Ngày 26/3, hòa trong không khí những ngày tháng 3 Tây Nguyên, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam ( Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Bahnar đến từ tỉnh Gia Lai đã tổ chức tái hiện lễ hội cầu an cùng với lễ cúng cồng chiêng đặc sắc của dân tộc mình.
Lễ hội cầu an là lễ hội truyền thống có từ ngàn đời xưa của đồng bào dân tộc Bahnar nhằm cầu mong cho dân làng sức khỏe, ấm no, hạnh phúc...

Lễ hội cầu an thường được tổ chức vào các tháng của cuối năm khi dân làng đã thu hoạch hết mùa màng trên rẫy, hoặc tổ chức sau khi dịch bệnh, đau ốm không còn xảy ra ở trong làng… Lễ vật cúng gồm: rượu cần, gà, lợn và lớn hơn là con trâu…


Trước khi tổ chức Lễ hội cầu an, già làng sẽ tập hợp bà con dân làng ở nhà Rông và phân công mọi người các công việc để phục vụ lễ cầu an như sắm vật hiến sinh cúng Yàng, chế tạo các đạo cụ, chỉnh chiêng, làm cột gưng cúng cho lễ. Đồng thời, dân làng phát dọn đường đi sạch sẽ, sửa sang nhà Rông, bến nước để cùng đón bà con gần xa đến tham gia lễ cầu an xua đuổi những điều xấu ra khỏi con người, ra khỏi buôn làng.

Trong ngày lễ chính thức, già làng lựa chọn những nam thanh, nữ tú hiền lành để đảm trách những công việc chính khi làm lễ và các già làng thực hiện nghi thức làm lễ.

Trước tiên làm lễ cầu an sẽ làm lễ hạ cồng chiêng. Cồng, chiêng từ xưa được xem là tài sản quý giá, thước đo sự giàu có, thể hiện sức mạnh, vị trí của các gia đình trong cộng đồng của làng. Đối với dân tộc Bahnar, cồng, chiêng được đổi bằng rất nhiều thứ có giá trị khác như đổi bằng con trâu, con bò.


Do giá trị của cồng, chiêng quý giá và thiêng liêng nên người dân tộc Bahnar không tùy tiện mượn của người khác để sử dụng, hoặc nếu chủ nhà cho mượn cồng, chiêng thì chủ nhà phải đổ rượu ghè to để báo cho những người thân trước đây đã mất, xin phép cho làng mượn cồng, chiêng để đánh trong dịp lễ.
Hầu như không có lễ hội hoặc một sinh hoạt cộng đồng nào của đồng bào Bahnar mà không có cồng, chiêng. Cồng, chiêng dùng trong sinh hoạt cộng đồng thể hiện rõ nhất là trong lễ hội, cưới xin hoặc sau khi hoàn thành những công việc tỉa lúa, ăn lúa mới, đóng cửa kho hay đám ma…

Trong các sự kiện nêu trên, việc lấy cồng, chiêng ra đánh (đánh chiêng là phải đủ cả bộ), âm thanh của cồng, chiêng như báo tin mừng cho cộng đồng, sự cảm ơn của chủ nhà đối với trời đất, cộng đồng. Vì thế, trước đây người Bahnar không lấy cồng, chiêng ra đánh một cách tùy tiện nếu không có sự kiện đặc biệt và trong các sự kiện đó luôn phải có rượu cần, thịt và các già làng.

Lễ cúng cồng, chiêng có thể là một nghi thức ban đầu cho một nghi lễ lớn, như: mừng lúa mới, cầu mưa, lễ hội đâm trâu, hay lễ cầu an…

Lễ hạ cồng, chiêng kết thúc thì già làng sẽ báo cho nam thanh niêm mang chiêng chuẩn bị ra đánh, và lần lượt các chàng trai mang cồng chiêng xuống chuẩn bị cho buổi “Lễ cầu an”. Đó cũng là lúc các nghi thức của lễ chính bắt đầu và cồng, chiêng vang lên những giai điệu thiêng…

Sau khi kết thúc lời cầu khấn thần linh, dân làng tiến hành nghi thức xua đuổi tà ma, dịch bệnh trong làng. Để thực hiện nghi thức này, già làng (chủ lễ) là người dẫn đầu. Tiếng hô vang và những bước nhún nhảy xông lên thể hiện hành động xua đuổi những điều xui xẻo, cái xấu, tà ma…đi ra khỏi làng.
Khi kết thúc tiếng hô của Già làng và những bước nhảy, tiếng trống, tiếng cồng chiêng vang lên và kèm theo đó là những động tác múa xoang uyển chuyển của các thiếu nữ thể hiện sự vui mừng, niềm hân hoan vì các dịch bệnh, tà ma, xui xẻo… đã ra khỏi nơi trú ẩn và đi xa.

Việc xua đuổi các tà ma, dịch bệnh và mọi điều xấu… tiếp tục diễn ra trên khắp các đường đi lối vào trong thôn làng và ở các ngôi nhà với động tác được lặp đi lặp lại theo trình tự: sau tiếng hô xua đuổi “huih huih huih” là tiếng trống báo hiệu ba lần, rồi tiếng cồng chiêng lại tiếp tục nổi lên hòa nhịp với điệu múa xoang uyển chuyển của các thiếu nữ Bahnar.

Già làng và bà con dân làng bắt đầu hòa nhập vào không khí phần hội uống rượu mừng lễ cầu an đã xong. Những tiếng hò reo, mời mọc, chúc tụng nhau cùng với những điệu múa xoang, hòa quyện với nhịp cồng chiêng hào hùng của các chàng trai càng tăng thêm sự nhộn nhịp, sôi động của lễ hội.


Với nét văn hóa dân gian độc đáo của Lễ hội cầu an, đồng bào dân tộc Bahnar ở tỉnh Gia Lai luôn luôn gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt là văn hóa cồng chiêng luôn được truyền lại cho thế hệ sau để tiếng cồng, tiếng chiêng luôn vang mãi như mạch nguồn của văn hóa dân tộc thiêng liêng.
Hoàng Tâm