Lễ cúng cấm bản đầu năm của người Hà Nhì

Lễ cúng cấm bản đầu năm của người Hà Nhì
Nghi lễ cúng của người Hà Nhì Đen

Người Hà Nhì Đen ở Bát Xát (Lào Cai) cho rằng, con ma xấu, ma ác rất sợ chó, vì vậy, trong lễ cúng cấm bản đầu năm, con chó là lễ vật có một vị trí rất quan trọng. Sở dĩ như vậy vì đồng bào tin rằng, chó là con vật có thể thức suốt đêm canh giấc ngủ cho dân bản, xua đuổi ma ra khỏi làng; nếu không muốn ma xấu, ma ác vào bản làm hại thì phải giết chó làm lễ vật cho thần linh để ngăn chúng vào bản. Để tiến hành nghi lễ này, người Hà Nhì Đen thường chuẩn bị những lễ vật như: 1 con chó đực, 2 con gà (một trống, một mái), 1 kẹp xôi nhuộm màu bằng lá cây, 1 ống vầu rượu nếp cái ủ, 1 đấu thóc bằng gỗ, 9 bó cỏ gianh (mỗi bó 9 ngọn) và 1 bó hương.

Nghi lễ cúng cấm bản được tổ chức tại khu đất ngay đầu bản. Trong những ngày diễn ra lễ cúng bản, thầy cúng người Hà Nhì phải làm rất nhiều thủ tục để xin các thần phù hộ cho dân bản may mắn. Con gà trước khi cắt tiết gà tế thần phải tiến hành lễ rửa sạch từ nguồn nước thiêng trong bản, sau đó đưa đến trước bàn cúng để tế thần. Sau khi cắt tiết, con gà trống được một người có kinh nghiệm lột da thật khéo léo sao cho bộ da gà còn nguyên cả lông, cánh, chân, đuôi, đầu. Lột da gà xong, lấy hai thanh tre tạo thành hình chữ thập căng bộ da gà treo lên đầu cây cột gỗ chôn ngay cạnh con đường chính dẫn vào trong bản. Lúc này, bộ da gà đó được căng phồng lên, chân và cánh dang rộng, đầu ngẩng cao trông rất oai hùng khiến cho các loại ma xấu sợ hãi không dám vào bản nữa.


Người Hà Nhì Đen quan niệm, linh hồn của con chó này sẽ theo thần linh về với trời, nó có trách nhiệm trông coi nhà, bảo vệ chủ khi đi lại, vì thế, nó cũng cần phải được tắm rửa bằng nguồn nước thiêng của bản trước khi làm thịt để linh hồn được sạch sẽ trở về với thần linh. Người Hà Nhì Đen không cúng thịt chó và tiết chó mà chỉ dùng một miếng gan và mật chó để cúng, họ cũng không không cắt tiết chó trước hoặc gần bàn cúng. Tiết chó chỉ được dùng để nhuộm các mũi dao, mũi kiếm bằng gỗ treo trên các sợi dây chăng qua những con đường dẫn vào bản. Nghi lễ cúng cấm bản không thể thiếu việc lấy gừng tươi giã nát vào cho nước đun sôi rồi gạn lấy nước để làm nước cúng thần.

Khi lễ vật đã được chuẩn bị xong, thầy cúng bắt đầu tiến hành lễ cúng cầu mong thần linh luôn bảo vệ dân bản được bình an, không cho con ma ác vào bản làm hại người dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Sau đó, thầy cúng chính lấy miếng gan chó đã nướng chín chia thành nhiều phần nhỏ đặt vào tấm lá chuối ở phía trước bàn cúng để cúng thần. Khi kết thúc nghi lễ cúng, tất cả mọi người tham dự là những người đàn ông đại diện cho gia đình ở trong bản bỏ hết giày dép, đầu đội mũ hoặc khăn “u tụ”, quỳ gối trước bàn cúng làm lễ tạ thần. Lễ tạ thần xong cũng là lúc mọi người chia nhau đi về các con đường dẫn vào bản để cắm các cọc căng dây cấm bản.

