Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sáng 4/4, thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội truyền thống Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Le hoi Kate cua nguoi Cham tinh Binh Thuan duoc dua vao danh muc Di san van hoa phi vat the quoc gia hinh anh 1Nghi lễ rước y trang của nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính trong Lễ hội Katê của người Chăm. Ảnh: Hồng Hiếu - TTXVN

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Katê là lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Vào lễ hội Ka-tê, không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà người Chăm sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè và người thân.

Hơn 15 năm qua, lễ hội Katê được tỉnh Bình Thuận phục dựng tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết) và trở thành một trong 6 lễ hội tiêu biểu được tỉnh lựa chọn để phát triển du lịch. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm mà lễ hội Katê còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh các nghi lễ truyền thống như lễ rước y trang của nữ thần Pô Sah Inư lên tháp, lễ mở cửa tháp chính, nghi thức tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục, đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính…, lễ hội Ka-tê còn có phần hội với các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Chăm như thi đi cà kheo, làm bánh gừng, thi giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật…

Được biết, Bình Thuận hiện có gần 40.000 người Chăm sinh sống, tập trung tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh… Ngoài lễ hội Katê, người Chăm ở Bình Thuận còn có nhiều lễ hội mang nét văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc như: Rijanưgar, Súc dâng, Tết Ramưwan… Những năm qua, bên cạnh về đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói chung và đồng bào Chăm nói riêng, tỉnh Bình Thuận đã, đang bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Chăm như: bảo tồn và phát triển nghề làm gốm truyền thống, các lễ hội của người Chăm, xây dựng Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm….

Hồng Hiếu

Tin liên quan

Đồng bào Chăm Bình Thuận đón tết Katê gắn với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Từ ngày 4 đến 6/10, đồng bào Chăm ở tỉnh Bình Thuận vui đón tết Katê năm 2021. Đây là tết cổ truyền của cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn; là dịp để con cháu tưởng nhớ về tổ tiên, các vị thần đã độ trì cho mưa thuận gió hòa, sản xuất được mùa, người dân được no cơm, ấm áo.


Tái hiện Lễ hội Katê của đồng bào dân tộc Chăm

Ngày 21/11, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức tái hiện Lễ hội Katê của dân tộc mình. Đây là hoạt động văn hóa đặc sắc trong Tuần " Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2020.


Rộn ràng Lễ hội Katê 2020 của đồng bào Chăm tại Bình Thuận

Sáng 16/10, Lễ hội Katê năm 2020 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở tỉnh Bình Thuận đã diễn ra tại tháp chính Pô Sah Inư, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết. Lễ hội diễn ra trang trọng, chu đáo và đặc sắc theo đúng nghi thức tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Chăm.


Đồng bào Chăm Ninh Thuận rộn ràng đón lễ hội Katê 2020

Sáng 16/10, tại Di tích Quốc gia đặc biệt tháp Pô Klong Garai (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm), hàng nghìn người dân địa phương và du khách đã tham dự Lễ hội Katê truyền thống của đồng bào Chăm, trong đó có người Chăm tỉnh Ninh Thuận.


Lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận

Sáng 28/9 (tức ngày 1/7 Chăm lịch), Lễ hội Katê năm 2019 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở tỉnh Ninh Thuận đã chính thức diễn ra tại hai tháp chính là Pô Klong Garai ở phường Đô Vinh (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) và Pô Rômê, ở xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước). Lễ hội diễn ra trang trọng, chu đáo, theo đúng nghi thức tín ngưỡng truyền thống của đồng bào.



Đề xuất