Lễ dời hẹn của người Ê Đê

Lễ dời hẹn của người Ê Đê
Một ngày trời quang mây tạnh, thời tiết mát mẻ, gia đình ông Y Thim Byă (ở buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) mời anh em họ hàng ở các buôn về tụ họp để làm lễ cúng nhắc vòng đồng, dời hẹn làm lễ cúng sức khỏe vào tháng 3 năm tới.
Thầy cúng cầm vòng đồng đeo trên tay gia chủ và đọc lời khấn cầu sức khỏe, nhắc lại lời hẹn. Ảnh: H.H
Thầy cúng cầm vòng đồng đeo trên tay gia chủ và đọc lời khấn cầu sức khỏe, nhắc lại lời hẹn. Ảnh: H.H
Tiếng chiêng, tiếng trống vang lên rộn rã cũng là lúc con heo cúng đã được làm thịt xong, các ché rượu cần đã được nén lá và đổ đầy nước. Mọi thứ đã sẵn sàng cho lễ cúng. Tiếng chiêng là lời mời gọi, thôi thúc khách quý ở các buôn gần, buôn xa cùng tập trung tại ngôi nhà dài của ông Y Thim Byă. Ông Y Thim cho biết, năm nay nhờ được ông bà tổ tiên và các thần phù hộ nên gia đình ông có nhiều sức khỏe và may mắn. Trong năm, ông đã sắm thêm được chiếc ghế kpan, bộ chiêng cổ, ché tuk, ché tang. Theo như lời hứa thì gia đình sẽ làm lễ cúng tạ ơn với một con trâu đực và 7 ché rượu cần, nhưng do chưa lựa chọn được thời điểm thích hợp nên gia đình làm lễ cúng nhắc, dời hẹn đến tháng 3 năm sau. Lễ vật là một con heo đực và 3 ché rượu cần.
Trong vòng đời của người Ê Đê có nhiều lễ cúng, những lễ cúng này liên quan mật thiết đến chiếc vòng đồng. Sau mỗi lễ cúng, chiếc vòng đồng lại được đánh dấu bằng một khắc trên thân vòng. Riêng với lễ cúng nhắc vòng đồng thì không thực hiện khắc vòng khi làm lễ, thầy cúng chỉ khấn nhắc hẹn và xin dời hẹn cho gia chủ vào một thời điểm khác thích hợp để tổ chức theo lời hứa trước đó.
Lễ vật cúng được bày ra đầy đủ. Nghi lễ do thầy cúng Aê Lê ở buôn Ea Bông thực hiện. Cầm chiếc vòng đồng đeo lên cổ tay gia chủ, ông lầm rầm đọc lời khấn. Nội dung lời khấn là mời tổ tiên, ông bà về chứng kiến lễ, nhắc lại lời đã hẹn và dời hẹn; bày tỏ lòng biết ơn của gia chủ đối với tổ tiên và các thần, mong tổ tiên và các thần tiếp tục phù hộ cho gia chủ được khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn. Kết thúc lời khấn, vợ chồng gia chủ cùng thầy cúng nếm thử các lễ vật để cầu mong mọi điều may mắn. Các thành viên tham dự lần lượt nâng cần rượu, phụ nữ trước, nam giới sau, người già trước, người trẻ sau. Trong không khí rộn ràng lời chúc tụng, chung vui của cả chủ và khách, tiếng chiêng tiếng trống vang lên liên tục tạo nên không khí tưng bừng náo nhiệt. Ấy là khi phần hội chính thức bắt đầu.
Tiếng chiêng ngân vang trong suốt thời gian làm lễ và trong phần hội. Ảnh: H.H
Tiếng chiêng ngân vang trong suốt thời gian làm lễ và trong phần hội. Ảnh: H.H
Dự lễ cúng tại nhà ông Y Thim Byă hôm ấy, ngoài họ hàng 2 bên và bà con trong buôn còn có khách mời từ các buôn khác, huyện khác đến. Ông Y Hơ Êban, nghệ nhân buôn Knia 4 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) vinh dự được mời cùng với đội nghệ nhân của buôn Knia đánh chiêng trong lễ cúng. Ông Y Hơ Êban chia sẻ, lâu lắm rồi người Ê Đê ở các buôn mới có dịp gặp nhau, hỏi thăm nhau và cùng tấu chiêng rộn rã như thế. Ngày xưa, khi các lễ các hội còn nhiều, mỗi năm người Ê Đê làm không biết bao nhiêu lễ cúng vòng đời. Từ lễ nếm giọt sương, lễ thổi tai dành cho trẻ nhỏ... đến lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ cúng sức khỏe, lễ tạ ơn… Nhưng ngày nay, cùng với sự phát triển và hòa nhập, người Ê Đê đã bỏ đi gần hết các nghi lễ như vậy. Có gia đình tkhông có điều kiện để làm nhưng có gia đình thì không còn quan tâm tổ chức các lễ như vậy nữa. “Mừng cho gia đình Y Thim Byă vẫn còn gìn giữ nếp phong tục của dân tộc mình”-ông Y Hơ Êban nói.
Trong khi đó, anh Y Nal Êban-con trai ông Y Thim Byă-chia sẻ: Từ nhỏ, anh đã được chứng kiến rất nhiều nghi lễ, lễ cúng do ông bà, cha mẹ mình tổ chức. Nếu như trước kia chỉ là sự tò mò, hiếu kỳ đơn thuần thì nay anh quyết tâm tìm hiểu các nghi lễ này với mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Y Nal Êban cho biết, anh đã ghi hình lại tất cả các nghi lễ được tổ chức tại gia đình, vừa để chia sẻ với bạn bè, du khách và tạo sự lan tỏa trên các trang mạng xã hội, vừa làm tư liệu để sau này anh có thể tự mình tổ chức và tiến hành theo đúng các nghi thức mà cha ông để lại.
Giữa không gian rộn ràng tiếng chiêng, bên bếp lửa bập bùng, cả chủ và khách lại cùng vít cần rượu chung vui, hỏi thăm nhau. Những câu chuyện cứ dài ra mãi...
Theo baogialai.com.vn
TTXVN

Có thể bạn quan tâm