Họ treo bộ da gà trống còn nguyên lông, cùng với cái đuôi và bộ phận sinh dục của con chó lên cây cột gỗ cao được dựng trên con đường chính đi vào bản. Phía dưới có nhiều mũi dao, thanh kiếm, khẩu súng làm bằng gỗ được nhúng vào tiết chó. Khi các ma ác nhìn thấy những thứ này, chúng sẽ sợ hãi và không dám vào bản. Nghi lễ cúng thần rừng kết thúc, mọi người cùng nhau uống rượu, ăn uống, nói chuyện mừng năm mới.

Nghi lễ của người Hà Nhì Hoa

Người Hà Nhì Hoa ở Mường Nhé (Điện Biên) gọi lễ cúng bản là “gạ ma thú”. Lễ được tổ chức trong 3 ngày vào tháng 2 âm lịch hàng năm và được bắt đầu vào ngày con Rồng (Lò no). Trong ngày đầu tiên, dưới sự chỉ đạo của những người phụ việc, các thanh niên làm cổng bản, là một khung tre cao khoảng 2,5 m, rộng 1,5 - 2 m. Hai bên cổng để hai sọt đổ đầy đất - tượng trưng cho hai bồ thóc đầy, với mong muốn cả năm thóc của bà con trong bản không bao giờ bị vơi cạn. Trên hai “bồ thóc” này người dân cắm một số vũ khí như: nỏ, súng, cung tên, dao… quay đầu ra phía ngoài để chống lại kẻ thù và một số thứ như: sáo, ống điếu… đặt quay về phía trong dành cho thần linh. Trên hai cột của cổng bản treo hai cánh gà, sinh thực khí của nam và nữ trong thế giao phối. Sau khi trang trí cổng bản, người dân mổ chó hiến tế, rồi treo đầu và bốn chân chó lên xà ngang của cổng bản. Từ lúc này, họ kiêng cho người lạ vào bản của mình trong suốt thời gian diễn ra lễ cúng bản.
Dựng cổng bản.
Dựng cổng bản.


Riêng người Hà Nhì Hoa ở Sìn Hồ (Lai Châu) lại tiến hành dựng cổng bản vào ngày Tỵ (muộn hơn một ngày so với những nơi khác) và gọi đây là lễ dựng cổng bản lần thứ nhất (gà ma ó). Trong lễ này, họ không giết chó mà chỉ cúng gà, lợn. Sau 12 ngày tiến hành làm lễ dựng cổng bản lần hai (gô chí ó) vào chiều ngày Tỵ. Thanh niên đẽo một số con vật, đồ vật liên quan đến đời sống sinh hoạt hàng ngày như: chó, mèo, lợn, gà, trâu, ngựa, cuốc, xẻng, dao phát… treo lên cổng bản, sau đó dùng những sợi dây thừng, dây xích đan bằng tre rồi cột quanh cổng. Họ làm như vậy vì quan niệm dùng thừng để giữ trâu lại phục vụ cày, bừa, xích chó lai để trông nhà... Hiện nay, có nhiều bản người Hà Nhì không muốn tổ chức hai lần dựng cổng bản theo truyền thống, thì có thể tổ chức cùng một lúc nhưng vẫn được thực hiện vào tháng 2 và không cắt bớt hay bỏ sót một lễ thức nào trong nghi lễ này.
Lễ cúng bản của người Hà Nhì Hoa.
Lễ cúng bản của người Hà Nhì Hoa.

Trong lễ cúng bản, người Hà Nhì còn có tục tặng nhau những quả trứng nhuộm màu gói kín trong những đụm xôi. Khách nơi xa ở lại bản mà được ăn thứ quà ấy, được xem là sẽ may mắn trong năm tới. Trong ngày diễn ra lễ cúng bản, những hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian cũng được diễn ra song song, chủ yếu là đu quay, ném còn, đánh cù... ngoài ra còn có các điệu múa truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Tất cả các thành viên trong bản không kể già trẻ, trai gái, mọi người đều tham gia.

Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm