gia phả... Nền âm nhạc Ê Đê nổi tiếng ở bộ cồng chiêng gồm 6 chiêng bằng, 3 chiêng núm, một chiêng giữ nhịp và một trống cái mặt da. Không có một lễ hội nào, một sinh hoạt văn hoá nào của cộng đồng lại có thể vắng mặt tiếng cồng chiêng. Bên cạnh cồng chiêng là các loại nhạc cụ bằng tre nứa, vỏ bầu khô như các dân tộc khác ở Trường Sơn, Tây Nguyên, nhưng với ít nhiều kỹ thuật riêng mang tính độc đáo.

Chơi: Trẻ em thường thích chơi cù quay, thả diều vằng có sáo trúc. Trò chơi đi cà kheo trên cao nguyên cũng lôi cuốn không ít thiếu niên Ê Đê ở nhiều nơi. Trò bịt mắt dê, ném lao (ném xa và ném trúng mục tiêu cũng được nhiều trẻ em Ê Đê ưa thích.

Theo cema.gov.vn

Dân tộc Tà Ôi Dân tộc Tà Ôi

Tên gọi khác: Tà Ôi, Pa Cô, Tà Uốt, KanTua, Pa Hy...

Nhóm địa phương: Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy.

Dân số: 43.886 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), Ít nhiều gần gũi với tiếng Cơ TuBru - Vân Kiều. Giữa các nhóm có một số khác biệt nhỏ về từ vựng.

Lịch sử: Người Tà Ôi thuộc lớp dân cư tụ lâu đời ở Trường Sơn.

Hoạt động kinh tế: Làm rẫy, trồng lúa rẫy là nguồn sống chính của người Tà Ôi. Cách thức canh tác tương tự như ở các tộc Cơ Tu, Bru - Vân Kiều. Ruộng nước đã phát triển ở nhiều nơi.

Săn bắn, đánh cá, hái lượm đem lại thức ăn đáng kể. Nghề dệt chỉ có ở một số nơi, sản phẩm được các dân tộc láng giềng ưa chuộng (nhất là y phục có đính hoa văn bằng chì và cườm trắng). Ðồ đan mây tre chủ yếu đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp. Ðồ sắt, đồ gốm, đồ đồng chủ yếu do trao đổi với người Việt và các dân tộc khác; quan hệ hàng hoá với bên Lào cũng khá quan trọng. Nay đã sử dụng tiền, nhưng tập quán dùng vật đổi vật vẫn thông dụng.

Ăn: Cơm là lương thực chủ yếu: ngô, sắn, khoai, củ mài... bổ sung khi thiếu gạo. Thức ăn thông thường là các loại rau, măng, nấm, ốc, cá, thịt chim muông. Người Tà Ôi ưa thích món băm trộn tiết gia súc với thịt luộc. Thức ăn gồm nước lã, rượu, đặc biệt rượu chế từ nước thứ cây họ dừa được dùng phổ biến. Họ dùng tẩu tự tạo bằng gốc le hoặc bằng đất nung để hút thuốc lá.

Mặc: Nữ mặc váy ống loại ngắn và áo, hoặc váy loại dài che luôn cả từ ngực trở xuống (ở nhóm Tà Ôi phía biên giới thuộc A Lưới), có nơi dùng thắt lưng sợi dệt, năm quấn khố mặc áo, thường hay ở trần. Ngoài vải do tự dệt người Tà Ôi còn dùng vải mua ở Lào và y phục như người Việt đã thông dụng, nhất là với nam giới. Xưa kia, có những nơi phải dùng đò mặc chế tác từ vỏ cây. Hình thức đeo trang sức cổ truyền là các loại vòng tay, vòng chân, vòng cổ, khuyên tai, bằng đồng, bạc hay hạt cườm, mã não... Phụ nữ đeo cả loại vòng dây đồng quấn thành hình ống ôm quanh đoạn ống chân và cẳng tay. Tục cà răng, xăm trên da và đeo trang sức làm căng rộng lỗ xâu ở dái tai chỉ còn số ít ở các cụ già.

: Người Tà Ôi cư trú trên một dải từ Tây Quảng Trị (huyện Hướng Hóa) đến tây Thừa Thiên Huế (Huyện A Lưới và Hương Trà). Họ ở quần tụ thành từng làng; nhà sàn dài, trước kia dài có khi hàng trăm mét, gồm nhiều cặp vợ chồng cùng các con (gọi là "bếp"). Giữa các bếp trong làng thường có quan hệ bà con thân thuộc với nhau. Mái nhà uốn tròn ở 2 đầu hồi, trên đỉnh dốc có khau cút nhô lên. Trong nhà, mỗi "bếp" (gia đình riêng) đều có buồng sinh hoạt riêng.

Phương tiện vận chuyển: Chủ yếu và thường thật là đeo gùi sau lưng. Có các loại, các cỡ gùi khác nhau, đan bằng mây hoặc tre lồ ô. Ðàn ông có riêng loại gùi 3 ngăn (gùi "cánh dơi") như gùi của đàn ông Cơ Tu, dùng khi đi săn, đi rừng, đi sang làng khác.

