Lễ hội Vua Bà Thủy tổ Quan họ năm 2019

Lễ hội Vua Bà Thủy tổ Quan họ năm 2019
Người dân làng Diềm diễn lại tích Vua Bà phát lệnh ban hội. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN
Người dân làng Diềm diễn lại tích Vua Bà phát lệnh ban hội.
Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Tý, Trưởng thôn Viêm Xá, Phó Ban Tổ chức Lễ hội cho biết: Đây là một trong hoạt động hưởng ứng chương trình Kỷ niệm 10 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại (năm 2009 - 2019). Đặc biệt năm nay, việc đưa nhà chứa quan họ vào hoạt động góp phần tạo không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ giúp du khách thập phương hiểu được giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ hội làng Diềm là một trong số những lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể năm 2016. Lễ hội tổ chức vào ngày 5 – 6/2 (âm lịch) hàng năm nhằm thể hiện sự tôn kính, tưởng nhớ Vua Bà Thủy tổ Quan họ, người có công sáng lập nên các làn điệu dân ca Quan họ.
 
Đoàn rước trong Lễ hội làng Diềm. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN
Đoàn rước trong Lễ hội làng Diềm. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN
Tương truyền, lễ hội làng Diềm gắn liền với sự tích Vua Bà. Vua Bà là con gái của vua Hùng Vương đời thứ 6, tên gọi là Nhữ Nương có nhan sắc xinh đẹp tuyệt trần. Khi công chúa tới tuần cập kê, nhà vua tổ chức mở hội cướp cầu kén phò mã. Do không ưng thuận người đoạt giải, công chúa Nhữ Nương xin vua cha được ra khỏi kinh thành, chu du thiên hạ. Nàng cùng 7 cung nữ vừa ra khỏi kinh thành bỗng gặp cơn phong vũ cuốn lên trời, sau đó được giáng xuống ấp Viêm Trang (nay là làng Diềm).

Lúc này, ấp Viêm Trang là một rừng cây nước với dân cư thưa thớt. Công chúa Nhữ Nương bèn cho khai khẩn đất hoang, lập làng lập xóm, dạy dân làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, trồng mía… tạo cuộc sống ấm no, trù phú cho người dân. Không chỉ vậy, bà còn sáng tác những câu hát rồi dạy cho người dân cách hát theo lề lối riêng. Ban đầu chỉ là bên nam hát đối với bên nữ, sau đó bà triệu tập các nam thanh nữ tú trong làng cho luyện tập thuần thục và nhuần nhuyễn hơn. Lối hát ấy sau này được gọi là Quan họ.

Lễ hội diễn ra với phần lễ và phần hội. Phần lễ của Lễ hội được mở đầu bằng màn chạy cờ, tiếp đến là biểu diễn, tái hiện lại sự tích Vua Bà phát lệnh mở hội Xuân với phần tung cầu, cướp cầu. Tại lễ hội còn có lễ rước ngai thờ, bài vị Vua Bà quanh làng với sự tham gia của hàng trăm người. Đám rước dừng lại ở đền Cùng, các cụ cao tuổi trong làng xuống giếng Ngọc lấy nước rồi rước về đền Vua Bà làm lễ tắm Vua Bà. Các nghi lễ được tiến hành nghiêm trang, thể hiện lòng thành kính, cầu mong Vua Bà che chở cho dân làng làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành.
 
Đoàn rước trong Lễ hội làng Diềm. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN
Đoàn rước trong Lễ hội làng Diềm. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Đoàn rước lấy nước Giếng ngọc về làm lễ tắm Vua Bà. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN
Đoàn rước lấy nước Giếng ngọc về làm lễ tắm Vua Bà. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Người dân làng Diềm diễn lại tích Vua Bà phát lệnh ban hội. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN
Người dân làng Diềm diễn lại tích Vua Bà phát lệnh ban hội.
Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Bên cạnh phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động như các trò chơi dân gian: đấu vật, cướp cầu, đánh đu, bịt mắt bắt dê; hát quan họ giao lưu tại các lán, trại, tại nhà chứa Quan họ, hát Quan họ trên thuyền; thể dục dưỡng sinh…

Thanh Thương
TTXVN

Có thể bạn quan tâm