Lấy ý kiến Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động, bản thuyết minh và đề cương chi tiết của Dự thảo Luật Dân tộc

Lấy ý kiến Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động, bản thuyết minh và đề cương chi tiết của Dự thảo Luật Dân tộc
Ngày 1/12/2015, tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo lấy ý kiến vào Dự thảo báo cáo đánh giá tác động, bản thuyết minh và đề cương chi tiết của Luật Dân tộc.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia tư vấn của World Bank (WB), đại diện Hội đồng dân tộc của Quốc hội, các chuyên gia, các nhà làm luật, các Vụ,đơn vị của UBDT. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển bình đẳng các dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, đến nay, nhà nước đã nỗ lực triển khai gần 200 chính sách cụ thể. Tuy nhiên, công tác đối với đồng bào DTTS chủ yếu được triển khai bằng các chính sách hỗ trợ về mặt kinh tế, xã hội dành cho vùng DTTS dưới hình thức các chương trình mục tiêu, dự án được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật. Vì vậy, việc xây dựng Luật Dân tộc là rất cần thiết để giải quyết những bất cập về mặt chính sách và pháp luật hiện hành đối với đồng bào DTTS.Tại Hội thảo, các đại biểu, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó tập trung vào các vấn đề: Luật cần tiếp cận theo hướng đảm bảo các quyền con người, quyền công dân về dân sự, kinh tế, chính trị, xã hội thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Do đối tượng chính sách là nhóm đặc thù nên cần có những điều luật cụ thể hóa hoặc ban hành những chính sách cụ thể khác để đồng bào dân tộc, vùng dân tộc tiếp cận được đầy đủ; Do hiện nay hệ thống pháp luật về công tác dân tộc là hết sức đồ sộ, do đó việc xác định phạm vi điều chỉnh như thế nào để đảm bảo không chồng chéo, mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành về công tác dân tộc là vấn đề đòi hỏi phải nghiên cứu sâu; Các cam kết của Việt Nam về vấn đề dân tộc thiểu số mặc dù đã được nội luật hóa trong các văn bản của pháp luật Việt Nam nhưng nhiều quy định còn chưa chi tiết về cơ chế, biện pháp, điều kiện đảm bảo thực hiện. Do đó, trong dự thảo Luật Dân tộc bên cạnh việc tiếp thu những quy định đã có sẵn trong các văn bản pháp luật có liên quan về vấn đề này thì cũng cần làm rõ, bổ sung các quy định liên quan đến về cơ chế, biện pháp, điều kiện đảm bảo thực hiện các quyền của người dân tộc thiểu số...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nêu về tầm quan trọng và mục tiêu của việc xây dựng dự thảo Luật Dân tộc là để điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với đồng bào các dân tộc, mối quan hệ giữa đồng bào các DTTS với dân tộc đa số và giữa dân tộc thiểu số với dân tộc thiểu số. Thứ trưởng cũng đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học để dự thảo Luật sớm được hoàn thiện.
Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm