Lễ ăn cơm mới của người Mảng

Lễ ăn cơm mới của người Mảng
Lễ ăn cơm mới “tri xả lẳm mế” của người Mảng là nghi lễ nhằm cảm ơn tổ tiên, thánh thần mang lại mùa màng bội thu, đồng thời “động viên” hồn của các thành viên trong nhà hãy yên tâm ở lại vì đã có lúa mới…
Sàng sẩy gạo chuẩn bị cho Lễ cơm mới
Sàng sẩy gạo chuẩn bị cho Lễ cơm mới
Sau khi gặt lúa mới xong và cất vào kho thóc trên nương, người Mảng chọn ngày tốt là ngày con Dê và ngày con Ngựa để “ma lảm” đi lấy lúa về ăn cơm mới. Ma lảm là mẹ lúa, bà chủ trong gia đình. Đến ngày đã chọn, ma lảm phải tắm gội, thay quần áo và chải tóc gọn gàng, rồi lên lấy lúa ở lán về giã thành gạo và nấu ăn.

Lấy lúa mới về, dù mệt thì ma lảm cũng phải tự tay giã gạo, sàng sẩy, để có gạo nấu cơm, vì đây là công việc của người mẹ lúa phải làm
Lấy lúa mới về, dù mệt thì ma lảm cũng phải tự tay giã gạo, sàng sẩy, để có gạo nấu cơm, vì đây là công việc của người mẹ lúa phải làm

“Ma lảm” phải đi lấy trong 3 ngày. Buổi sáng ngày thứ nhất, gia chủ phải mổ gà để cúng ma tổ tiên trong nhà để thông báo về việc đã thu hoạch xong vụ mới và xin lấy lúa về ăn... Buổi chiều khoảng 3 giờ họ tiến hành cúng với kho thóc để xin được lấy lúa về. Lễ vật trong lễ đó gồm có: 1 quả trứng (chưởi); 1 củ gừng (vuồng); 2 chén rượu (dươi chẻn húng). Hai vợ chồng gia chủ sẽ chủ trì lễ cúng, lấy lá dong rải xuống sàn ngay cạnh cột chính của lán, bày các lễ vật và cúng với ý xin với ma kho thóc, cho ma lảm được lấy lúa về ăn cơm mới. Sau khi khấn xong, ông chủ nhà rót 2 chén rượu, mỗi người cầm một chén rót một ít ra sàn mời ma kho thóc rồi uống hết chén rượu. Như vậy lễ cúng kho thóc đã xong, ma lảm sẽ thực hiện các nghi lễ lấy lúa mới ở lán trong ba ngày.   

Khi lên lán lấy lúa mới, chỉ có ma lảm và người chủ gia đình (chồng ma lảm) thực hiện.
Khi lên lán lấy lúa mới, chỉ có ma lảm và người chủ gia đình (chồng ma lảm) thực hiện.

Ngày đầu tiên ma lảm lấy nửa bó lúa đem về để trong buồng ngủ. Ngày thứ hai lấy nửa bó còn lại và cũng đem về để trong buồng ngủ của mình. Ngày thứ ba lấy một bó còn nguyên. Mỗi ngày lấy lúa ở lán về, tự tay ma lảm giã lấy gạo cho vào ống nứa làm cơm lam ăn một mình trong bóng tối không cho ai biết, chỉ được ăn nhạt và phải chừa lại một ít để ngày hôm sau ăn.   

Ma lảm đặt lễ để cúng ma kho thóc.
Ma lảm đặt lễ để cúng ma kho thóc.

Sau 3 ngày, ma lảm lấy thóc ở lán về nấu cơm cho cả nhà cùng ăn, những gia đình có điều kiện thì mổ gà, làm mấy mâm cơm rượu mời anh em họ hàng đến ăn mừng lúa mới cùng với gia đình. Toàn bộ công việc làm lễ cơm mới đều do bà chủ nhà làm hết. Khi đã giã thành gạo, bà mang sàng sẩy rồi cho vào chậu ngâm nước. Ngâm nước khoảng 15 - 30 phút sẽ lấy ra đồ thành xôi (nếu lúa mới là lúa nếp) hoặc nấu cơm (nếu lúa mới là lúa tẻ). Trong khi bà vợ giã gạo, ông chồng ra suối bắt 3 con cua về cho vào bếp nướng để ăn cùng với cơm mới, nếu không bắt được cua có thể thay bằng cá suối trắng. Tuyệt đối không được dùng cá đen, vì theo lý người Mảng, cá đen hoặc cá sọc là loại cá hay ăn tạp, nó ăn cả những thứ bẩn nên không thể dùng vào ăn cơm mới được. Cá trắng chỉ ăn rêu, giống như con cua, thì mới dùng ăn với cơm mới. 

Trong bữa ăn cơm mới các thành viên của gia đình chúc mùa màng bội thu, người chủ nhà khuyên bảo con cháu chăm chỉ làm ăn để có cuộc sống tốt hơn.

Buổi tối sau khi đã nấu cơm và nướng cua hoặc cá xong cả nhà dọn cơm ăn. Khi cả nhà đã tập trung đầy đủ quanh mâm cơm, ông chủ nhà nói: “Hôm nay là ngày ăn cơm mới, tất cả mọi người khỏe mạnh. Hồn con người không được đi nữa. Bây giờ đã có cơm mới ăn rồi, tất cả mọi hồn con người trong gia đình yên tâm ở lại. Từ nay tất cả những người trong gia đình không đau ốm luôn luôn khỏe mạnh như lúa mới. Sang năm phải được ăn nữa như thế này...”.

Ông chủ nhà nói xong, cả nhà bắt đầu ăn cơm. Những người tham dự bữa cơm này toàn là người trong gia đình, không được cho người ngoài vào ăn cùng, vì sợ hồn lúa theo người đó. 
Việt Hoàng
(TTXVN)
Dân tộc Mảng Dân tộc Mảng

Tên tự gọi: Mảng.

Tên gọi khác: Mảng Ư, Xá Mảng, Niểng O, Xá Bá O.

Nhóm địa phương: Mảng Gứng, Mảng Hệ.

Dân số: 3.700 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam - Á). Nhiều người Mảng biết tiếng Thái.

Lịch sử: Xưa nay vùng Nặm Ban (Dum Bai) thuộc xã Nặm Ban, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu vẫn được gọi là "quê hương" của người Mảng. Nhiều truyền thuyết, truyện kể còn lưu truyền cho đến ngày nay giúp chúng ta có thể nhận ra người Mảng là một trong những dân cư bản địa ở vùng Tây Bắc.

Hoạt động sản xuất: Người Mảng là cư dân "ăn nương" chuyên sống bằng nông nghiệp nương rẫy theo lối sống du canh du cư. Việc chọn nương, đánh dấu sở hữu được tiến hành từ sau tết.

Tháng 3-4 phát cỏ, để khô, nỏ; tháng5-6 đốt rồi gieo hạt. Công cụ làm nương có rìu, dao, gậy chọc lỗ. Năng suất lúa thường thấp do đất đai cằn cỗi, rừng non, đời sống bấp bênh, thiếu ăn quanh năm. Mấy năm gần đây họ đã biết làm nương cuốc; một số nơi làm ruộng bậc thang, năng suất lúa ổn định hơn.

Chăn nuôi, thủ công... chưa phát triển. Hái lượm, săn bắt trong suốt 4 mùa vẫn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế.

Người Mảng nuôi trâu, bò, dê, gà, lợn. Nhiều sản phẩm đan lát của người Mảng như bem, cót, gùi rất được các dân tộc khác ưa chuộng.

Ăn: Người Mảng ăn 2 bữa (trưa-tối), ngô là lương thực chính, ngô trộn sắn hoặc trộn với ít gạo đồ lên. Lá sắn non đồ muối là thức ăn gần như quanh năm của người Mảng. Họ ưa hút thuốc lào, uống rượu trắng.

Mặc: Y phục truyền thống vẫn được giữ gìn mặc dù nhiều người mặc giống người Thái hoặc Việt. Nét độc đáo trong y phục phụ nữ Mảng là tấm choàng quấn quanh thân được cắt may bằng vải thô màu trắng, ở giữa thêu hàng chỉ đỏ. Ðầu để trần, tóc buộc thành chỏm trên đầu bằng dây có tua khá đẹp, chân quấn xà cạp.

: Nhà sàn, gỗ tạp, kỹ thuật thô sơ.

Phương tiện vận chuyển: Phổ biến dùng gùi, có dây đeo trên trán sau gáy có ách.

Quan hệ xã hội: Người đứng đầu tổ chức xã hội truyền thống là Pơgia. Ông ta cùng Hội đồng các trưởng họ điều khiển mọi hoạt động văn hoá tôn giáo, xã hội trong bản. Về sau tổ chức xã hội này bị phá vỡ, chịu sự chi phối của tổ chức xã hội Thái. Tuy nhiên tổ chức Bản (Muy) vẫn duy trì theo tập quán truyền thống. Bản có trưởng bản trông coi về thu thuế tạp dịch. Trong bản thường có một dòng họ lớn, các trưởng họ cùng với hội đồng già làng điều hành mọi hoạt động xã hội, tôn giáo theo tập quán. Người Mảng có năm họ chính, mỗi họ lấy một con vật làm vật tổ.

Ma chay: Tang lễ của người Mảng gồm nhiều nghi thức phức tạp, từ khâm liệm cho đến khi chôn cất. Xưa, quan tài chủ yếu dùng vỏ cây hoặc tre ghép. Sau này, người ta dùng thân cây khoét rỗng hay dùng hòm ván gỗ.

Nhà mới: Mặc dù nhà người Mảng rất tạm bợ, nhưng từ khâu chọn đất, san nền, dựng cột cho đến lợp đều phải nhờ thầy bói xem ngày, giờ rồi mới tiến hành dựng nhà. Lễ mừng nhà mới là ngày vui của cả bản. Lễ này gồm nhiều đặc trưng nghi lễ phức tạp thể hiện đặc trưng tộc người.

Lễ tết: Ngoài tết Nguyên đán ra, người Mảng ăn tết Cơm mới sau vụ gặt tháng10 âm lịch. Hàng năm, dân bản còn cúng ma bản và ma nhà để yêu cầu yên. Ðặc biệt ở họ tồn tại hàng loạt nghi lễ liên quan đến nông nghiệp: lễ gieo nương; cúng hồn lúa, mẹ lúa; cúng sau vụ thu hoạch...

Thờ cúng: Ma nhà được cúng vào dịp tết hoặc khi trong nhà có người đau ốm. Trời là đấng sáng tạo tối cao. ở đây có cả truyền thuyết về sự xuất hiện loài người theo mô típ truyện quả bầu. Người ta quan niệm vũ trụ có bốn tầng: Trên trời là thế giới thần linh sáng tạo, mặt đất là thế giới người và các loại ma, dưới đất là người lùn xấu xí và dưới nước là thế giới thuồng luồng. Người Mảng tin có nhiều ma, trong đó ma nhà có vị trí đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó họ cũng thờ ma Ðẳm- tổ tiên, dòng họ.

Văn nghệ: Làn điệu dân ca "xoỏng" được nhiều người biết và ưa thích. Các truyện dã sử, truyện kể về lịch sử dân tộc thường được người già kể say sưa.

Chơi: Vào các dịp lễ, tết, trẻ em chơi cầu lông, đánh quay. Thanh niên có nơi chơi ném còn.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm