Lễ hội cầu phúc Đình Cổi dân tộc Mường ở Hòa Bình

Lễ hội cầu phúc Đình Cổi dân tộc Mường ở Hòa Bình
Nghi lễ Sắc phong và Rước Thánh trong lễ hội Đình Cổi
Nghi lễ Sắc phong và Rước Thánh trong lễ hội Đình Cổi

Nói văn hoá dân tộc ở tỉnh Hoà Bình thì trước hết phải nói tới văn hoá của dân tộc Mường. Do những đặc điểm về lịch sử và vị trí địa lý cho nên người Mường còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hoá cổ truyền. Phần lớn đồng bào Mường vẫn ở nhà sàn, uống rượu cần và có nhiều sinh hoạt văn hoá cộng đồng trên nhà sàn. Truyền thống đạo đức gia đình giữ được những nét đẹp: Yêu trẻ, kính già, hiếu khách. Không những thế, người Mường nơi đây vẫn giữ được những lễ hội cổ truyền: Hội xuân Xéc bùa, hội Xuống đồng, hội cầu Ma, lễ Rửa lá lúa, lế Cơm mới... Trong các lễ hội không thể thiếu lễ hội Đình Cổi.

Vào ngày mồng 7 tháng Giêng theo lịch Mường (tức ngày mồng 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm), người dân xã Bình Chân ở huyện Lạc Sơn lại tổ chức lễ hội Đình Cổi. Bà con nơi đây không còn nhớ lễ hội Đình Cổi có từ bao giờ, chỉ nghe các cụ già trong làng kể lại. Thời ấy, Mẹ là Quốc Mẫu Hoàng bà cùng các vua thường qua lại đây dạy dân cách trồng trọt, khai phá ruộng nương, cấy lúa, trồng bông dệt vải. Nhớ ơn công đức, lời dạy của Quốc Mẫu và các vua, người dân trong vùng đã lập miếu thờ. Lễ hội Đình Cổi bắt đầu từ đó và được duy trì qua nhiều thế hệ, giờ đây đã trở thành một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Mường.

Lễ hội được bắt đầu bằng một hồi trống để báo hiệu cho con cháu trong Mường về tụ họp ở đình làng. Nghi lễ đầu tiên là rước kiệu, có thầy mo đi đầu làm lễ, sau đó là đoàn khênh kiệu, cờ hội, đoàn cò ke ống sáo, đội múa chèo và đoàn sắc bùa. Tất cả đều ăn mặc theo đúng phong tục xưa.

Khi thầy mo làm lễ mời các thần về dự hội thì cũng là lúc đoàn múa chèo bắt đầu biểu diễn. Điều đặc biệt là những người múa chèo phải là con trai ở xóm Cành. Vì theo chuyện xưa những đứa trẻ chăn trâu ở xóm Cành gặp Quốc Mẫu cùng hai con gái là vua út, vua cả từ Ba Vì về đến đồng Khâm Mụ, xã Bình Chân thì trời đã trưa, ba mẹ con ngồi nghỉ ăn cơm gói. Thấy trẻ trâu xóm Cành chia thành hai bên để chơi trò chơi, Quốc Mẫu và các vua biến thành người ăn xin rồi tham gia một điệu múa. Điệu múa đó được gọi là múa Chèo, dân làng Cổi thường tái hiện vào dịp lễ hội hàng năm, phản ánh về quá trình sản xuất nông nghiệp, hôn nhân gia đình và truyền dạy cho đời về đạo lý làm người.

Trong mâm cúng các vị thần (Quốc Mẫu Hoàng bà, vua và Thành Hoàng làng) ngoài các sản vật như xôi trắng, thịt trâu, rượu còn có các món ăn chay như chuối luộc, đu đủ luộc, mía và các loại bánh...
 
Mâm cúng các vị thần có đầy đủ lễ ngọt và lễ mặn.
Mâm cúng các vị thần có đầy đủ  lễ  ngọt và lễ mặn. 

Trong phần "Lễ", phần hội được mở ra tưng bừng, náo nhiệt mà tiêu biểu là các màn múa sơ khai nguyên thuỷ, mô tả đời sống sinh hoạt vui tươi, lạc quan của dân Mường. Trong âm thanh rộn rã của bài cồng “Bông trắng bông vàng” hoà nhịp với dàn nhạc sênh tiền, trống, phách; các điệu múa bắt ếch, giáo roi, xỏ rề, đi cấy, kéo tiền và mặt mẻ... lần lượt được biểu diễn.

Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa truyền thống “uống nước nhớ nguồn, mà còn là dịp để cầu phúc, cầu mùa “trồng ngô có bắp to; trồng lúa có bông dài, hạt chắc; nuôi con cúi, con ca mau lớn; con cháu được khỏe mạnh, học hành tiến bộ; ra đường gặp bạn bè luôn hòa nhã; đi đường gặp bình an...
Đình Cổi xưa còn có tên gọi là Đình Chung Điếm, được khởi dựng vào đầu thế kỷ 19, tọa lạc trên khu ruộng Cọil Khưa, gần chân núi Khụ Bậyl. Đình làm theo kiến trúc nhà sàn của người Mường 3 gian 2 trái với 6 hàng chân cột được kê trên đá tảng, mái lợp tranh, dài khoảng 8m, rộng khoảng 5m, cao 7m, gồm cửa chính, một cửa phụ và 7 cửa voóng, gầm sàn cao 1,4m. Mặt quay hướng Nam. Vật dụng để dựng đình chủ yếu bằng gỗ. Các vị thần được thờ tại đình là: Quốc Mẫu Hoàng Bà, Vua Cả (Thánh Tản), Vua Cun, Vua Hai (Cao Sơn và Quý Minh đại Vương), Thành Hoàng, ông bà Nhất Huyệt, Kem, Cai…
Theo dantocviet.cinet.gov.vn

Có thể bạn quan tâm