Quan hệ xã hội: Người Tà Ôi sống theo tập tục cổ truyền, trọng người già, tin theo "già làng", quý trẻ em không phân biệt trai hay gái. Mỗi làng bao gồm người của các dòng họ khác nhau, từng dòng họ có người đứng đầu, có kiêng cữ riêng và tên gọi riêng. Xã hội đã phân hoá giàu - nghèo và có sự khác nhau nhất định về vị thế, nhưng nếp cộng đồng dân làng vẫn đậm nét. Làng là đơn vị tổ chức xã hội cơ bản và tự quản trong xã hội cổ truyền.

Cưới xin: Trai gái lớn lên sau khi đã cắt cụt 6 chiếc răng cửa hàm trên thì được tìm hiểu nhau và lấy vợ, lấy chồng. Việc cưới hỏi do nhà trai chủ động. Nhà gái cho con đi làm dâu và được nhận của cải dẫn cưới gồm cồng, chiêng, ché, nồi đồng, trâu, lợn...

Cùng với đám cưới, cô dâu chú rể phải làm lễ "đạp bếp" tại nhà bố mẹ cô gái để đánh dấu từ đó cô ta sẽ thực sự là người nhà chồng, và ít năm sau phải tổ chức lễ tạ ơn "thần linh" đã cho hai người sống yên ổn với nhau. Người Tà Ôi thích cho con trai cô lấy con gái cậu.

Một số người giàu có không chỉ có một vợ.

Sinh đẻ: Phụ nữ phải kiêng kem nhiều trong thời kỳ có thai và sai khi mới sinh, với ý muốn nhờ vậy sẽ dễ đẻ, con dễ nuôi... Việc sinh nở có người giúp đỡ. Con trai hay con gái đều được yêu quý và tâm lý chung thường có cả hai. Sản phụ lao động cho tới khi ở cữ, và cũng chỉ nghỉ ít ngày sau khi sinh con.

Ma chay: Bãi mộ chung của làng chỉ chôn những người chết bình thường. Quan tài đẽo độc mộc. Ở người giàu thì quan tài được làm cầu kỳ hơn ở 2 đầu. Có tục "chia của" cho người chết như ở các dân tộc. Việc mai táng sau khi chết là tạm thời. Vài năm sau khi chôn, tang gia tổ chức lễ cải táng, đưa hài cốt vào quan tài mới và chôn trong bãi mộ, bên cạnh những thân nhân quá cố từ trước. Khi đó, nhà mồ được trang trí đẹp bằng chạm khắc và vẽ.

Thờ cúng: Người Tà Ôi tin mọi vật đều có siêu linh, từ trời, đất, núi, rừng, suối nước, cây cối cho đến lúa gạo, con người, con vật đều có "thần" hoặc hồn. Việc bói toán và cúng lễ là một phần quan trọng trong đời sống cá nhân cũng như cộng đồng dân làng. Mỗi dòng họ có một bàn thờ ở nhà trưởng họ, mọi gia đình đều có thể tới đó làm lễ cúng khi ốm yếu, rủi ro, cần khẩn một điều gì đó. Nhiều làng còn thờ cúng chung vật "thiêng" là hòn đá, cái vòng đồng, chiêng, ché... Chúng dị dạng hoặc có xuất xứ khác lạ, được coi là có quan hệ huyền bí đối với cuộc sống của làng.

Lễ tết: Có rất nhiều lễ cúng, liên quan đến sức khoẻ, tài sản, việc ngăn chặn dịch bệnh, việc làm rẫy... Những lễ lớn đều có đâm trâu tế thần và trở thành ngày hội trong làng. Gắn với chu kỳ canh tác có những lễ thức quan trọng nhằm cúng cầu thần lúa, mong bội thu, no đủ. Tết cổ truyền vào thời kỳ nghỉ ngơi sau khi tuốt lúa, trước mùa rẫy mới.

Lịch: Căn cứ vào quy luật tròn - khuyết của mặt trăng để xác định ngày trong tháng. Tháng có 30 ngày, năm có 12 tháng và có ngày tốt, ngày xấu cho các công việc khác nhau.

Học: Cách đây mấy chục năm, chữ viết ra đời trên cơ sở dùng chữ cái La-tinh để tạo ra bộ vần, lấy tiếng Pa Cô làm chuẩn.

Văn nghệ: Vốn tục ngữ, ca dao, câu đố, truyện cổ khá phong phú. Người già am hiểu thường kể cho con cháu các truyện thời xưa, có tác dụng vừa giải trí, vừa giáo dục. Dân ca có điệu Calơi đối đáp khi uống rượu, hội hè, điệu Ba boih hát một mình khi lao động hoặc đi đường, điệu Roih gửi gắm, dặn dò đối với các bậc con cháu nhân các dịp vui vẻ, điệu Cha chap dành cho tình cảm trai gái của thanh niên...

Nhạc cụ gồm nhiều loại: cồng, chiêng, tù và sừng trâu hay sừng dê, khèn 14 ống nứa, sáo 6 lỗ, nhị vừa kéo vừa điều khiển âm thanh bằng miệng, đàn Ta lư... Chúng được dùng vào những hoàn cảnh, tình huống khác nhau và theo các tập quán sẵn có của đồng bào. Ví dụ: Trong đám ma thì gõ một chiêng với một trống, ở lễ hội vui lại có thêm một tù và, một khèn bè...

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm