Lễ hội Lồng Tồng – Nét đẹp văn hóa của người dân vùng cao Hà Giang

Lễ hội Lồng Tồng – Nét đẹp văn hóa của người dân vùng cao Hà Giang
Nghi thức dâng hương tại chùa Sùng Khánh. Ảnh: Nguyễn Chiến – TTXVN
Nghi thức dâng hương tại chùa Sùng Khánh. Ảnh: Nguyễn Chiến – TTXVN

Lễ hội Lồng Tồng mang tính nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, giống như Lễ hội xuống đồng của dân tộc Kinh, mở đầu cho một mùa sản xuất mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người mạnh khỏe, viên mãn đến với người nông dân. Lễ hội còn có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội, đặc biệt là văn hóa cộng đồng làng xã. Vì thế, ngay từ sáng sớm, rất nhiều người dân trong xã Đạo Đức và các xã lân cận đã đến đông đủ để tham gia hành lễ.

Phần lễ bắt đầu bằng nghi thức dâng hương lên chùa Sùng Khánh. Chùa Sùng Khánh được xây dựng vào thời Trần năm 1356 và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp Bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa. Năm 2013, Văn bia chùa Sùng Khánh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Hàng năm, cứ vào Rằm tháng Giêng, nhân dân các dân tộc xã Đạo Đức và các xã lân cận lại tổ chức Lễ dâng hương và Lễ hội Lồng Tồng để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, cũng như tình đoàn giữa các dân tộc ngày càng thắt chặt.

Tiếp sau Lễ dâng hương, các gia đình tổ chức làm lễ cầu thần linh. Mâm lễ gồm có thịt, bánh, xôi ngũ sắc tượng trưng cho trời đất, âm dương. Sau hồi chiêng trống thúc giục, chủ lễ và đại diện các thôn bản, gia đình tiến hành làm lễ cầu mùa ở ngoài thửa ruộng gần đó. Chủ lễ là người được tiếp truyền từ thời xưa, là người được dân làng kính trọng và cũng là người giữ vai trò chủ trì các nghi lễ trong ngày hội.

Phần thi cấy lúa tại Lễ hội Lồng Tồng. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
 Phần thi cấy lúa tại Lễ hội Lồng Tồng. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Ông Hoàng Xuân Tần, thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) cho biết, cả thôn có hơn 100 gia đình nhưng chỉ có 4 gia đình được ra mâm, tức là 4 gia đình được bày mâm và cử hành lễ cúng trời đất, thần linh tại lễ hội. Theo truyền thống từ đời ông cha để lại, bốn gia đình này được ra mâm làm lễ. Mâm cỗ làm to hay làm nhỏ là tùy theo từng gia đình, thường có đủ thịt gà, thịt lợn, xôi, trứng - Ông Tần cho biết.

Ông Nguyễn Văn Kiển, Chủ nhang Lễ hội dâng hương chùa Trùng Khánh và Lễ hội Lồng Tồng, thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) cho biết, theo truyền thống của dòng họ, gia đình, đời nào cũng phải có một người để làm công việc cúng tế này. “Phần quan trọng nhất của Lễ hội Lồng Tồng là phần làm lễ báo cáo đất trời, thánh thần, thổ địa và muôn loài sung quanh biết rằng đã vào vụ mới, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân bản được bình an, mạnh khỏe, muôn vật sinh sôi nảy nở, quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc”- ông Kiển chia sẻ.

Kết thúc phần lễ là phần hội với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc do chính người dân địa phương biểu diễn, cùng với đó là trò chơi ném còn thu hút đông đảo người chơi, ai ném quả còn lọt qua vòng tròn sẽ là người thắng cuộc và may mắn nhất trong năm. Vòng tròn được ném thủng cũng có nghĩa là mang lại một năm mới đầy đủ, no ấm và hạnh phúc cho dân bản. Cùng với trò chơi ném còn, phần thi cấy lúa có 13 đội, đại diện cho 13 thôn, bản tham gia. Những cô gái hăng hái thi tài cấy lúa, ai là người cấy thẳng hàng, cấy nhanh nhất sẽ là người thắng cuộc.
Nguyễn Chiến

Có thể bạn quan tâm